Thưa bác sĩ, tôi mang thai đến tháng thứ 5 đã thấy có dấu hiệu phù nề chân. Trước đây tôi cứ nghĩ phải đến tháng gần sinh mới có dấu hiệu này. Tôi muốn hỏi, tôi bị phù chân khi mang thai như vậy có sớm quá không và có nguy hại gì không? Em nên làm gì khi bị phù chân như vậy? Em xin cảm ơn bác sĩ! (Phương Hoa)

Trả lời:

Bạn Phương Hoa thân mến!

Trong suốt thời kỳ mang thai, cơ thể thai phụ sẽ có nhiều thay đổi do các tác động từ các hormon hay sự lớn lên của thai nhi trong cơ thể người mẹ. Có rất nhiều hiện tượng lạ xảy ra và khiến cho thai phụ cảm thấy khó chịu, trong đó có cả hiện tượng phù chân - hay còn gọi là "xuống máu chân".

Hầu hết phụ nữ khi mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ đều bị phù chân. Và tùy theo độ lớn của thai, vị trí thai và cơ địa của sản phụ mà biểu hiện phù nhiều hay ít, sớm hay muộn và nặng hay nhẹ. 

phù chân khi mang thai
Sưng phù chân vào những tháng cuối thai kì là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai nhưng cũng có thể là tín hiệu ban đầu của tiền sản giật. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây chứng phù nề ở phụ nữ mang thai có thể bao gồm: Tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được; Mặc quần áo chật; Ho nhiều và ho lâu trong các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và táo bón thường xuyên; Ngồi lâu hoặc ngồi bắt chéo chân ở nhân viên văn phòng hay do dư cân và béo phì; Sự rối loạn của các nội tiết tố... Nhiệt độ, thời tiết hay các hoạt động thể chất cũng có thể ảnh hưởng tới bàn chân của mẹ, bàn chân cũng có thể thay đổi hình dạng và tăng kích thước.

Sưng phù chân vào những tháng cuối thai kì là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai nhưng cũng có thể là tín hiệu ban đầu của tiền sản giật, một hội chứng cao huyết áp trong thai kỳ và rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu thấy hiện tượng sưng phù chân xuất hiện sớm, bạn nên đi khám và theo dõi dưới sự tư vấn, quản lý thai của bác sĩ để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

Để giảm tình trạng sưng phù chân, bạn cần lưu ý những điều sau:

- Đảm bảo cung cấp nguồn đạm cho cơ thể bằng cách ăn đủ lượng thực phẩm giàu protein chất lượng cao, chẳng hạn như thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các thực phẩm động vật và các loại đậu… Bạn cũng nên phòng tránh thiếu sắt, nên chú ý ăn gan động vật từ 2 – 3 lần/ tuần để bổ sung sắt.

- Giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch bằng cách nằm nghiêng về một phía. Vì tĩnh mạch chủ ở phía bên phải cơ thể, nên nằm nghiêng về phía bên trái.

- Tranh thủ gác chân bất cứ khi nào có thể để giúp đôi chân được nghỉ ngơi.

- Thường xuyên thay đổi tư thế bằng cách ngồi hoặc đứng. Tập thể dục vừa phải, đều đặn.

- Đi giày phù hợp, không nhịn tiểu, hạn chế ăn mặn... cũng sẽ giúp giảm nguy cơ bị sưng phù chân sớm.

Nếu đã áp dụng những điều trên mà thấy hiện tượng phù chân không giảm thì bạn cần đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra cụ thể.

Chúc mẹ con bạn khỏe mạnh!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected].