Trong thời đại cạnh tranh như hiện nay, học sinh đang ngày càng phải đối diện với nhiều áp lực hơn, trong đó nặng nề nhất vẫn là áp lực liên quan đến học tập. Và với vai trò là cha mẹ, phụ huynh cũng ôm nhiều lo lắng, suy tư hơn, khi một mặt họ muốn con em mình tiến bộ, một mặt lại sợ những áp lực ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng. Sự cân bằng giữa việc học và cuộc sống là điều quan trọng, nhưng việc tìm kiếm điểm cân bằng ấy vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục hiện đại với rất nhiều thách thức và yêu cầu.

Mới đây, trong một hội nhóm phụ huynh với gần 330 nghìn lượt theo dõi, người mẹ đã chia sẻ nỗi lòng của mình khi thấy con đang học lớp 8 phải chịu quá nhiều áp lực học tập. Theo người mẹ này chia sẻ, cô giáo dạy toán trên lớp của con vị này mỗi lần giao bài tập về nhà là lên đến tận… 30 bài. Mỗi lần mở vở của con ra, người mẹ lại thấy xót lòng.

Ngoài bài tập trên lớp, con của chị còn cần hoàn thành bài tập ở lớp học thêm. Khối lượng bài vở khổng lồ khiến em ngày nào cũng phải ngồi học đến hơn 12h đêm. Lịch học trong tuần của em luôn kín đến mức gần như không còn chút thời gian nào cho việc nghỉ ngơi, giải trí. Phụ huynh này từng nghĩ sẽ cho con nghỉ học thêm để giảm tải áp lực học tập, nhưng lại sợ những hậu quả kèm theo.

"6h sáng ra khỏi nhà, 9h30 tối con mới về đến nhà, không khác gì công nhân. Không biết con các bác thế nào?", người mẹ bày tỏ nỗi lòng.

Phụ huynh bật khóc khi mở cửa phòng con lúc 12h đêm, muốn giúp con nhưng không biết phải làm thế nào - Ảnh 1.

Học sinh hiện đang ngày càng đối diện với nhiều áp lực học tập. (Ảnh minh họa)

Trước thắc mắc của người mẹ này, netizen đã nhiệt tình đưa ra quan điểm của mình. Đa phần cho rằng em học sinh trong câu chuyện đang bị "quá tải", phụ huynh cần khuyên em giảm tải áp lực nếu không muốn em kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngược lại, cũng có người cho rằng chẳng mấy nữa kỳ thi chuyển cấp sẽ diễn ra, đây là kỳ thi áp lực chẳng khác gì thi đại học, nên việc chuẩn bị từ bây giờ là cần thiết. Có áp lực học tập là lẽ đương nhiên, nhưng áp lực mới tạo ra kim cương.

- Bố mẹ là người chịu trách nhiệm cuối cùng với con, cũng là phòng tuyến bảo vệ con. Con mình học trường cấp 2 CLC mà không hề đi học thêm nhiều, chỉ đi học thêm 2 buổi 1 tuần ở trung tâm tiếng Anh, trong khi các bạn đi học khắp nơi. Vì con nhiều bài tập ở trường, nếu học thêm nữa con sẽ phải thức khuya làm bài. Mà giấc ngủ con quan trọng hơn. Nhà mình 10h đi ngủ rồi, cuối tuần 2 ngày nghỉ toàn bộ để cho con có sức. Nhiều khi cuộc chiến giảm tải không nằm ở đâu xa xôi mà nằm ở tư duy của phụ huynh.

- Con mình trước cũng học lớp 8 mà thấy bình thường mà, lớp 9 thì căng hơn nhưng cũng vào khoảng 2 tháng trước khi thi thôi. Con mình học trường bình thường học cũng khá mà vừa rồi thi vào 10 điểm cũng cao. 

- Lớp 8 là nền tảng cho lớp 9 để thi vào 10, rất quan trọng mẹ ạ. Mẹ có thể cho con học thêm tại nhà/ gần nhà để con đỡ mệt, không nhất thiết phải học với cô giáo trên lớp. Bài tập về nhà 30 bài toán cũng không nên trách cô vì cô cũng chỉ muốn học sinh học tốt lên, ra nhiều cô chấm bài cũng vất vả, cái này thì nên cảm ơn cô mẹ ạ.

- Theo mình thì gia đình nên để cho con có thời gian vừa học vừa tận hưởng cuộc sống. Con làm gì thì làm nhưng phải thấy vui vẻ và hạnh phúc. Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc thì mới được. Còn việc học thêm phải đi xa và về quá muộn thì mình nghĩ nên giảm tải. Học thêm gần nhà hoặc cho học online cũng là lựa chọn không tồi mà. Nếu vẫn muốn học cô trên lớp thì cứ bảo cô là đi lại khó khăn nên xin cô mở Zoom lên cho con học online để giữ sức khỏe. Kiểu gì cũng có cách giải quyết. 

Làm sao để điều chỉnh lịch học cho con cái một cách phù hợp?

Để điều chỉnh lịch học phù hợp cho con cái, phụ huynh cần cân nhắc một số yếu tố sau:

1. Đánh giá nhu cầu và khả năng của con: Mỗi đứa trẻ đều có khả năng học tập và nhu cầu riêng biệt. Cần xác định được năng lực và sở thích của con để có thể lập ra một lịch học tập phù hợp.

2. Tạo lịch cân đối giữa học và chơi: Hãy đảm bảo rằng lịch học của con không chỉ bao gồm việc học trên lớp mà còn có thời gian cho việc chơi và các hoạt động giải trí, giúp con phát triển cân đối cả về trí tuệ và thể chất.

3. Khuyến khích học tập tự giác: Tạo ra một môi trường học tập tại nhà thuận lợi cho việc tự học, khuyến khích con tự lập lịch học và tự kiểm soát tiến độ học tập của mình.

4. Tham khảo ý kiến của giáo viên và chuyên gia: Hãy thảo luận với giáo viên và chuyên gia về cách thức thiết lập lịch học hiệu quả cho con, đặc biệt là khi bạn muốn tập trung vào việc cải thiện điểm yếu hoặc phát huy điểm mạnh của trẻ.

5. Linh hoạt điều chỉnh: Lịch học của con cần linh hoạt để phản ánh sự thay đổi trong quá trình học tập và mức độ mệt mỏi. Đừng ngần ngại điều chỉnh lịch học khi cần thiết.

6. Khuyến khích học qua trò chơi và sự sáng tạo: Tìm kiếm các phương pháp học tập mới mẻ và sáng tạo, như thông qua trò chơi giáo dục hoặc dự án thực hành, để con không chỉ học kiến thức từ sách vở mà còn thông qua trải nghiệm thú vị.

7. Ưu tiên sức khỏe và giấc ngủ: Sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc học tập, vì vậy đảm bảo con có đủ giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi.

Bằng cách này, cha mẹ có thể hỗ trợ con trong việc học tập hiệu quả hơn và phát triển một cách toàn diện.

(Tổng hợp)