Tổ hợp môn học mỗi trường một kiểu
Bên cạnh nhóm các môn bắt buộc, trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình chia các môn tự chọn thành 5 tổ hợp với số lớp dự kiến để học sinh lựa chọn. Trong đó gồm: tổ hợp Lý-Hóa-Địa-Giáo dục Kinh tế Pháp luật-Công nghệ (3 lớp); Tổ hợp Lý-Hóa-Sinh-Giáo dục Kinh tế Pháp luật-Tin (2 lớp); Tổ hợp Lý-Sử-Địa-Giáo dục Kinh tế Pháp luật-Công nghệ (7 lớp); Tổ hợp Sinh-Sử-Địa-Tin-Công nghệ (2 lớp); Tổ hợp Hóa-Sinh-Sử-Tin-Công nghệ (2 lớp).
Mỗi học sinh sẽ được đặt 3 nguyện vọng lựa chọn lần lượt từ cao đến thấp. Trong số đó, có đến 3 tổ hợp với 12/16 lớp dự kiến xuất hiện môn Lý. Nhìn từ bảng đăng ký nguyện vọng này có thể thấy các tổ hợp thiên nhiều về Khoa học tự nhiên và cũng phần nào phản ánh được nguồn lực giáo viên hiện có của trường THPT này.
Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm lại cho học sinh và phụ huynh lựa chọn theo hai Ban, mỗi ban có 3 môn chốt sẵn: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Hai môn còn lại học sinh được lựa chọn theo cặp đôi như: Lịch sử+Tin học; Địa lý+Công nghệ; Địa lý+Tin học,…
Kèm với bản đăng ký này, sau khi đăng kí nguyện vọng, học sinh đã có thể đăng kí mua sách giáo khoa theo nhóm môn tự chọn ngay tại buổi làm thủ tục nhập học. Trong khi đó, nhiều trường thậm chí còn chưa chốt được sẽ dạy học theo bộ sách nào.
Phụ huynh chưa nhập học vì chưa chốt được tổ hợp môn cho con em
Chị Thanh Mai, nhà ở Thụy Khuê suốt từ thời điểm trường bắt đầu nhận hồ sơ chiều 10/7 đến hôm qua (11/7) đi đi về về cả chục lần vẫn chưa đặt bút quyết định tổ hợp cho con vào trường THPT Nguyễn Trãi: “Vẫn lăn tăn vì mỗi trường có một cách bố trí tổ hợp khác nhau nhưng cơ bản vẫn chưa thấy hợp lí vì môn tự chọn thì nên để các cháu tự chọn. Ví dụ 5 môn tự chọn thì cho các cháu chọn 2 môn trong đó, 3 môn thì mình thêm vào thôi chứ đây các nhà trường đưa ra luôn. Có thể cháu thích môn này nhưng không thích môn kia”.
Suốt từ thời điểm con chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi vào 10, chị Mai tham gia nhiều nhóm phụ huynh khác nhau để cùng xử lý những tình huống nảy sinh và cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những phụ huynh đi trước. Nhưng câu chuyện chọn tổ hợp thì hoàn toàn khác, chưa phụ huynh nào trải qua, cũng chưa có hình dung việc dạy học sẽ thế nào. Rồi mỗi trường lại tổ chức tổ hợp khác nhau, tên gọi cũng không giống nhau nên không phụ huynh nào chia sẻ được.
“Mình đến đọc rồi, hỏi thầy cô tư vấn rồi và biết những lớp theo tổ hợp này chỉ mới dự kiến thôi nhưng vẫn khó đưa ra quyết định được nên phải chụp lại mang về để cả nhà cùng thảo luận rồi tìm kiếm thêm những chia sẻ từ các nhóm phụ huynh để hi vọng có lựa chọn đúng cho con. Vì như mình được biết nếu lỡ chọn, con học rồi mà năm sau thấy không phù hợp cũng không thể đổi nguyện vọng được nữa. Cá nhân mình thấy chưa hợp lí lắm nhưng cũng không có quá nhiều lựa chọn tốt hơn nên chắc rồi sẽ theo mong muốn của con”, chị Mai vẫn chưa thôi băn khoăn.
Tại bàn tiếp nhận hồ sơ nhập học lớp 10 của trường THPT Nguyễn Trãi, rất nhiều phụ huynh băn khoăn yêu cầu giải thích về tổ hợp trong khi giáo viên để đáp ứng nhu cầu lại không sẵn. Câu hỏi nhiều phụ huynh đưa ra là: "Nếu một trong các tổ hợp có quá nhiều học sinh đăng ký, bạn nào sẽ được quyền học theo đúng lựa chọn và bạn nào phải chuyển sang tổ hợp khác?".
Trường THPT Việt Đức dù đưa ra lựa chọn khá mở và được đa số phụ huynh đánh giá là phù hợp nhưng cũng chưa thể bao phủ hết các nguyện vọng được xem như rất chính đáng từ học sinh và phụ huynh các em.
Một phụ có con học chương trình tiếng Đức đã 7 năm cho biết, chị được tư vấn xếp vào nhóm Khoa học xã hội, trong khi mục tiêu là con sẽ du học Đức theo khối ngành kỹ thuật.
“Đau đầu lắm, từ hôm qua đến giờ nhóm phụ huynh lớp con mình hầu như cả đêm không ngủ, tranh luận tung trời. Hôm nay thắc mắc ở bàn tư vấn nhiều, hỏi cả cô Bội Quỳnh Hiệu trưởng. Ví dụ như các con hệ tiếng Đức 7 năm bị xếp luôn vào nhóm Khoa học Xã hội. Điều này khiến bố mẹ cực kỳ lo lắng vì theo hệ này, đa phần các gia đình hướng tới đi du học Đức. Mà ở Đức, đa phần các ngành học đều thuộc về Khoa học Tự nhiên, còn Khoa học Xã hội chỉ đăng ký được ngành Ngôn ngữ và Kinh tế thôi. Mà con mình chỉ thích ngành kĩ thuật thôi”, vị phụ huynh này hoang mang.
Nhà trường và giáo viên cũng áp lực
Cô Đỗ Thị Kim Thoa, giáo viên thuộc tổ tư vấn học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình khẳng định các lớp theo tổ hợp mới chỉ là dự kiến. Nếu lượng học sinh đăng ký quá nhiều, vượt chỉ tiêu lớp theo tổ hợp, nhà trường sẽ cân nhắc việc tăng số lớp căn cứ vào lực lượng giáo viên đang có.
Hơn nữa, việc xây dựng lớp theo tổ hợp cô Thoa cho rằng đã được cân nhắc để khá tương đồng, chỉ khác nhau 1 đến 2 môn học giúp học sinh không quá khó khăn trong lựa chọn. “Ví dụ như Lý nằm trong tổ hợp của Khoa học xã hội sẽ không yêu cầu cao như các tổ hợp thiên về Khoa học tự nhiên. Tất cả đều mới mẻ nên bản thân giáo viên cũng áp lực”, cô Thoa chia sẻ.
Và cơ bản, nhà trường sẽ ưu tiên theo nguyện vọng 1 trong đăng ký của học sinh và gia đình các em.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông cho biết, căn cứ theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là một cơ hội rất lớn cho các nhà trường và đồng thời theo định hướng phát triển giáo dục cá nhân hóa người học, phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân khi cha mẹ và các em được phép lựa chọn nội dung học.
“Tuy nhiên, đây là năm đầu triển khai ở khối trung học phổ thông, bắt đầu từ lớp 10, vạn sự khởi đầu nan, việc lúng túng, băn khoăn từ mọi phía sẽ là điều khó tránh. Mặc dù là các trường đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, về nhân sự dẫn tới thực tế chưa thể đáp ứng được một cách tối đa như mong muốn. Có thể ví dụ như một số nội dung như âm nhạc, mỹ thuật hoặc là một số nội dung như triển khai hoạt động trải nghiệm đều là những nội dung mới chương trình trung học phổ thông trước đây chưa có”, thầy Xuân Nhâm chia sẻ.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc số lựa chọn vượt khả năng đáp ứng của nhà trường hiện tại, đặc biệt về giáo viên, từ kinh nghiệm làm hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, thầy Hà Xuân Nhâm cho rằng có thể vài ba trường trong cùng khu vực kết hợp với nhau để dùng chung nguồn nhân lực hoặc là cũng theo văn bản chỉ đạo của Bộ, hình thức dạy học có thể đa dạng hóa, không nhất thiết phải theo lớp học truyền thống. Thêm vào đó, các trường có thể kết hợp giữa hình thức trực tiếp trực tuyến để khai thác triệt để nguồn nhân lực cũng như khắc phục được cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Xuân Nhâm, có một số nội dung giáo dục, chẳng hạn như liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc sẽ thực sự khó khăn về trang thiết bị học tập và cần một khoản tài chính cũng đáng kể. Vậy nên, trước mắt, các nhà trường sau khi học sinh nhập học lớp 10 cần khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để tiến tới có những đáp ứng bước đầu.
Phòng Giáo dục Trung học cũng đang xây dựng kế hoạch với mục tiêu nhanh chóng chia sẻ, tham mưu hỗ trợ các nhà trường trong việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục PT mới 2018 bậc THPT.
Còn ở trường hợp cụ thể học sinh ở trường Việt Đức đã theo học tiếng Đức 7 năm theo thầy Xuân Nhâm, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Trong 3 nhóm môn lựa chọn, ít nhất mỗi nhóm phải có một môn phù hợp mong muốn của học sinh nên dù khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều có những nội dung liên quan đến các lĩnh vực còn lại. Bên cạnh đó, việc thi cử kiểm tra đánh giá rồi các trường đại học tuyển sinh như thế nào đối với chương trình 2018 cũng sẽ có những thay đổi phù hợp.
“Việc quan trọng nhất hiện tại là tập trung học tốt những nội dung mà mình đã lựa chọn. Còn những mong muốn cụ thể, phụ huynh trao đổi với lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục Trung học cam kết sẽ đồng hành các nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt rất mong muốn các nhà trường đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh phát triển theo hướng cá nhân”.
Mỗi học trò có định hướng khác nhau, tương lai khác nhau cũng như năng lực cá nhân khác nhau. Song theo thầy Xuân Nhâm, kỹ năng sống cần được xem như nội dung rất quan trọng trong quá trình giáo dục. Thứ nhất ở việc linh hoạt trong cuộc sống. Thứ hai là có khả năng tự nhìn nhận tự đánh giá về mình sau này để tránh trường hợp học sinh không biết, không có lựa chọn và rồi cha mẹ bảo thế nào con nghe thế, dẫn tới chọn sai nghề phù hợp năng lực cá nhân.
Thầy Nhâm lưu ý phụ huynh tránh áp đặt cá nhân khiến các em phải lựa chọn nội dung học tập không phù hợp, không phải là sở trường.
“Qua quá trình làm tư vấn học sinh, mình nhận thấy một điều là năng lực thì có thể học sinh có nhưng mà một bộ môn nào đó con không thích thì lập tức là ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập”. Thầy Nhâm phân tích.