Mới đây, trong một group phụ huynh với hơn 220.000 lượt theo dõi, một người mẹ đã đăng tải câu chuyện của con mình, thu hút sự quan tâm của dân tình.
Toàn bộ chia sẻ như sau:
“Con gái em học lớp 9, đang chơi thân với nhóm bạn. Đặc thù của lớp của con là chơi theo nhóm, giống như kiểu chia bè phái. Lần thi khảo sát chất lượng đầu năm con em được điểm cao hơn hẳn so với nhóm bạn chơi cùng. Thế là các bạn ấy tỏ ra không bằng lòng và không muốn chơi với con em nữa. Giờ con em đang rơi vào tâm lý chán nản không muốn đi học, muốn chuyển trường, nhưng năm nay cuối cấp rồi rất khó cho việc chuyển trường. Mà cứ để tình trạng này em e rằng con sẽ bị ảnh hưởng đến việc thi vào 10. Xin các bác có kinh nghiệm cho em lời khuyên ạ. Em cảm ơn!”.
Bên dưới phần bình luận, bên cạnh những lời động viên, thấu hiểu cho cảm xúc của người mẹ, không ít netizen đưa ra quan điểm của bản thân để giải quyết triệt để vấn đề:
- Mình nghĩ bạn tốt là người phải biết động viên khích lệ và cùng nhau phấn đấu. Chứ bạn mà có suy nghĩ hơn thua như thế thì cũng không nên giao du. Mẹ cần phân tích để con hiểu, không việc gì phải chuyển trường cả.
- Bạo lực học đường có 2 hình thức mẹ à. Một là đánh đập tác động vật lí, hai là áp lực tâm lý. Con đang gặp khó khăn như vậy, chị phải động viên để cùng con vượt qua. Như em thấy đó là con bị tâm lý kiểu không có niềm vui nào khác ngoài tìm niềm vui nơi các bạn ạ. Con nhà em luôn được em giáo dục về cả 2 hình thức bạo lực này. Em lúc nào cũng động viên con là không cần chơi với đông bạn, chỉ cần 1-2 người cùng chí hướng, hợp gu là đủ. Với các bạn khác con giữ tâm lý hài hòa không đối đầu. Bạn có gây khó dễ thì con tạm thời tránh và nếu việc đó lặp đi lặp lại thì con phải nói với mẹ hoặc cô để tìm cách giải quyết vấn đề. Chị cũng nên cho con biết đấy chỉ là chuyện nhỏ, không phải vấn đề lớn. Mẹ nghĩ con làm đúng rồi thì không cần lo nghĩ gì cả, dần rồi các bạn sẽ hiểu con thôi.
- Bây giờ hiện tượng này nhiều lắm ạ. Mẹ cần dạy con vững vàng tâm lý và cách hành sử trong những trường hợp như thế này. Cái này nó lại thuộc vào kỹ năng sống và kỹ năng xử lý tình huống, cũng khó đấy!
- Mẹ nên xem xét nguyện vọng của con như thế nào. Nếu con thực sự không chịu được các bạn ấy thì chắc chắn sẽ đòi chuyển trường cho bằng được. Lúc đó có thể xem xét chuyển trường hoặc chuyển lớp cho con bạn ạ. Đừng để con phải nặng nề từ ngày này qua ngày khác mỗi khi đến trường, như thế thì ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và đặc biệt là tập trung cho kỳ thi sắp tới lắm. Bạn nhà mình năm rồi cũng vừa thi nên mình ưu tiên để con thoải mái nhất có thể.
Cha mẹ nên làm gì khi con bị bạn bè cô lập, tẩy chay?
Khi con bị bạn bè cô lập hoặc tẩy chay, cha mẹ cần thể hiện sự ủng hộ vững chắc, cung cấp sự an toàn và yêu thương để giúp con vượt qua khó khăn. Đầu tiên và quan trọng nhất, cha mẹ cần lắng nghe con mà không phán xét để hiểu rõ tình cảm và suy nghĩ của con trong hoàn cảnh này. Sự lắng nghe chân thành sẽ tạo điều kiện để con mở lòng và chia sẻ về những gì con đang trải qua, từ đó giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về nguyên nhân của vấn đề và cách thức để hỗ trợ con một cách hiệu quả nhất.
Sau khi nắm được thông tin, cha mẹ cần phải bình tĩnh và không tỏ ra quá lo lắng hoặc nóng giận - những phản ứng này có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, phụ huynh nên khuyến khích con tự tin và khẳng định mình, đồng thời giúp con nhận ra giá trị bản thân. Điều này có thể bao gồm việc cùng tham gia vào các hoạt động ngoại khóa hoặc phát triển sở thích, nơi con có thể kết bạn mới và tạo dựng mạng lưới mối quan hệ xã hội chất lượng hơn.
Cha mẹ cũng nên học cách trang bị cho con những kỹ năng xã hội cần thiết để xử lý và giải quyết xung đột với bạn bè một cách lành mạnh. Bằng cách mô hình hóa và thảo luận về các tình huống, cha mẹ có thể dạy con cách thể hiện cảm xúc, đặt ranh giới cá nhân và đối phó với sự cô lập một cách tích cực.
Phụ huynh hãy khuyến khích con phát triển các mối quan hệ độc lập và tìm kiếm cách giải quyết vấn đề một cách chủ động. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhà trường nếu cần thiết, thảo luận với giáo viên để đảm bảo rằng môi trường học đường là nơi an toàn và tích cực cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là tạo ra một không gian gia đình an toàn - nơi con cảm thấy được yêu thương và chấp nhận vô điều kiện. Sự ủng hộ này tạo ra nền tảng vững chắc để con có thể phục hồi từ những tổn thương tinh thần và phát triển khả năng phục hồi cần thiết để đối mặt với thách thức của cuộc sống. Cha mẹ cần nhấn mạnh rằng, dù trong hoàn cảnh nào, con luôn có một nơi an toàn để trở về, nơi mà con được chấp nhận và hiểu rõ giá trị thực sự của mình.
Tổng hợp