Việc lựa chọn trường cấp 3 luôn là một trong những quyết định quan trọng và khó khăn mà các học sinh cùng gia đình họ phải đối mặt. Đây không chỉ là bước ngoặt quyết định đến việc học hành mà còn ảnh hưởng đến tương lai nghề nghiệp và con đường phát triển cá nhân sau này. Mỗi ngôi trường đều có những điểm nổi bật khác nhau, từ chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất đến môi trường học tập và văn hóa… tất cả tạo nên một bức tranh đa dạng cho học sinh lựa chọn. Việc chọn đúng ngôi trường sẽ mở ra nhiều cánh cửa và cơ hội, trong khi một lựa chọn không phù hợp hoặc môi trường mà bản thân không thích có thể mang lại những thách thức không nhỏ.
Mới đây, trong một hội nhóm có gần 320.000 thành viên, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện của con mình về việc học cấp 3. Theo đó, trước kia, con của vị này muốn đăng ký thi vào 10 tại một trường điểm cách nhà 10km. Nhưng vì nhận thấy học lực của con không tốt, nên vị này có thuyết phục con thi vào một trường khác gần nhà và hứa hẹn sẽ chuyển con sang ngôi trường điểm kia sau.
Nhận kết quả thi vào 10, con của vị này đỗ vào lớp chọn của ngôi trường THPT gần nhà. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian học tại đây, học sinh nằng nặc muốn mẹ chuyển sang ngôi trường điểm mà bản thân thích từ đầu để học tập. Cũng chính vì thế mà mâu thuẫn giữa 2 mẹ con nảy sinh.
Toàn bộ chia sẻ như sau: "Con em thi vào lớp 10 năm nay. Trước đó, con định thi vào một trường điểm ở xa, mà lực học con chỉ mức khá. Em sợ con thi trượt nên động viên con là nếu thi được vào trường công gần nhà rồi mẹ chuyển cho sau và con em đã đỗ vào lớp chọn của ngôi trường gần nhà. Giờ con khăng khăng muốn chuyển ra trường điểm, mà giờ ra đó chỉ vào lớp thường. Em có giải thích là ở đây học tốt hơn và khó chuyển nhưng con nhất định không nghe và nói: 'Mẹ lừa con'. Trường gần nhà em cách 1 km, còn trường kia cách nhà hơn 10km. Xin các phụ huynh cho em lời khuyên?".
Phụ huynh nêu quan điểm
Bên dưới phần bình luận, netizen nhiệt tình đưa ra quan điểm về trường hợp của vị phụ huynh này. Bên cạnh phân tích mặt lợi - hại giữa việc học ở gần nhà và xa nhà, thì không ít người cũng không đồng tình với việc "hứa suông", "hứa cho có" của người mẹ.
Phụ huynh M.T chia sẻ: "Không vào được trường điểm thì làm 'vua xứ mù' cũng tốt chán. Hơn nữa chuyển trường không đơn giản. Quan trọng là đỗ đại học nào và ra trường có giỏi về chuyên môn và kỹ năng mềm có đỉnh không thì kiếm tiền mới giỏi được. Mẹ giải thích cho con, từ từ con sẽ hiểu".
Phụ huynh N.B cũng đồng tình: "Gần nhà là tốt rồi. Còn mưa gió bão bùng nữa, đi xa khổ lắm. Mẹ động viên con, tuổi này các con hay nổi loạn".
Phụ huynh N.A bày tỏ: "Con lớn rồi phải cho con tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Học mức nào đỗ mức ấy, sao lại có tư tưởng chuyển vậy nhỉ. Cứ vậy con sinh ỷ lại hư. Giờ giải thích cho con điều ấy. Mẹ cũng không phải là thích gì được nấy, không xin được thì làm gì được".
Trong khi đó, người dùng T.G.V nêu quan điểm: "Xin hãy nhớ lại lời hứa '...nếu thi được vào trường công gần nhà rồi mẹ chuyển cho sau'. Mẹ có khả năng chuyển con sang trường điểm thì làm thôi, đã hứa với con rồi thì phải làm".
"Nếu không định làm sao lại hứa với con. Bạn nên nói thật và phân tích cho con từ đầu. Nhưng cá nhân mình nếu con đòi thi chuyên thì mình chả dám gàn đâu. Con có mục tiêu rõ ràng mà không để con phấn đấu thì hơi phí", người dùng H.A cũng có ý kiến tương tự.
"Với các con lời hứa rất quan trọng, nếu như bạn không hứa thì trường hợp này sẽ không xảy ra. Có thể con không đỗ nhưng con sẽ không oán mẹ. Bây giờ con vẫn học ở trường con không muốn liệu con có học không? Hay vì thất vọng với mẹ mà sẽ buông lơi? Theo mình hai mẹ con cần có cuộc nói chuyện rõ ràng, và bạn cũng phải để con hiểu bạn đang nỗ lực vì con", người dùng Đ.T.H tâm sự.
Có thể thấy ở bất kỳ lứa tuổi nào, việc cha mẹ hứa hẹn và sau đó không giữ lời hứa có thể tạo ra hậu quả tiêu cực đối với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì, lứa tuổi này đòi hỏi sự ổn định và tin cậy trong môi trường gia đình để hình thành niềm tin và kỳ vọng rõ ràng. Khi cha mẹ không giữ được lời hứa, điều này không chỉ làm suy giảm lòng tin mà còn có thể dẫn đến cảm giác thất vọng và bất an cho trẻ, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý cũng như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Trong trường hợp kể trên, có lẽ người mẹ cần ngồi lại, bình tĩnh trao đổi với con về những thiệt hơn khi chuyển trường, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng sao cho phù hợp với cả bản thân con cũng như điều kiện gia đình.
Tổng hợp