Bên cạnh sự vui mừng khi các con sắp được quay lại trường, các vị phụ huynh cũng có nhiều mối lo lắng như: con chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong khi dịch bệnh tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”; trẻ mầm non chưa có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch bệnh; sau gần một năm nghỉ học ở nhà, nhiều học sinh sẽ khóc lóc, phản đối việc đi học.
Hơn nữa, học sinh chỉ đi học tại trường nửa ngày, các bậc cha mẹ phải sắp xếp công việc, thay phiên nhau đưa đón con cũng là một bài toán nan giải trong nhiều gia đình hiện nay.
Chị Trần Thanh Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi biết thông tin tới đây học sinh bậc mầm non sẽ được quay trở lại trường thì vợ chồng chị rất phấn khởi nhưng đi kèm với đó là sự lo lắng.
“Vui mừng vì con sắp trở lại trường nhưng tôi cũng băn khoăn việc có nên cho con đến trường trong thời điểm hiện tại hay không vì thực tế là các anh chị lớp lớn đến trường thì số học sinh F0 cũng tăng lên chóng mặt.
Nhiều người nói rằng trẻ mầm non đề kháng cao, nhiễm Covid-19 cũng nhanh khỏi nhưng điều tôi lo là các biến chứng hậu Covid-19”, chị Thanh Lan nói.
Cũng có cùng lo lắng như chị Lan, chị Lê Thị Hải (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Tôi cũng muốn con được đến trường vì thực tế thời gian qua gửi 2 con vào nhóm trẻ tự phát quá tốn kém, nhưng nếu đặt an toàn của con so với sự tốn kém thì thà tôi cho con học ở lớp trẻ tự phát với 5 học sinh/lớp còn hơn là cho con đến trường trong thời điểm “nóng" này.
Đó là chưa kể trường mầm non không ăn bán trú, một ngày 4 lần đưa đón 2 con trong cảnh khóc lóc vì đến môi trường mới thì chắc phụ huynh cũng không tập trung làm việc ở công sở được”.
Theo cô giáo Nguyễn Minh Hương - chủ nhóm lớp mầm non Tuổi Tiên (Hà Nội), trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh nên đo nhiệt độ cơ thể của con em. Nếu có sốt, ho và khó thở thì chủ động báo nhà trường và cho học sinh nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe.
Nếu cần thiết nữa, phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị, tuyệt đối không được cho trẻ đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Phụ huynh chỉ cho học sinh đến trường khi sức khỏe hoàn toàn bình thường và tuân thủ việc đeo khẩu trang khi vào cổng trường và trong suốt buổi học.
Cùng với đó, phụ huynh nên rửa tay và đo thân nhiệt cho con khi vào cổng trường mỗi sáng để đảm bảo an toàn cho con.
Trước đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất và giao các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án cho trẻ mầm non đi học từ ngày 1/3.
Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết tại hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Dũng, việc đưa học sinh đi học trở lại trường học trực tiếp là cần thiết, các cấp, ngành, địa phương phải vào cuộc tích cực, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, chủ động phối hợp với các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tổ chức dạy học an toàn.
Ông Dũng khẳng định, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ công tác đưa học sinh trở lại trường, được người dân, nhà trường, học sinh đón nhận với tinh thần phấn khởi. Để duy trì lâu dài việc tổ chức dạy học trực tiếp, TP yêu cầu đơn vị, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các nhà trường; đảm bảo cho học sinh từng bước quay trở lại học bán trú.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hà Nội thông tin, Thường trực Thành ủy đã thống nhất lộ trình cho trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 1/3. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nghiên cứu, xây dựng phương án, đề xuất, tham mưu về nội dung này, trong đó lưu ý đến các giải pháp tổ chức bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, cực đoan đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Ông Dũng cũng lưu ý, nhắc nhở công tác phòng chống dịch tại các địa phương là đặc biệt quan trọng. Cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, đảm bảo luôn chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống. Không được để tình trạng người dân nhiễm bệnh gọi y tế nhưng không được hỗ trợ, hướng dẫn và điều trị. Sở GDĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu trình phương án cho trẻ em mầm non trở lại trường học trực tiếp từ tháng 3.
Nghiên cứu xây dựng lộ trình để học sinh tiểu học được trở lại trường học với các sinh hoạt bình thường trong đó có ăn bán trú. Nguyên tắc là phải "đảm bảo an toàn nhất mới cho trẻ mầm non đến trường, đưa học sinh trở lại an toàn, hiệu quả nhưng không cứng nhắc, không cực đoan".