Phụ huynh kiệt sức làm bài tập cùng con

10h tối trong căn phòng chưa đến 30m2, chị Hồng Thơm (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) và con trai Thành Minh (7 tuổi, học lớp 2 trường tiểu học điểm của quận) vẫn đang loay hoay làm bài tập về nhà để kịp nộp cho cô giáo vào sáng mai.

Là nhân viên kế toán, mỗi ngày đi làm chị Hồng Thơm đều đau đầu với hàng tá các loại chứng từ, con số. Công việc ở văn phòng chưa xong, chị vẫn phải tạm dừng để về nhà, tranh thủ đón con, đi chợ nấu nhanh bữa tối cho tụi nhỏ kịp 19h bắt đầu vào học.

“Từ sáng sớm đến đêm khuya, tôi luôn trong trạng thái tất tả, bận rộn, không được nghỉ ngơi, hết việc công ty, lại đến gia đình. Nhiều lúc tôi thèm giấc ngủ sớm nhưng gần như không thể vì tối nào phải thức đến gần nửa đêm để cùng con làm bài tập về nhà", chị Thơm tâm sự.

Phụ huynh ngao ngán số bài tập về nhà quá nhiều, con học đến 10h tối không xong - Ảnh 1.

Nhiều học sinh ngủ gật trong giờ vì thức khuya làm bài tập. (Ảnh minh họa)

Mới lên lớp 2, nhưng mỗi ngày cậu con trai chị Thơm phải hoàn thành 5 - 7 trang bài tập về nhà. Từ môn viết đoạn văn Tiếng Việt, làm phép Toán đến từ vựng tiếng Anh, Tự nhiên và Xã hội đều có bài tập. Số lượng bài tập quá nhiều, một mình con không tự mình làm được hết, buộc phụ huynh phải sát sao, kèm cặp.

Số lượng bài tập về nhà quá nhiều khiến con chị không có thời gian nghỉ. Cậu bé luôn trong trạng thái mệt mỏi, thường xuyên ngủ gật trong lớp vì đêm thức khuya hoàn thành cả bài tập trên lớp lẫn bài tập ở lớp học thêm.

" Ở lớp, con tôi phải tranh thủ cả giờ ra chơi để hoàn thành bài tập. Về nhà, con cặm cụi từ 7h tối đến hơn 10h tối vẫn chưa xong bài. Có lần tôi thấy con ngồi khóc và tức giận với bản thân. Điều tôi thấy mừng là con không nản chí dù gặp bài tập khó, mất nhiều thời gian để giải. Tuy nhiên, điều đáng lo, con ngủ quá muộn, sáng đi học lại ngáp ngắn ngáp dài. Tôi thấy như vậy không hiệu quả”, chị Thơm nói.

Mất tuổi thơ vì học quá nhiều

Dù con năm nay vừa vào lớp 1 nhưng anh Trần Đức Quý (30 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đau đầu không kém khi tối nào cũng phải vào vai giáo viên để dạy con.

Chia sẻ về lịch trình của con, nam phụ huynh này liệt kê, 7h30 sáng, con bắt đầu vào học, chiều 5h được bố mẹ đón, tối bắt đầu học bài từ 7 - 10h. Thời gian biểu này diễn ra đều đặn từ ngày con gái anh bước vào tiểu học.

Phụ huynh ngao ngán số bài tập về nhà quá nhiều, con học đến 10h tối không xong - Ảnh 2.

Bận rộn công việc, bố mẹ vẫn phải thức khuya làm giáo viên tại nhà dạy con học. (Ảnh minh họa)

"Muốn con ngủ sớm để phát triển về chiều cao và thể chất. Vì vậy, ngày nào tôi cũng “đóng vai” là người giáo viên nghiêm khắc, yêu cầu con tập trung làm nhanh bài tập để đi ngủ sớm", anh Quý nói và cho biết bản thân làm lập trình viên, khối lượng công việc luôn chất đống, ngày nào cũng 7 - 8 tối mới về.

Kể từ khi con vào lớp 1, anh phải về nhà sớm để nấu ăn cho kịp giờ học tối của con. Đến khi kèm con học xong và cho đi ngủ, anh lại thức đến 2h sáng để hoàn thành công việc.

"Thực sự tôi thấy bài tập về nhà của các con quá nhiều, từ vở luyện viết đến vở bài tập, một ngày con học 3-4 môn thì tất cả đều có vở bài tập cần phải làm”, anh Quý liệt kê.

Anh và một vài phụ huynh trong lớp từng than phiền về việc cô giáo đang giao quá nhiều bài tập về nhà cho con. Tuy nhiên, câu trả lời nhận lại chỉ là "mong phụ huynh giúp đỡ, khối lượng kiến thức lớn, học ở trên lớp không thể hết được".

Thậm chí trong nhóm chat của phụ huynh, cô giáo liên tục cập nhật về thành tích học tập của tất cả học sinh trong lớp. Để các em không bị “tụt” lại phía sau, giáo viên tích cực giao thêm bài tập, bắt buộc học sinh học cả cuối tuần.

Cô Nguyễn Thị Mai (giáo viên cấp 1 tại Hà Nội) thừa nhận, lượng bài tập giáo viên giao về nhà cho học sinh quá nhiều, phổ biến nhất là tại các trường điểm, lớp chọn. Áp lực điểm thi đua, các giáo viên không còn cách nào khác phải giao thêm bài tập về nhà cho học sinh để các em mau tiến bộ.

Nữ giáo viên này phân trần, vấn đề không phải nhiều bài tập về nhà khiến trẻ bị quá tải. Kiến thức học hàng ngày với học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1 nói riêng đang quá sức với trẻ. Các giáo viên đều cố gắng tìm tòi và sử dụng những phương pháp giảng dạy thông minh nhất để giảm thiểu sức nặng của kiến thức cho các em.

“Ngoài ra, mỗi tiết học chỉ diễn ra trong 45 phút. Thời gian này đủ để trẻ tiếp nhận kiến thức và thực hành một số bài tập liên quan để hiểu bài. Vì thế, giáo viên bắt buộc phải giao thêm bài tập về nhà để các em rèn luyện, giúp ghi nhớ lâu hơn”, cô Mai cho biết.

Thực tế, chương trình học của lớp 1 quá nhiều, yêu cầu cao. Trong lúc các em chỉ mới học đánh vần và ghi nhớ bảng chữ cái thì nội dung chương trình đã bắt con phải đọc được một đoạn văn hoàn chỉnh.

Cô Mai cho biết nhiều giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh vì bị phụ huynh kiến nghị quá nhiều. Tuy nhiên, trẻ về đến nhà chỉ đắm chìm vào điện thoại, xem tivi và chơi game. Bố mẹ cũng vì công việc quá bận rộn mà không thể kèm cặp con, không ép con học, mặc cho bé phát triển tự nhiên.

Kết quả là lực học của trẻ sa sút, mất tập trung vào bài giảng, từ đó trẻ dần phát triển “thụt lùi” so với bạn bè.

Không được giao bài tập về nhà

Đầu năm học 2023 - 2024, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nêu lên thực trạng giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh quá nhiều thông qua các nhóm chat phụ huynh. Nhiều phụ huynh cho biết con bị quá tải vì lịch học ngày hai buổi dày đặc ở trường, tối vẫn phải làm bài tập.

Bà Châu nhấn mạnh, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông mới là không giao bài về nhà cho học sinh tiểu học. Học sinh đã học ở trường hai buổi mỗi ngày, giáo viên phải cho các em làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, giáo viên khuyến khích học sinh tự giác ôn lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu thấy cần.

"Đầu năm học, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giáo viên phải cho học sinh hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà. Chúng tôi sẽ có những đoàn kiểm tra để ghi nhận, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này nếu có", bà nói.