Phụ huynh của một số học sinh mầm non ở Nhật Bản đang rơi vào cảnh bối rối khi được khuyến cáo cân nhắc cho trẻ ở nhà để giảm số lượng học sinh trong các cơ sở trông trẻ, đồng thời ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.

Yêu cầu trên được chính quyền nhiều thành phố đang là điểm nóng của dịch Covid-19 ban hành, giữa lúc hàng loạt cơ sở mầm non buộc phải đóng cửa sau khi phát hiện các cụm lây nhiễm trong giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, cũng chính lúc này, chính quyền trung ương Nhật Bản lại yêu cầu các cơ sở trông trẻ hoạt động nhiều nhất có thể. Điều này khiến các phụ huynh không biết nên để con ở nhà chống dịch hay vẫn tiếp tục tới trường đi học.

Phụ huynh Nhật Bản ‘rối não’ không biết gửi con đi nhà trẻ hay ở nhà chống dịch - Ảnh 1.

Phụ huynh mầm non bối rối khi lựa chọn để con ở nhà trông chống dịch hay vẫn cho trẻ đi học. (Ảnh: Kyodo)

Một nữ phụ huynh 36 tuổi ở thủ đô Tokyo cho biết cô “bị sốc” ngay sau khi chính phủ cho ban hành tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 vào đầu tháng Một. Cơ sở mầm non đang trông giữ cậu con trai đầu mới 2 tuổi của cô đã hỏi phụ huynh rằng liệu cô có thể để con trai ở nhà do xuất hiện “nguy cơ lây nhiễm trong nhóm mầm non”.

Đối với người mẹ vẫn đang trong giai đoạn nghỉ sinh con thứ hai này, cô cảm thấy không thể từ chối đề nghị của trường mầm non, do cô muốn cậu con trai thứ 2 cũng được gửi tới cơ sở này khi cô quay trở lại với công việc. Do đó, cô quyết định để cậu con trai đầu ở nhà để từ 1 – 2 ngày/tuần, còn những ngày còn lại con trai cô vẫn đến trường học.

Người mẹ cho biết thêm, cô đã nghe được những tin đồn liên quan tới dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều cơ sở trông trẻ gần đó và nhận thấy rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh là có thật.

Theo một quan chức ở quận Shibuya thuộc thành phố Tokyo, một số phụ huynh hoan nghênh quyết định của các trường mầm non nhất là khi chính quyền nhiều thành phố ra chỉ thị nên việc xin nghỉ làm ở nhà để trông con trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, theo văn hóa công sở ở Nhật Bản lâu nay, việc có một ngày nghỉ phép là vô cùng khó khăn.

Nhưng không ít người cảm thấy bối rối về việc được đề nghị tránh gửi con tới lớp, trong khi các cơ sở trông trẻ vẫn hoạt động.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng cộng 62 cơ sở đã tạm thời dừng hoạt động từ ngày 28/1 tại 11 quận ở các thành phố bao gồm Tokyo, Aichi, Hyogo và Fukuoka, sau khi các báo cáo cho biết đã xuất hiện các ca mới mắc Covid-19 trong nhóm nhân viên nhà trẻ và học sinh mầm non.

Trong giai đoạn tình trạng khẩn cấp quốc gia lần đầu tiên được ban hành và thực thi từ tháng 4  -5/2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã yêu cầu chính quyền các thành phố cân nhắc đề nghị phụ huynh tránh gửi con tới các cơ sở trông trẻ để giảm số lượng học sinh trong lớp. Tuy nhiên, động thái trên được công bố cùng lúc các trường học được lệnh phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Còn trong lần ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ 2 này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản lại không đưa ra đề nghị chính quyền các thành phố yêu cầu phụ huynh dừng gửi con tới trường. Song trên thực tế, hàng loạt quận ở thủ đô Tokyo gồm Setagaya, Meguro và Arakawa, cùng 5 thành phố gần tỉnh Kanagawa như Sagamihara và Kamakura cũng đã yêu cầu các phụ huynh không gửi con tới trung tâm trông trẻ ban ngày do tình trạng khẩn cấp được ban hành và thực thi tại những khu vực này từ ngày 7/1.

Thậm chí, chính quyền nhiều thành phố còn hỗ trợ tài chính theo ngày cho những ai chấp thuận để con ở nhà để trông thay vì đưa tới cơ sở mầm non.

Một quan chức cấp cao tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết chính quyền trung ương tin rằng các cơ sở trông trẻ “nên mở cửa như bình thường”.

“Hiện tại, chúng tôi không phát hiện có vấn đề rắc rối lớn nào, nhưng chính quyền các thành phố nên cố gắng cung cấp dịch vụ cho những người cần trong trường hợp họ quyết định giảm số lượng học sinh trong các lớp mầm non”, quan chức Nhật Bản nói.

“So với lần ban hành tình trạng khẩn cấp vào mùa xuân năm ngoái, chúng ta đã có sự trang bị tốt hơn về các biện phòng dịch”, bà Aki Fukoin, một hội trưởng hội phụ huynh cho biết.

“Các cơ sở trông trẻ là quan trọng không chỉ với những phụ huynh phải đi làm, mà cả đối với sự phát triển của trẻ. Những cơ sở này cần mở cửa hoạt động nhiều nhất có thể, nhưng đồng thời đảm bảo giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh”, bà Fukoin nói thêm.