Dù sống ở nông thôn hay thành thị, nhu cầu học thêm tiếng Anh luôn là mối quan tâm lớn của các phụ huynh. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, việc thông thạo tiếng Anh không chỉ giúp trẻ em nâng cao cơ hội học tập mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Các lớp học tiếng Anh có mức học phí đa dạng, tùy thuộc vào địa điểm, hình thức học (trực tuyến hay trực tiếp), và chất lượng giảng dạy. Những trung tâm lớn hay khóa học với giáo viên bản ngữ thường có học phí cao, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, các lớp luyện thi TOEFL, IELTS hay các khóa học với giáo viên nước ngoài có thể yêu cầu mức học phí lên tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, ở nông thôn, mức phí học thêm tiếng Anh thường thấp hơn so với thành phố.

Mới đây, một phụ huynh ở xã đã bày tỏ sự không hài lòng về học phí của lớp tiếng Anh cho con mình. Chị cho rằng mức học phí này quá cao đối với gia đình ở vùng nông thôn và đã gửi một tin nhắn yêu cầu cô giáo xem xét lại. Cụ thể, mức học phí là 25 nghìn đồng cho mỗi buổi học kéo dài 1,5 giờ, với tối đa 12 học sinh trong một lớp. Đây là mức phí mà cô giáo áp dụng cho các lớp học tiếng Anh cho học sinh cấp 1 và cấp 2 ở xã.

Phụ huynh than vãn phí học thêm tiếng Anh quá đắt, nhìn mức phí, nhiều người ngã ngửa: Giảm nữa thì cô giáo sống thế nào?- Ảnh 1.

Một phụ huynh ở xã đã bày tỏ sự không hài lòng về học phí của lớp tiếng Anh cho con mình.

Khi nhận được tin nhắn này, cô giáo cảm thấy khá bối rối. Trong suy nghĩ của cô, học phí này là hợp lý, vì với số lượng học sinh trong lớp và thời gian dạy, phí này đã thấp hơn nhiều so với mức chung của thị trường. Tuy nhiên, khi đối diện với những lo lắng của phụ huynh, cô không biết phải trả lời thế nào để vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp, vừa bảo vệ được công sức và chất lượng giảng dạy của mình.

Ở các vùng nông thôn, mức thu nhập của người dân không cao, khiến việc chi trả học phí cho con cái trở thành một gánh nặng đối với nhiều gia đình. Chính vì vậy, việc xác định mức học phí phù hợp luôn là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.

Một số người cho rằng, mức học phí 25 nghìn đồng cho mỗi buổi học 1,5 giờ là rất hợp lý và thậm chí thấp. "Ở Hà Nội, học phí 250 nghìn đồng cho một buổi học 2 giờ với lớp 1:1. Ở quê cũng phải 150 nghìn đồng. 25 nghìn đồng/bạn là mức phí vốn đã thấp. Giảm nữa thì hít khí trời để sống. Họ phải trả tiền đi lại, tài liệu, và giảng dạy cho cả nhóm, chưa kể thời gian ngoài giờ để chấm bài và trách nhiệm đối với chất lượng giảng dạy", một giáo viên khác chia sẻ.

Người này cho rằng, phụ huynh có ý kiến như vậy thì xác định là nhà không có đủ kinh tế để cho con theo học lâu dài. Nên tốt nhất là nói chuyện rõ ràng để xác định nên học tiếp hay nghỉ, tránh sau này "nói ra nói vào" mất lòng.

Một phụ huynh cũng cho biết, mức học phí ở nơi họ sống (Thái Bình) là 35 nghìn đồng cho mỗi buổi học 2 giờ ở cấp 1, và 50 nghìn đồng cho mỗi buổi học 2 giờ ở cấp 2, cấp 3. Còn người khác kể, ở quê chị, mức học phí là 200 nghìn đồng/tháng cho 12 buổi học.

Có thể thấy, quan điểm về mức học phí đắt hay rẻ là khác nhau tùy vào mỗi người. Phụ huynh cần cân nhắc giữa điều kiện tài chính gia đình và giá trị mà việc học mang lại cho con cái. Các giáo viên cũng cần linh hoạt trong việc xác định mức học phí sao cho phù hợp với hoàn cảnh của từng khu vực và đối tượng học sinh.

Sự thấu hiểu và đồng cảm giữa phụ huynh và giáo viên là rất quan trọng. Giáo viên cần lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của phụ huynh, đồng thời giải thích rõ lý do về mức học phí. Còn phụ huynh cũng cần thấu hiểu công sức của giáo viên, cùng nhau tìm kiếm giải pháp hợp lý để đôi bên đều hài lòng. Một môi trường học tập hòa hợp sẽ giúp học sinh phát triển tốt hơn trong tương lai.