Dứa không chỉ là một loại trái cây nhiệt đới ngon lành mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe đáng kể. Trên thực tế, dứa đã được sử dụng trong y học dân gian từ thời cổ đại, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2016 trên báo cáo Y sinh.
Dứa có nguồn gốc từ châu Mỹ và cũng được trồng ở các vùng khí hậu nhiệt đới trên khắp thế giới.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Julie Andrew cho biết: "Dứa là một nguồn cung cấp vitamin C, vitamin B, chất xơ và khoáng chất như mangan".
Phụ nữ được khuyên nên ăn nhiều dứa vì loại quả này có chứa nhiều dưỡng chất, như vitamin C và axit ascorbic tạo collagen, có thể giúp tăng độ đàn hồi cho da, giúp da căng và tránh sự nhão, xệ của "vòng 1".
Ngoài ra, quả dứa còn tốt cho sức khỏe nói chung với nhiều chất chống oxy hóa có khả năng chống các gốc tự do, chống ung thư.
Cụ thể như sau:
Phụ nữ chăm chỉ ăn dứa, cơ thể nhận được hàng loạt lợi ích
1. Dứa là loại trái cây giàu vitamin C
Jackie Newgent (một chuyên gia dinh dưỡng tại Thành phố New York, Mỹ) cho biết: "Chất dinh dưỡng nổi bật trong dứa là vitamin C. Có tác dụng hỗ trợ hệ thống miễn dịch và cung cấp các lợi ích chống oxy hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một cốc dứa chứa 78,9 miligam (mg) vitamin C. Vitamin C rất quan trọng vì nó khuyến khích sự phát triển và chữa lành toàn bộ cơ thể, đồng thời giúp hấp thụ sắt.
2. Ăn dứa có thể giúp bạn giảm cân
Dứa có hàm lượng calo thấp hơn so với các món ngọt khác, vì vậy nếu bạn thưởng thức một khẩu phần dứa thay vì một que kem cho món tráng miệng hàng đêm, bạn có thể tiêu thụ ít calo hơn và giảm cân.
Dứa cũng cung cấp một số chất xơ, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn và giúp bạn ăn ít hơn vì nó giúp bạn cảm thấy no, theo Mayo Clinic.
3. Ăn dứa có thể hỗ trợ tiêu hóa của bạn
Theo Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia (Mỹ), dứa có chứa bromelain, một hỗn hợp các enzym có thể làm giảm viêm và sưng mũi, đồng thời hỗ trợ chữa lành vết thương và vết bỏng.
Nó cũng có liên quan đến việc giúp cải thiện tiêu hóa và đã được sử dụng ở các nước Trung và Nam Mỹ để điều trị rối loạn tiêu hóa.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biotechnology Research International cho thấy chất bromelain trong dứa có thể giúp giảm tác động của bệnh tiêu chảy.
4. Mangan trong dứa thúc đẩy xương khỏe mạnh
Cùng với canxi, khoáng chất vi lượng mangan rất cần thiết để duy trì xương chắc khỏe, theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester.
Theo Đại học Bang Oregon, dứa là một trong những nguồn thực phẩm hàng đầu chứa nhiều mangan. Mangan có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và giúp cải thiện mật độ xương và khoáng chất tổng thể.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận đừng lạm dụng nó - lượng mangan có thể nguy hiểm và có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhận thức nếu bạn tiêu thụ hơn 11mg mỗi ngày. Nhưng đừng lo lắng: Chúng ta rất khó để đạt được những mức đó vì 1/2 cốc dứa có ít hơn 1mg mangan.
5. Nhờ chất chống oxy hóa, dứa có đặc tính chống ung thư
Dứa rất giàu chất chống oxy hóa, chất này bảo vệ tế bào của bạn khỏi các gốc tự do - các hợp chất hóa học có thể đóng một vai trò trong bệnh ung thư và bệnh tim.
Một số lưu ý khi ăn dứa
- Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều dứa vì có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai, mất con;
- Người có bệnh xuất huyết;
- Người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng cũng cần thận trọng;
- Đối với người bình thường, khi ăn dứa cũng lưu ý không nên ăn lúc đói, gọt bỏ kỹ càng vỏ và mắt dứa, sau đó ngâm vào nước muối nhạt khoảng 10 phút trước khi ăn;
- Do đặc tính của bromelain, ăn quá nhiều dứa có thể khiến miệng, môi và lưỡi của bạn bị đau. Hạn chế ăn dứa hoặc ăn dứa nấu chín có thể giúp bạn hạn chế khỏi tác dụng phụ này;
- Do dứa có tính axit khá cao, vì thế nếu bạn ăn nhiều dứa có thể gặp tình trạng bị ợ nóng sau khi ăn.
- Người đang đói không nên ăn dứa vì các axit hữu cơ này và bromelin trong dứa có thể tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
- Người đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc làm loãng máu, thuốc trị mất ngủ và thuốc chống trầm cảm không nên ăn dứa quá nhiều. Tốt nhất những người đang gặp vấn đề về sức khỏe nên ăn dứa theo chỉ định của bác sĩ;
- Dứa là loại quả có vị ngọt vì thế người tiểu đường nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi đưa loại trái cây này vào kế hoạch ăn uống của mình. Nếu bạn đã từng gặp bất kỳ phản ứng nào khi ăn dứa, tốt nhất là không nên thử lại một lần nữa.
Theo Everydayhealth