Chị nói rằng chồng chị ấy là một người rất tốt, hiền lành, yêu vợ thương con, mỗi tội… lười. Vậy là từ lúc mới cưới, chị đã tự mình làm một cuộc cách mạng bền bỉ để kéo anh chồng cùng chia sẻ mọi việc với vợ. Và chị ấy đã thành công. Sau đây là một số “chiêu” cụ thể
1. Xác định về mặt tư tưởng
Đầu tiên cần từ bỏ quan niệm “chồng làm việc nhà là để giúp vợ, nên làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”. Đừng đánh giá thấp bạn đời của mình thế chứ? Kết hôn là để xây dựng tổ ấm cùng nhau, nhớ là “cùng nhau” chứ không phải mình vợ vun đắp. Sau khi xác định tư tưởng cho mình, hãy rủ rỉ vào tai chồng: “Em rất thích chúng ta làm mọi thứ cùng nhau, như thế vừa vui vừa tình cảm. Chứ làm một mình cũng xong đấy, cơ mà chẳng vui…”
2. Rủ chồng làm việc cùng bạn, rủ rê chứ đừng ra lệnh.
Thi thoảng có thể đa dạng yêu cầu của mình dưới dạng lựa chọn như:
- Anh thích phơi quần áo hơn hay là nhặt rau hơn nhỉ?
- Xem nào, nhặt rau
- Ok, vậy em sẽ phơi quần áo, bắt đầu nào!
Cứ như vậy, dần dần chồng sẽ có thói quen làm mọi thứ cùng vợ. Không cam tâm để vợ lúi húi một mình
3. Đừng quá cầu toàn về kết quả
Anh ấy có thể tạo ra một bãi chiến trường trong nhà bếp sau khi nấu ăn, cho con ăn xong thì hai bố con nhem nhuốc như vừa đi đánh trận giả về… Thật không dễ khi chứng kiến những cảnh này, bạn chỉ muốn thốt lên rằng “thôi lần sau anh để đấy em làm cho, anh làm xong em dọn cũng phát ốm”. Hãy cố gắng kiềm chế, tự nhủ mình lần sau sẽ khá hơn. Sự cáu giận của bạn trường hợp này có thể khiến chồng bạn ngại động tay động chân vào lần sau, không hẳn vì lười mà vì sợ không vừa ý bạn. Bừa bộn tí thì đã sao, cứ vui vẻ đi.
4. Kiên quyết thực hiện từ những thói quen nhỏ:
Nếu chồng được phân công đổ rác mỗi tối, hãy để anh ấy làm đều đặn, vợ có thể phải nhắc nhở nhiều lần vì anh ấy quên, hãy cứ nhắc, nhưng trừ những trường hợp bất khả kháng thì đừng làm hộ, kiểu “thôi mình làm quách đi cho nhanh, chờ anh này có đến mùa quýt”.
5. Yếu đuối một cách có chủ ý
Rất hoan nghênh nếu vợ có khả năng làm được tất cả những điều mà nam giới thường làm như thay ống nước, sửa máy bơm, nối dây điện… tuy nhiên không cần thiết phải thể hiện các khả năng này trước mặt chồng, hãy để anh ấy làm, nếu anh ấy không thể trực tiếp làm thì chí ít cũng là người gọi thợ và đích thân giám sát họ. Còn vợ ấy à “Chân yếu tay mềm lắm, không làm được đâu…”
6. Tạo mối gắn kết giữa con và bố
Cái này nghe có vẻ hiển nhiên, bởi ông bố nào mà chẳng thương con? Và chuyện này liên quan gì đến việc nhà? Tuy nhiên thương con và gần gũi con không phải bao giờ cũng là một, có rất nhiều ông chồng vẫn thương con nhưng phó mặc chuyện chăm con cho vợ, thậm chí cả ông bà, trong khi với phụ nữ thì đây chính là phần việc chiếm rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí dẫn đến căng thẳng mệt mỏi. Vì vậy hãy để chồng bạn cùng chia sẻ! Rủ chồng cùng tắm cho con, thay tã, pha sữa…Sau này khi chồng thành thạo, bạn có thể để anh ấy tự làm, bạn đi làm việc khác. Như vậy vừa tăng sự gần gũi cho hai bố con, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho mình và giúp bạn yên tâm rằng chồng có thể chăm con tốt mỗi khi bạn có việc phải xa nhà.
Người gửi: votrangna