Thế nhưng người phụ nữ ấy không đầu hàng số phận, giờ đây cô trở thành giảng viên đại học, nuôi nấng đứa con nhỏ nên người... nơi đất khách chỉ có một thân một mình.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Tôi không nhớ rõ lắm lần cuối cùng tôi gặp Hồng trên mảnh đất hai chúng tôi sinh ra, lớn lên là khi nào. Nhưng tôi vẫn nhớ như in cái dáng vẻ tiều tụy, khóc không thành tiếng, nói không thành lời của Hồng khi đứng bên cỗ áo quan của người bà với niềm day dứt “chính mình đã tiếp tay giết chết người yêu thương mình nhất”. Để rồi sau gần 8 năm gặp lại Hồng nơi đất khách, tôi ngỡ ngàng và thầm khâm phục sự vực dậy, trưởng thành của Hồng từ những đau khổ, bi thương.

Khi tôi còn nhỏ, qua lời mẹ tôi kể lại thì Hồng mồ côi cha, mẹ bỏ đi biệt xứ trước khi bán Hồng cho một người ở dân vùng chài lưới. Bà nội của Hồng phải vất vả ngược xuôi đi tìm và dốc hết số tiền dành dụm mới chuộc được đứa cháu tội nghiệp về. Từ ngày đó, hai bà cháu sống dựa vào nhau bằng gánh trầu cau trĩu vai chủ yếu vì những khúc rễ cây chát (dùng lấy vỏ để ăn kèm với miếng trầu được têm).

Đứa trẻ mồ côi tội nghiệp. Đó là câu nói mà cho đến tận ngày nay mẹ tôi vẫn thường dùng khi nhắc đến Hồng. Trong kí ức của tôi, và tất thảy mọi người sinh sống ở con phố nhỏ, thời thơ ấu của Hồng là những chuỗi ngày vất vả, khổ nhọc, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ. Hồng sống chới với giữa cuộc sống đói khổ và nghèo nàn khi thì lẽo đẽo theo gánh trầu cau mưu sinh của bà ra chợ; lúc thì đứng nép mình dưới hiên nhà hàng xóm trong tiết trời mưa rét căm căm; khi lại ngồi co ro, đơn độc trong căn nhà tranh leo lét ánh đèn dầu.

Hầu như Hồng luôn một mình trong tất cả những buổi nhập nhoạng tối, lúc mà những đứa trẻ bằng tuổi Hồng như chúng tôi sau buổi nô đùa đã yên vị ríu rít bên mâm cơm, vòi vĩnh bố mẹ thì Hồng một mình hoặc đứng ngoài cổng, hoặc nhấp nhỏm đi lại trong con ngõ tối om để chờ người bà khắc khổ kẽo kẹt nặng vai với gánh trầu cau từ chợ về.

Thông thường đối với một đứa trẻ từng sống ở thời kì vẫn còn dư âm của chế độ bao cấp như chúng tôi thì việc thấy miếng ngon bao giờ cũng thòm thèm, chạy lại xin ăn thế nhưng với Hồng, cho dù đói và khổ, được người ta gọi lại cho ăn nhưng Hồng chưa bao giờ xin hoặc ăn chực nhà ai bao giờ. Cũng vì thế mà kí ức của tôi luôn có hình ảnh một con bé nhỏ gầy, nhất định đứng ngoài cổng chờ bà về chứ không chịu vào nhà hàng xóm trong giờ cơm tối.

Người đàn bà biết bắt đầu từ những kết thúc… 1

Theo năm tháng, lúc Hồng dần trở thành một cô thiếu nữ tuổi 15 – 16 thì người bà cũng dần già đi, lưng còng xuống, gánh trầu cau cũng không còn đắt khách như xưa bởi người ta không còn duy trì như một thói quen ăn trầu như truyền thống nữa. Cuộc sống của hai bà cháu khốn khó hơn. 11 tuổi, trong khi chúng tôi – những đứa bạn cùng thời với Hồng, được bố mẹ chăm bẵm, lo lắng, hằng ngày chỉ có ăn, chơi và đến trường thì Hồng đã bắt đầu phải lo gánh nặng cơm áo. Hồng đi làm thuê để kiếm tiền phụ bà trang trải cuộc sống. Trong khu hễ nhà ai có việc gì nhờ là Hồng nhận ngay. Hồng làm việc nhà, trông trẻ con và gánh nước thuê cho những gia đình chưa có điều kiện lắp đặt nước máy… Hồng lỡ dở việc học hành khi bước vào bậc PTTH do gánh nặng học phí.

Chuỗi ngày đau khổ và cái chết oan ức của người bà

Gác lại ước mơ đèn sách, Hồng không từ nan lao vào kiếm sống để đỡ đần người bà ngày một già yếu của mình. Cô thay bà sớm hôm gánh trầu cau trên vai, lăn lộn buôn bán. Cuộc sống nhọc nhằn đè càng đè nặng lên đôi vai, càng trưởng thành thì dường như Hồng càng thấm thía sự. Hồng từng nói với tôi rằng mơ ước lớn nhất của Hồng là được sống dưới mái nhà có cha, có mẹ. Được như những đứa trẻ khác có miền kí ức đẹp vùi đầu vào lòng mẹ mà làm nũng… Hồng luôn mơ có một mái nhà hạnh phúc.

Và ước mơ đó, Hồng gói ghém và gửi trọn vào người đàn ông mà mình gặp gỡ, yêu thương khi đến tuổi cập kê. Kết hôn năm 18 tuổi, Hồng những mong, người đàn ông đó sẽ là chỗ dựa, hay ít nhiều cũng là “cứu cánh” cho cuộc sống của hai bà cháu mình. Hồng mong mỏi, tin tưởng và hi vọng kết hôn xong sẽ có người có người chia sẻ buồn vui, chia sẻ gánh nặng cuộc sống với mình.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bi kịch nối tiếp bi kịch khi Hồng phát hiện người chồng mà mình tin tưởng gửi gắm cuộc đời thực chất là một người đàn ông nghiện ngập. Chết lặng trước thực tế phũ phàng, Hồng từng buông xuôi, phó mặc phận mình, thế nhưng niềm vui lại được nhen nhóm, hi vọng lại được thổi bùng khi đứa con bé bỏng đang lớn dần trong bụng Hồng. Cố bấu víu vào cuộc sống với hi vọng có thể bằng tình yêu thương, sự vun vén gia đình của mình, Hồng dốc công sức vực dậy tinh thần người chồng nghiện ngập, khuyên chồng cai nghiện. Tuy nhiên mọi sự nỗ lực của Hồng đều không thành. Càng cay đắng khi Hồng chứng kiến người bà cả đời khó nhọc, vất vả vì cháu giờ lại thêm cơ cực, khốn đốn vì lúc nào đói thuốc, cháu rể lại đến quấy quả, trộm đồ, xin tiền.

Hồng kể, quãng thời gian đó cả thân xác, tâm trí đều mệt nhoài. Dù Hồng làm gì, năn nỉ, van xin ra sao, làm lụng vất vả thế nào cũng không mảy may được chồng thương xót. Kiếm được chút tiền nào là ngay lập tức chồng Hồng về bòn rút. Có khi trong nhà không còn tiền, bụng bầu vượt mặt nhưng chồng Hồng vẫn không buông tha, thẳng tay đánh đập rồi chửi mắng.

Sau khi sinh con gái đầu lòng, cuộc sống của Hồng càng khốn khó và bế tắc hơn khi người chồng nghiện ngập ngày càng phá phách. Không có thời gian ở cữ, vì Hồng bảo rằng nếu nằm ở nhà với con thì cả mẹ cả con chỉ có nước chết đói. Hồng cũng không thể vì bản thân mà để bà nội còng lưng phải vất vả nơi góc chợ. Vậy nên con sinh ra vừa được vài ngày, Hồng đã phải gánh gồng ra chợ buôn bán. 7 nổi 3 chìm khi con được một tháng tuổi Hồng đã phải bế bồng theo mẹ chạy chợ kiếm tiền…

Tai ương giáng xuống khi con gái vừa tròn đầy năm thì cũng là lúc người bà tội nghiệp của Hồng chết một cách oan uổng và tức tưởi với vết lằn tím ở cổ. Tôi nhớ hôm đó là một buổi tối mùa đông, cả con phố nhộn nhạo, xôn xao vì thông tin chính chồng của Hồng đã vào siết cổ bà của vợ để lấy tiền hút chích. Chiếc áo bà ba trên người bà mặc bị lục lạo khiến hai chiếc túi bên hông bị lộn trái ra ngoài… Cũng không biết thực hư thế nào nhưng sau đó dù có mang đơn đi tố cáo Hồng cũng không thể làm sáng tỏ cái chết vì không đủ bằng chứng. Trong đám tang của bà, Hồng gào khóc miệt thị bản thân vì cho rằng chính mình là kẻ đã gián tiếp chết giết bà. Hồng cho rằng nếu mình không lấy phải gã chồng nghiện, bất nhân thì bà không chết thảm thế… Rồi kể từ ngày đó, Hồng như một cái xác không hồn, sống vốn đã lặng lẽ giờ lại càng thêm ủ dột. Mọi người thương cảm, khuyên bảo thế nào thì Hồng vẫn sống như cái bóng.

Bắt đầu và thành đạt từ những đau buồn

Bà mất, Hồng li thân với chồng, dọn về ngôi nhà tranh mà hai bà cháu trước đây rau cháo có nhau. Không lâu sau thì chồng của Hồng cũng chết vì sốc thuốc. Khi nghe những người hàng xóm báo tin, hai hàng nước mắt của Hồng chảy dài trên má. Hồng nói: “Ông trời có mắt…”. Và rồi sau ngày đó, tôi vì đi học xa nhà nên lần về nhà sau đó tôi không còn gặp lại Hồng trong con xóm nhỏ. Chỉ nghe mọi người nói lại rằng Hồng đã mang theo con vào Nam sinh sống.

Bẵng đi gần 8 năm, khi có dịp công tác vào Nam, tôi gặp lại Hồng. Tôi gần như đã không nhận ra Hồng nếu như cô bạn năm nào của mình không cất tiếng chào hỏi tôi trước. Hồng lúc này không còn là người phụ nữ với đôi mắt ẩn chứa đầy những đau buồn năm nào mà đã trở thành một người phụ nữ hoạt bát, tự tin. Qua cuộc trò chuyện, tôi biết con gái Hồng giờ đã 12 tuổi, con bé học rất khá và ngoan. Hồng vẫn một mình, hai mẹ con sống với nhau trong một ngôi nhà nhỏ ở Quận 1.

Có thể nói Hồng đã thay đổi ngoạn mục khi từ một người phụ nữ chìm trong đau khổ, một thân một mình nuôi con nơi đất khách giờ Hồng là giảng viên của một trường Đại học. Tôi đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác khi nghe Hồng nói đang chuẩn bị làm lên học vị tiến sĩ. Bởi trước đây, Hồng học hành dở dang, còn chưa tốt nghiệp PTTH. Và có lẽ đoán biết được thắc mắc của tôi, Hồng kể sau khi vào Nam, hai mẹ con ổn định chỗ ăn ở. Sau đó Hồng xin được công việc bán hàng. Ban ngày Hồng đi làm, buổi tối tranh thủ học bổ túc văn hóa. Rồi cứ thế Hồng học lên đại học. Ra trường xin được vào làm trợ lý cho chủ nhiệm khoa của trường Đại học nơi Hồng đang công tác. Khi hoàn thành xong chương trình học thạc sỹ, Hồng làm trợ giảng rồi giảng viên trong trường.

Hồng cũng cho biết mình đã tìm lại được và tha thứ cho người mẹ đẻ từng bán Hồng khi còn đỏ hỏn. Hiện tại, dù cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề lo toan, căn nhà hai mẹ con sống vẫn là nhà đi thuê nhưng Hồng lạc quan nói với tôi rằng sẽ cố gắng năm sau có nhà để mỗi lần tôi vào Sài Gòn không phải ở khách sạn nữa. Hồng cho rằng “ông trời vẫn còn thương mình nên cuộc sống mới khá hơn” nhưng với tôi, nếu Hồng không có bản lĩnh, không biết đứng dậy sau tất cả những cực khổ, đau đớn của đời mình… thì Hồng đã khác. Những thành công của ngày hôm nay là do sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, không nản của Hồng – một người trải qua quá nhiều đau khổ và biến cố. Tôi thực sự khâm phục và vui mừng cho cuộc sống hiện tại của hai mẹ con Hồng. Tôi biết những hoạch định trong tương lai của Hồng sẽ nhanh chóng thành hiện thực bởi Hồng là người đàn bà biết bắt đầu từ những kết thúc…