Tôi không biết với nhiều người, hôn nhân đã mang lại cho họ những gì nhưng quả thật những gì tôi được nhiều hơn mất. Và tôi, cô gái 24 tuổi yếu mềm ngày ấy đã tự nguyện bước vào những tháng ngày chồng chất vui buồn này. Để rồi chính hôn nhân đã giúp tôi lột xác ngoạn mục, trở thành người vợ, người mẹ tuổi 34 chững chạc và trưởng thành hơn ngày hôm qua nhiều lắm.
Cô gái yếu mềm cũng trưởng thành trong “tình cấm cản”
Nhắc đến chuyện tình yêu gần 4 năm của mình 10 năm về trước, tôi chỉ biết rõ một điều: Tôi đã ra quyết định đúng đắn khi lựa chọn và tin tưởng người đàn ông ấy - anh xã tôi hiện nay.
Gần 4 năm yêu nhau thì cũng là ngần ấy năm chúng tôi bị gia đình cấm cản. Rất nhiều lần, tôi cũng lao đao theo với tâm trạng lên xuống thất thường của chính bố đẻ mình. Và rồi như nhiều cô gái lãng mạn và yếu mềm khác, không biết bao lần tôi “nghĩ ngắn” và hèn nhát muốn bỏ cuộc bằng cách kiên quyết nói lời chia tay với anh xã. Nhưng lần nào, chồng cũng níu kéo tôi lại bằng tình yêu chung thủy anh dành cho.
Từng ấy năm yêu cũng là chừng ấy thời gian chúng tôi chưa bao giờ có một cuộc hẹn hò công khai, thoải mái như các cặp đôi khác. Lần nào gặp nhau là từng ấy lần chúng tôi phải lén lút. Thậm chí, những cuộc gặp như vậy khiến tôi là người trong cuộc thấy rất mệt mỏi.
Song, tôi vẫn cứ lén gia đình, bố mẹ để đi gặp anh. Để rồi, khi về nhà, tôi phải nghe bao lời chửi mắng, nhiếc móc, thất vọng khó nghe của người bố bảo thủ. Thậm chí, tôi phải hứng chịu những trận đòn roi của bố thật đau đớn mà đến bây giờ, vết sẹo bị đánh vì tình yêu trên đôi chân tôi vẫn chưa mờ theo thời gian.
Thật tâm, lúc ấy và cho đến tận bây giờ, tôi chưa bao giờ có ý trách cứ bố vì đã cấm cản tình yêu của con gái quyết liệt. Tôi nghĩ, vì bố vì muốn tốt cho tôi, vì bố chưa hiểu con gái nên mới thế. Vì thế, ngay lúc ấy tôi đã xác định: Tôi nhất định sẽ đợi cho đến khi bố hiểu và là người chúc phúc cho tôi”.
Chồng "chuối" của tôi
Cứ thế, dù vẫn còn nhiều mâu thuẫn giằng xé giữa gia đình và bạn trai, từ chỗ yếu mềm, đụng tí lại nói chia tay, tôi đã cứng rắn hơn và biết tự quyết định hạnh phúc cuộc đời mình. Tôi chợt nhận ra: “Hạnh phúc của tôi là phải do tôi định đoạt. Nếu lấy người tôi không yêu và sống không hạnh phúc, bố mẹ cuối cùng vẫn đau lòng và vẫn phải lo lắng cho tôi. Do đó, tôi không thể chọn con đường mà tôi biết chắc nó sai lầm”.
Và cuối cùng, sau 4 năm yêu, sau bao lần chờ đợi và thuyết phục bố mẹ không thành, chúng tôi định dọn ra ngoài sống và chỉ đăng ký kết hôn. Nhưng phút cuối cùng, vì bị tất cả cô dì chú bác xa gần góp ý nên bố tôi đã miễn cưỡng chấp nhận làm đám cưới cho con gái.
Ngày đám cưới tôi, bố vẫn không thèm nhìn mặt con gái. Thấy vẻ mặt thách thức của bố, khi nhà trai đến đón dâu, tôi đã kìm lòng và dặn mình nhất định không được khóc. Và quả thật tôi đã làm được. Nhưng tối tân hôn đó ở nhà chồng, nhớ lại mọi việc đã trải qua, nghĩ lại hình ảnh của bố ngày cưới con gái, một cô dâu 24 tuổi là tôi vừa hạnh phúc vừa tủi thân khóc như mưa dù có chồng bên cạnh.
Đám cưới tôi, ai cũng thật lòng mừng cho hạnh phúc 2 đứa. Chị gái tôi và 4 đứa bạn thân còn bảo: “Mừng cho bọn nó quá, chưa bao giờ lại nghĩ 2 đứa nó đến được với nhau như ngày hôm nay”. Tôi dù tủi thân nhưng tôi và anh xã cũng rất vui vì đã vượt qua 1 đoạn đường tình yêu đầy thử thách. Đoạn đường này đã lấy đi của tôi bao nước mắt và trăn trở giữa “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”.
Ngày lại mặt (bên nhà chồng mời cả họ hàng nhà tôi sang ăn cơm), bố tôi còn chẳng thèm sang nhà thông gia. Khi tiễn mẹ và các cô, chú về, mắt tôi cứ đỏ hoe vì cảm giác bị bố ghét bỏ.
Những ngày sau đó, buổi tối thỉnh thoảng vợ chồng tôi có về nhà ngoại chơi. Gặp bố, chúng tôi chào nhưng ông cũng chẳng thèm đáp lại. Ông coi như 2 vợ chồng tôi không tồn tại trong mắt ông. Cho đến đúng 1 năm sau khi cưới, khi con gái nhỏ của tôi đã chào đời và đó là cái Tết đầu tiên của con thì thái độ ghét bỏ của bố với con gái con rể mới biến mất. Ông hòa nhã trở lại và yêu quý con cháu như trước. Và giờ, bố tôi quý con rể còn hơn cả con gái.
Đến giờ khi “hòa bình đã thiết lập trở lại”, mỗi lần anh xã vô tình nhìn thấy vết sẹo dài nơi bắp chân của vợ là y như rằng lại sán lại hỏi: “Chồng hỏi thật, ngày trước ông ngoại đánh vợ bằng cái gì thế mà ra nông nỗi này?”. Những lúc ấy tôi toàn cười đáp: “Vết sẹo tình yêu đấy! Đố anh biết ông cầm gì đánh vợ”…
Thực ra, anh xã tôi tò mò vậy cũng bởi chưa bao giờ tôi kể anh nghe chuyện ông ngoại đánh tôi bằng vật dụng gì. Anh chỉ biết lý do tôi bị bố đánh là do đi chơi với anh. Tôi muốn để nó chỉ là bí mật của riêng tôi. Cũng như tôi vậy, anh xã tôi cũng chưa bao giờ kể lại ngày 2 đứa yêu nhau, 1-2 lần anh đã bị bố vợ tương lai khi ấy gọi riêng anh ra để “nói chuyện riêng”. Dù hỏi chồng vặn vẹo, anh cũng chưa bao giờ kể lại chuyện hai người đàn ông nói chuyện gì lúc đó. Dù anh xã bảo đó là cuộc nói chuyện bình thường. Nhưng hiểu tính bố, tôi biết thừa đó là cuộc nói chuyện trong nổi giận và xúc phạm danh dự vô cùng tận với anh.
Qua bao thác ghềnh, gian nan, thử thách, mệt mỏi và thật nhiều nước mắt, may mắn chúng tôi cũng có cái kết đẹp. Và chúng tôi bước vào hôn nhân trong tâm thế: “Vợ chồng luôn phải yêu thương và sống thật tốt để cho bố mẹ an tâm toàn tập về các con”.
Những trưởng thành vượt bậc khi làm vợ, làm mẹ
Dù cuộc sống sau hôn nhân không nhiều thay đổi, nhưng là phụ nữ, tôi phải thừa nhận tình yêu và hôn nhân là 2 phạm trù khác nhau nhiều lắm. Và chỉ khi thực sự trải qua giai đoạn làm vợ, làm mẹ, tôi mới hiểu rõ sự thay đổi này thế nào.
Sau khi kết hôn dù là với người đàn ông mình yêu và yêu mình, nhưng cuộc sống chung sau hôn nhân ban đầu với tôi cũng có nhiều khủng hoảng. Bởi ngoài thích nghi với lối sống mới ở nhà chồng, chúng tôi buộc phải cùng nhau tiếp nhận và sống chung với vô số tật xấu khác của nhau, vô số mối quan hệ khác nữa.
Chính thức bước vào hôn nhân, lần đầu tiên sau 4 năm yêu, thời kỳ vợ chồng son chúng tôi bắt đầu có những cuộc cãi vã, giận hờn trầm trọng mà lý do nhiều khi chỉ rất vặt vãnh. Mỗi lần vợ chồng bất hòa hay giận dỗi với chồng, tôi lại phóng vù về nhà ngoại hoặc đi lang thang trên đường. Những lúc đó, có lúc tôi thấy lạc lõng, cô đơn, tủi thân.
Rồi có lần giận chồng, tôi tự ý bỏ về nhà mẹ đẻ gần 1 tuần liền. Chồng có đến đón và làm hòa, tôi cũng không chịu về nhà. Cho đến tận khi bố mẹ đẻ của tôi thân chinh bắt và đưa tôi trở về nhà chồng thì lúc này bố mẹ chồng mới biết chúng tôi giận nhau.
Những ngày tháng sống chung sau, dần dần tôi đã học cách chấp nhận nhiều mặt xấu của chồng, góp ý chia sẻ thẳng thắn với anh để anh biết mà thay đổi. Bên cạnh đó, tôi cũng tự điều chỉnh thay đổi chính mình. Dần dần, tôi sống thoải mái và hạnh phúc hơn.
Con gái tôi
Cưới nhau tròn 1 năm 1 tháng, vợ chồng tôi đã có thêm thành viên mới. Con gái đầu lòng chào đời sau bao ngày 2 vợ chồng hú hí âm thầm “đúc con”. Thời kỳ này, do không thi được công chức, tôi thất nghiệp. Mọi gánh nặng chi tiêu dồn cả vào chồng tôi.
Những ngày tháng ở cữ, phải thức đêm thức hôm trông con, đã làm nên cuộc thay đổi lớn trong tôi. Từ một đứa con gái ngủ như mít, sợ trông trẻ con, giờ hễ nghe tiếng con ọ ẹ là tôi đã tỉnh giấc. Khả năng chịu thương chịu khó của tôi cũng được tôi luyện trong thời gian này.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên con gái phải vào viện vì viêm phổi cấp. Khi ấy con mới được 2 tháng tuổi. Là mẹ mà tôi run sợ, lo lắng. Lần đầu tiên con ốm, tôi xót xa con đến nhường nào. Tôi đã khóc như mưa vì quá thương và lo cho con. Nhưng rồi, một tuần nằm viện với con và nhiều lần con ốm sau đó, tôi được tiếp thêm sự cứng cỏi, bình tĩnh của một người mẹ. Tôi không còn quýnh quáng lên mỗi khi con ốm đau hay thậm chí khi nhà có biến nữa.
Con trai tôi
2 năm sau đó, chúng tôi lại nhanh chóng có “tập 2”. Lần này do vợ chồng tôi bị “vỡ kế hoạch”. Vì kinh tế lúc ấy chỉ đủ chi tiêu, hơn nữa con gái mới chỉ được 2 tuổi nên tôi cân nhắc đến đau đầu khi quyết định giữ lại con hay bỏ con. Nhưng sau gần 2 tuần đắn đo, vợ chồng tôi quyết để con yêu lại. Và con trai nhỏ của chúng tôi đã chào đời như thế.
27 tuổi, 1 nách hai con thơ, công việc của tôi khi ấy lại chưa ổn định nên quãng thời gian này vợ chồng tôi cũng khá chật vật về kinh tế. Song tôi vẫn nỗ lực vừa đi làm vừa cố gắng chăm chút các con trong khả năng có thể. Thời kỳ ấy, vợ chồng tôi thiếu thốn khá nhiều thứ vì đổ dồn kinh tế lo cho 2 em bé đủ đầy như các bé nhà người.
Nhưng bất ngờ là, khi có con rồi, dường như vợ chồng tôi chẳng có thời gian mà để giận hờn, cãi nhau vặt như khi còn là vợ chồng son nữa. Đi làm về, vợ chồng đều cùng chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái. Càng sống với chồng, biết tính chồng ưa mềm mỏng, nhẹ nhàng nên tôi luôn thực hiện “lạt mềm buộc chặt” hay “cơm sôi bớt lửa” với những lúc nóng giận của chồng. Và tôi thấy chiêu này hiệu quả thật luôn.
Nhưng rồi, 1 biến cố lớn nhất đối với vợ chồng tôi thời điểm này đã xảy ra. Biến cố này cho đến giờ nhớ lại, tôi vẫn nhớ như in và sợ hãi.
Đó là ngày con trai tôi bị ốm phải vào nằm viện. Một tối anh xã đi làm về vào viện thăm con mà mặt anh tái mét, tay thì lủng lẳng, giọng thều thào… Nhìn chồng như vậy, tôi đã khóc òa lên. Tôi gọi điện ngay về cho ông bà nội ngoại và gào lên trong điện thoại với chị gái. Tôi cũng chẳng nhớ đã nói những gì mà chỉ 5 phút sau, chị gái đã có mặt tại viện. Sau đó, chị và nhiều người nhà khác đã làm thủ tục nhập viện cho chồng đến tận gần sáng…
Nhà neo người, nên những ngày tháng chồng con cùng nằm viện, là vợ, tôi phải vất vả và mệt mỏi đến nhường nào. Hàng ngày, tôi cứ như con chong chóng khi hết đi về phòng với con rồi lại chạy lên chăm chồng ở khoa khác lúc người nhà chưa đến. Tôi sợ lắm, chỉ sợ chồng có bề gì thì tôi không sống nổi.
Nhiều sáng chạy đi mua đồ ăn cho chồng, tôi mệt mỏi đến nỗi đôi chân muốn ngã quỵ ngay lúc đó. Tôi cứ ngỡ thời gian những ngày chồng nằm viện dài đến như 10 năm. Tôi cảm nhận rõ mình đã kiệt sức. Và chỉ cần thêm 1 biến cố nhỏ nữa xảy ra lúc này, chắc tôi sẽ quỵ luôn. Những ngày ấy, lúc nào tôi cũng phải nhủ mình: “N ơi, mày phải cố lên. Sông có lúc người có khúc. Và ngày mai trời lại sáng…”.
Sau ngày chồng bị tai nạn, chút tích cóp của vợ chồng tôi trước đó cũng chẳng đủ để lo liệu cho biến cố này. Thời kỳ ấy, nếu không có ông bà nội đỡ đần mọi mặt, tôi cũng chẳng biết phải sống thế nào. Chỉ biết sau tai nạn, vợ chồng tôi phải về ăn bám ông bà nội từ A-Z. Ông bà nội phải nuôi cả con, nuôi cả cháu. Đến tiền mua mớ rau, vợ chồng tôi cũng chẳng còn…
Và đó chính là lý do duy nhất để khi con trai chưa đầy 3 tháng tuổi, tôi đã xin cơ quan lao đi làm trở lại. Đi làm sớm, lại nhà xa, nên tôi không thể về nhà cho con bú mớm được. Kinh tế khó khăn nên cũng không chăm chút con được như con gái đầu lòng. Mỗi lần nhìn con còi kẹ chạy lon ton chơi mà tôi trào nước mắt. Cũng may, thương bố mẹ nghèo, con trai tôi ngoan hơn hẳn chị ngày bé. Trộm vía, con cũng ít ốm đau hơn chị bé của con.
2 thiên thần đã lớn
Sau biến cố, những ngày chồng xuất viện về nhà dưỡng thương có lẽ đã khiến anh xã tôi nghĩ ngợi nhiều. Thời kỳ này, tôi thấy chồng là 1 người đàn ông rắn rỏi hơn, biết lo xa hơn và tu chí hơn trong làm ăn.
3 tháng sau tai nạn, anh xã tôi đã bao lần với chiếc xe đạp cà tang của bà nội (tay anh còn đau nên chưa tự đi được xe máy) đi tìm cửa hàng ở khắp nơi để khởi đầu kế hoạch ra làm riêng.
Ngày vợ chồng ra riêng, nhờ công ông bà nội vun vén hết mức, nhờ vay thêm được của các anh chị em trong nhà mấy trục triệu, anh xã tôi đã có cửa hàng sửa xe nhỏ của mình. Cứ thế chồng vừa làm vừa kinh doanh thêm, công việc của tôi ổn định hơn nên cuộc sống cũng dần ổn định trở lại.
Dù có nhiều lo toan nhưng vợ chồng tôi đều cố gắng làm lụng và tích lũy phòng khi ốm đau hay có việc lớn. Cứ cố gắng và sắm sửa đồ dùng từng bước một, rồi cuối cùng cuộc sống đỡ chật vật. Hiện giờ, 2 con lớn hơn nên cuộc sống của tôi cũng bớt vất vả hơn. Vợ chồng cũng đã có nhà riêng, có cửa hàng nhỏ, có chút tích lũy dẫu chẳng nhiều.
Gia đình yêu thương của tôi
10 năm hôn nhân, 10 năm trong vai trò làm vợ, làm mẹ và trải qua nhiều biến cố to và nhỏ khác nhau, nhưng thực sự tôi cảm nhận được rõ sự trưởng thành và từng ngày lớn lên từng ngày của mình. Từ một phụ nữ yếu mềm, tôi đã cứng rắn hơn. Từ một phụ nữ nóng nảy, tôi đã bình tĩnh hơn, khôn khéo hơn khi vun đắp tình cảm gia đình. Từ một phụ nữ ù ì, làm gì cũng nhát, cũng sợ, tôi trở nên năng động, táo bạo và quyết đoán hơn… Tất cả những thay đổi này của tôi cũng là nhờ anh xã đã cho tôi 10 năm hôn nhân hạnh phúc và chưa bao giờ làm tôi mất niềm tin vào cuộc sống gia đình.
Bước trưởng thành khi làm dâu
Nói chung cuộc đời người phụ nữ nào rồi cũng sẽ có lúc phải đi làm dâu. Tôi cũng vậy. Tính tới thời điểm này, tôi đã đi làm dâu được 10 năm 2 tháng rồi đây.
Những ngày đầu về làm dâu nhà anh xã, nếu chỉ dùng từ "khó khăn" thôi thì chưa thể lột tả đúng và đủ những gì mà tôi đã trải qua. Hai cá thể độc lập nay ghép lại với nhau vốn đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất hòa. Huống chi vợ chồng tôi còn ở chung với bố mẹ chồng và em chồng hơn 3 năm liền.
Nhớ lại những ngày đầu tiên làm dâu nhà chồng ấy, trông tôi đã có biết bao bất đồng, những bằng mặt không bằng lòng với chồng, với mẹ chồng, với lối sống khác biệt của nhà chồng. Vì ngại, vì giữ mình, tôi cứ giữ những ấm ức này trong lòng khiến nhiều đêm tôi không sao ngủ được. Và nhiều lần, nước mắt tôi lại rơi ướt gối.
Ngày đó, cứ giữ những muộn phiền đó trong lòng mà không dám nói với anh xã, với mẹ chồng, càng không dám kể với bố mẹ đẻ hay chị gái làm tôi muốn nổ tung. Tới mức có nhiều đêm, vì bực bội và tủi thân, đêm hôm khuya khuắt, tôi vẫn còn ra góc sân ngồi khóc thầm trong khi chồng đang ngủ say sưa.
Nhưng rồi tôi nhân ra, tôi không nên sống khép mình mãi như vậy. Tôi chẳng yêu anh xã và có thể vì anh xã làm mọi điều. Tôi bắt đầu chấp nhận được cuộc sống, lối sống mới ở gia đình chồng và cũng bắt đầu thay đổi một vài điểm cho phù hợp. Điều đầu tiên mà tôi cũng nghĩ tới khi ấy là lấy tình cảm chân thành của tôi để kéo dần khoảng cách xa lạ giữa mẹ chồng - nàng dâu. Tôi tâm sự cùng mẹ chồng nhiều hơn về gia đình, công việc, chuyện vợ chồng mình. Tôi cũng dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình và lắng nghe nhiều hơn...
Mẹ chồng tôi
Chính việc luôn tâm sự một cách thẳng thắn, chân thành với mẹ chồng đã mở ra một cái nhìn mới của tôi về gia đình chồng và ngược lại - của gia đình chồng về tôi. Có đôi lúc, tôi đã tâm sự với mẹ chồng về những khó khăn khi làm dâu, khi đi làm, rồi khi vợ chồng cãi cọ... Từ những lần như thế, mẹ chồng hiểu tôi hơn và tình cảm giữa 2 mẹ con ngày một được cải thiện. Tôi cũng hiểu ra, làm mẹ chồng cũng rất khó và mẹ chồng cũng có rất nhiều tâm tư như tôi đi làm dâu vậy.
Cứ thế, tình cảm của tôi đối với nhà chồng ngày càng đầy lên khiến bản thân tôi thấy rất tự nhiên trong việc chăm sóc, hỏi han bố mẹ hay người thân nhà chồng những khi ốm đau hoặc lúc nhà có công có việc. Mẹ chồng tôi cũng vậy, không còn ý tứ xa cách với con dâu mà giờ hay để ý quan tâm đến con, bênh con dâu mỗi khi bị chồng bắt nạt.
Giờ anh xã mà cứ thử bắt nạt tôi mà xem, tôi sẽ gọi điện mách mẹ chồng ngay. Thể nào bà cũng gọi điện hoặc xuống tận nhà riêng của chúng tôi để cho anh xã tôi một “bài ca năm tấn”.
Từ kinh nghiệm làm dâu của bản thân, tôi nghĩ ai cũng có những khó khăn này kia trong vai trò này. Nhưng có lẽ, tôi chỉ may mắn hơn một chút vì có bố mẹ chồng tốt và cũng rất hay lắng nghe con cái.
Song tôi nghĩ, nếu tôi không chịu mở lòng trước, nếu không có tình yêu với anh xã, không có sự chân thành, có lẽ may mắn đó cũng chẳng đến với tôi. Giờ đây, dù đã ở riêng mấy năm nay, dù không được ở cùng bố mẹ chồng song cuộc sống của vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc vì có bố mẹ chồng luôn yêu thương, đỡ đần và quan tâm đến con cháu. Nhà chồng thật sự đã trở thành gia đình ấm cúng thứ 2 của tôi để tôi có thể chạy về “ăn vạ”, than thở, ngủ nghỉ bất cứ lúc nào.
***
Trải qua 10 năm hôn nhân, với tôi hôn nhân và cuộc sống gia đình không đơn thuần là 4 từ “trăm năm hạnh phúc” mà thật sự nó là cụm từ “hãy nỗ lực từng ngày để trở thành người vợ mà chồng bạn muốn khoe khoang, để trở thành người con dâu mà nhà chồng bạn muốn kể”.