Cả cuộc đời mẹ gắn liền với cái chợ nhỏ lắm nghèo khó của miền quê nhưng chứa chan tình đời, tình người. Một tay mẹ nuôi ba đứa con học đại học, lo cho các con từng miếng cơm manh áo, chăm người chồng bị bại liệt và trên hết là giành lấy tình cảm của mọi người từng dừng lại cái quán nhỏ ở góc chợ nghèo quê hương ta.

Góc nhỏ, quán nhỏ, mẹ tôi ở đó

Người xưa thường nói “xuất giá tòng phu” để nói phận nữ nhi khi lập gia đình là phải theo chồng. Có thể nó không còn đúng hoàn toàn trong hoàn cảnh hiện tại song nó hợp với hoàn cảnh của mẹ, người con gái Bắc Giang lấy chồng cách nhà cả nghìn cây số.

Ngày bố mẹ lấy nhau gia đình mình cũng khấm khá và mọi thứ tưởng chừng rất tuyệt vời, viên mãn. Tiếc rằng đời không là mơ, hạnh phúc không phải lúc nào cũng tồn tại một cách lâu dài để chúng ta tận hưởng nó. Khi con lên mười vì tai biến mạch máu não bố bị liệt nửa người, toàn bộ gia sản cũng đội nón ra đi vì cơn bạo bệnh. Cuộc sống thay đổi hoàn toàn, không còn sự sung túc, những bữa cơm đói no thất thường và nỗi đau đè lên tim mẹ khi ngôi nhà yêu quý nhiều kỉ niệm cũng phải bán đi với giá rẻ.

Đời mẹ, đời chợ, đời gác tàu! 1
Đời mẹ, đời chợ, đời gác tàu

Mẹ phải tự mình bước sang trang mới cuộc đời, cái chợ nghèo trở thành sự nghiệp của mẹ và là cần câu cơm của cả gia đình. Mẹ cố gom góp lại tất cả được một khoản tiền làm vốn, mua một mảnh đât nhỏ góc xa gần đường ray xe lửa của chợ để dựng lên cái quán. Quán của mẹ nghèo lắm nhưng nó giúp mẹ ngày đêm có thể bên cạnh chăm sóc bố. Mẹ bán đồ ăn, tạp hóa nhỏ, bán nước thuốc, bơm vá xe và làm cả nhiệm vụ của một người gác tàu không công.

Những ngày đầu tiên mới mở, người ta nhìn mẹ mà ái ngại vì ở cái miền quê nghèo này khách đâu ra mà mua bán, rồi còn tay xách nách mang chăm con, chăm người chồng bại liệt kia nữa. Thế nhưng sau vài tháng cầm cự tiếng lành đồn xa, quán mẹ được mọi người ủng hộ vì cái tâm của mẹ sáng và vì cách sống chan hòa tình người của mẹ.

Mẹ bán bún riêu theo kiểu giá nào cũng bán, lấy công làm lời là chính. Những người giàu họ ăn tô mười lăm ngàn, kẻ nghèo khó chỉ vài ngàn mẹ cũng bán, mẹ bán cho người ta ăn lấy thơm lấy thảo và để mẹ có khách quen giới thiệu người ủng hộ.

Ngoài bán bún riêu thì mẹ kiêm thợ bơm vá xe, những khi có xe cần bơm vá mẹ tự làm hết. Để làm được như thế mẹ đã bỏ ra hai tuần mày mò học cách vá xe máy, xe đạp, một công việc thường chỉ dành cho đàn ông. Mẹ bơm vá xe với cái giá tùy tâm, có nhiều thì cho nhiều, có ít thì cho ít, các em học sinh hay mấy người nghèo khó như mình mẹ không lấy tiền.

Quán nhỏ của mẹ nằm ở vị thế xấu xí nhất chợ vì nó cạnh đường giao với đường ray xe lửa phải chịu nhức đầu do tiếng tàu hú còi và cái ngã tư đường là điểm đen về tai nạn giao thông. Thành ra chẳng biết tự lúc nào, không ai xui ai khiến mẹ trở thành người gác tàu không lương. Nói như các cụ là mẹ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi mỗi ngày bốn lượt mẹ ra gác tàu như một nhân viên đường sắt. Có lẽ mẹ làm vì nơi đây đã nhiều lần xảy ra những vụ tai nạn thương tâm do không tuân thủ về quy định an toàn đường sắt và vì không có người cảnh báu tào đến.

Có lần mẹ từng tâm sự với tôi “Mẹ ở quán cũng hay rảnh, gác tàu lấy phước đức như cái tên của chị em con thôi. Hy vọng sau này quê hương khấm khá hơn sẽ xây chốt gác, lúc đó mẹ sẽ thôi không làm nữa”. Nghe mẹ nói mà tôi thương mẹ thật nhiều, thì ra đó là ý nghĩa cái tên Thiện Đức đầy “nam tính” mẹ đặt cho đứa con gái yêu là có ý của bà, một ý nghĩa đầy thâm thúy. Tôi thầm cảm ơn mẹ vì tôi biết nếu là mình thì chắc sẽ không làm được như vậy đâu.

Mẹ tôi là chuẩn 10 của phụ nữ Việt Nam

Chình vì sự thật thà, chăm chỉ và sống có trước có sau như thế nên cái quán nhỏ của mẹ tôi lúc nào cũng đông khách. Người ta đến để uống một ly nước hai trăm đồng, hút một điếu thuốc với cái kẹo năm trăm đồng hay để ăn một tô bún riêu vài nghàn bạc lẻ. Quán luôn đầy ắp tiếng cười và người ta luôn nhìn mẹ với ánh mắt khâm phục, vị nể. Người ta đến quán vì bà chủ tốt bụng, để được gặp nhau tán dóc đủ thứ chuyện trời trăng mây gió sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Bố mẹ tôi có với nhau ba đứa con, cả ba đứa chỉ cách nhau hai tuổi nên ngày bố bại liệt mọi ghánh nặng chỉ có mình mẹ lo, cái quán nhỏ của mẹ ghánh gồng nuôi chồng nuôi con.

Chúng tôi từng đứa một lớn lên trong cái nghèo khó và sự chăm lo của mẹ, dù không đủ đầy như bạn bè đồng trang lứa nhưng ba chị em lúc nào cũng tôn thờ mẹ. Mẹ chăm bố hết lòng, nhìn mẹ tắm giặt, lau chùi, chăm bón từng miếng ăn giấc ngủ cho bố ai cũng phải thán phục.

Đời mẹ, đời chợ, đời gác tàu! 2
Chúng con yêu mẹ nhất trên đời

Ba đứa chúng tôi lớn dần, lần lượt từng đứa xa nhà, sống đời sống của những sinh viên tỉnh lẻ ở đất Sài Gòn hoa lệ. Chúng tôi đi rồi, dáng mẹ gầy hơn, mẹ làm việc nhiều hơn, chắt chiu từng đồng bạc lẻ nhiều hơn để các con có điều kiện học hành thành người. Tiền mẹ tôi gởi lúc nào cũng thơm mùi mồ hôi khổ cực, thơm mùi nắng gió của đất Phan Thiết và nặng lắm tình yêu thương.

Ba chị em chúng tôi lúc nào cũng đặt mục tiêu vượt khó học giỏi, ra trường với bằng loại ưu để kiếm việc, đỡ đần khó khăn cho mẹ. Mỗi năm được nhận học bổng, có quà mang về cho mẹ lòng tôi hồ hởi lắm, chẳng có hạnh phúc nào bằng. Được về với quê nghèo có mẹ yêu thương, ăn bữa cơm rau cháo, phụ mẹ bán hàng, giúp mẹ gác tàu trở thành ký ức đẹp của cuộc đời.

Cuộc sống hiện đại làm cho nhiều giá trị cuộc sống thay đổi, giá trị đồng tiền khiến người ta sống thực tế và thực dụng hơn. Mẹ tôi cũng rất thực tế, mẹ cũng yêu tiền, quý tiền lắm nhưng tấm lòng của mẹ thì cũng thơm thảo, thương người không ai bằng.

Tôi viết về mẹ tôi, người gần gũi tôi nhất, yêu thương tôi nhất và là người tôi ngưỡng mộ nhất của cả đời mình. Tôi không hoàn toàn hiểu rõ được cụm từ “phụ nữ chuẩn 10” khái niệm thực sự là gì, song tôi tin mẹ mình là chuẩn 10 của một người phụ nữ Việt Nam.

Tôi yêu dáng mẹ nơi quán nhỏ liêu xiêu giàu tình người, yêu miền quê nghèo nắng gió, bụi phủ đường đi, yêu cuộc đời đã cho tôi một gia đình hạnh phúc. Tết lại sắp về, cái lành lạnh của Sài Gòn làm tôi nhớ mẹ và mong được nghỉ sớm để về với mẹ biết bao.