Lại chuyện tự do ăn mặc, giới hạn và những định kiến xã hội nặng nề
Câu chuyện tự do ăn mặc của phụ nữ và những bình phẩm nhiều định kiến của xã hội lâu nay vẫn là chủ đề dễ gây tranh cãi. Đặc biệt là khi những vụ xâm hại, tấn công tình dục xảy ra với phụ nữ, ăn mặc là yếu tố đầu tiên được nhắc đến với xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân "ăn mặc gợi cảm".
Và lại có chuyện hễ cô gái nào sơ sảy "lộ hàng" là bị "chộp" lại để làm trò tiêu khiển, dù là nữ nghệ sĩ trên sân khấu hay phụ nữ vô danh đi xe máy ngoài đường. Gần nhất, hình ảnh một cô gái trẻ ra đường với trang phục áo sơ mi mix quần tất mỏng tang lộ nội y màu đỏ - đang làm nhiễu sóng mạng xã hội. Đây không phải lần đầu tiên một cô gái ăn mặc hớ hênh bị cộng đồng chỉ trích.
Cũng phải nói thêm, đây không chỉ là câu chuyện của phương Đông. Đông hay Tây, phụ nữ luôn bị xét nét khắt khe hơn nam giới trong chuyện ăn mặc.
Tháng 3/2016, tờ Daily Mail đăng tin, BTC lễ hội đua ngựa truyền thống Royal Ascot của Anh lần đầu ra một bản quy định chi tiết và chặt chẽ về trang phục của người tham dự sự kiện. Theo đó, ngoài những quy định về tính thẩm mỹ, BTC còn ghi rõ quy cách áo quần như: Váy phải có độ dài tối thiểu ngang gối, dây áo, dây váy phải rộng từ 2,5cm trở lên, không được mặc váy áo quây, hở vai, hở lưng, hở bụng…
Tất nhiên, đó là một sự kiện lễ hội mang tính trang trọng ở đất nước vẫn bị xem là "phong kiến" tại Châu Âu. Song, nhiều quốc gia phương Tây khác như Đức, Tây Ban Nha cũng có những quy định về chuyện ăn mặc nơi công cộng. Đảo Mallorca ở Tây Ban Nha yêu cầu du khách không được mặc đồ bơi đi dạo trên đường, thành phố Barcelona sẽ phạt tới hơn 400 Euro nếu du khách mặc bikini hay khỏa thân ở nơi không phải bãi biển, trường học ở Đức cấm học sinh mặc áo hở rốn và quần short quá ngắn…
Ở Việt Nam, ngoài những quy định về phục trang học đường và một số cơ quan, doanh nghiệp, chuyện ăn mặc nơi công cộng từ trước tới nay chưa có quy định cụ thể nào. Dù nằm trong vòng ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, quan điểm - cái nhìn phương Đông vẫn còn tồn tại sâu sắc trong xã hội, tác động và chi phối những đánh giá lên người phụ nữ trong chuyện ăn mặc.
Ví như, một cô gái ăn mặc gợi cảm luôn bị nhìn nhận khắt khe và bình luận tiêu cực về nhân cách, đạo đức. Thậm chí, trong các vụ việc tấn công tình dục phụ nữ, bên cạnh cách phòng thủ, lời khuyên "nên ăn mặc kín đáo khi ra đường" vẫn thường được đưa ra.
Rất nhiều người phản đối dữ dội suy nghĩ này vì đó là cách gián tiếp đổ lỗi cho nạn nhân không biết bảo vệ bản thân, phục trang gây kích thích cho kẻ phạm tội. Bởi sống trong thế giới tự do, phụ nữ có quyền mặc bất cứ trang phục nào mà họ muốn và cần được tôn trọng sự tự do trong ăn mặc. Bình phẩm nhân cách của một cô gái qua áo quần là hành vi kém văn minh và không ai có quyền tấn công tình dục cô gái đó chỉ vì cô ta ăn mặc "hở hang, khoe da thịt". Giống như khi một người dù không khóa cửa căn nhà của mình nhưng bất cứ ai xông vào nhà ăn trộm cũng là vi phạm pháp luật vậy.
Có hay không giới hạn cho tự do ăn mặc?
Dù phong trào đòi hỏi sự tôn trọng dành cho phụ nữ trong việc ăn mặc có dâng cao đến đâu, cô gái trẻ mặc quần tất mỏng lộ nội y ra đường vẫn trở thành đề tài bị chế giễu trên mạng xã hội với phần đa là bình phẩm từ người trẻ. Cô gái bị nhận định là ăn mặc hớ hênh, vô ý chứ không phải là hở hang, hữu ý. Nhưng thay vì ai đó góp ý để cô kịp thời che chắn thì họ lại lôi điện thoại ra để ghi hình lại, quăng lên mạng kiếm chuyện vui câu like. Hàng nghìn bình luận rôm rả, chỉ trích, miệt thị, giễu cợt…, không quan tâm cô gái kia sẽ tổn thương thế nào nếu đọc được.
Vấn đề là, lỗi có hoàn toàn nằm ở sự tàn nhẫn của đám đông hay không? Nếu cô gái trẻ đủ sự tinh tế về thời trang để hiểu được rằng: Quần tất không phải là QUẦN, liệu cô có bị trở thành mồi nhậu trên mạng xã hội? Hơn nữa, nếu cô gái trẻ hiểu rằng, cô vẫn đang sống trong một xã hội nhiều định kiến, nhiều quy ước ngầm về sự phù hợp, liệu cô có chọn một chiếc quần tất để mặc thay quần ra đường?
Tự do và sự phù hợp luôn mâu thuẫn nhau, bởi một bên là sự thoải mái của bản thân và một bên là sự thoải mái của cộng đồng. Nhưng mỗi con người đều là một phần trong không gian văn hóa xã hội mà họ sinh sống. Mọi hành xử nói chung và ăn mặc nói riêng đều phải thể hiện sự tôn trọng của bản thân đối với những người xung quanh mình, với cộng đồng mà mình đang sống.
Tôn trọng là sự tương tác qua lại và người ta chỉ nhận được khi trao nó đi. Sự tôn trọng ấy bao gồm cả việc ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh. Như không nên mặc một chiếc áo hở lưng bước vào trường học, mặc cái quần short cũn cỡn hay một chiếc váy xuyên thấu với những khoảng hở táo bạo đến những sự kiện trang trọng và càng không nên mặc quần tất thay cho quần để ra đường. Không riêng phụ nữ mà đàn ông cũng thế.
Tất nhiên, mỗi người đều có quyền cá nhân của mình, miễn là không vi phạm quy định và luật lệ. Vì thế, nếu người phụ nữ nào tự do mặc bất kỳ cái gì họ thích vì đó là quyền của họ thì đồng thời họ cũng phải chấp nhận người khác bình phẩm về bất kỳ cái gì mà người ta không thích, vì đó cũng là quyền của người ta.