Chị em hay bảo nhau: “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” mỗi khi ai đó khoe chồng tình cảm, yêu chiều, nâng niu vợ. Trên thực tế, dù có muốn thừa nhận hay không th có người chồng lo cho mình mọi thứ, muốn đồ hiệu có đồ hiệu, muốn tiền tiêu có tiền tiêu vẫn là một điều đáng mơ của không ít phụ nữ.
Nếu người chồng ấy còn lo toan, đối tốt với đằng ngoại, việc nhà ngoại cũng săm sắm như nhà mình thì lại càng là ông chồng quốc dân. Bởi thế mà có không ít đằng ngoại, gả được con gái vào nhà gia thế, có con rể giàu có thì tranh thủ xin xỏ nay cái này mai cái khác hoặc gợi ý con gái sắm sanh đồ đạc (bằng tiền chồng nó), cấp đỡ cho em còn ăn học.
Những cũng vì thế mới có chuyện, nhiều cô ban đầu được cưng chiều như trứng mỏng, càng về sau càng lép vế dần, mất đi tiếng nói trong gia đình chồng vì cả nhà mình “tầm gửi”.
Mỹ Dung, Hà Nội từng có 5 năm sống như thế. Cô lấy chồng khi còn chưa ra trường, chồng giàu, gia thế khủng, tiền mừng cưới nghe đâu tính bằng đơn vị "tỷ đồng". Sinh con, nghỉ thai sản xong chồng xin cho đi làm ngân hàng, lo cả việc ngon cho cậu em vừa tốt nghiệp, cuối tuần đánh xe hơi đưa vợ con về ngoại, đôi tháng lại bao cả nhà vợ đi du lịch đó đây một lần. Ai cũng khen cô tốt số, khéo chọn chồng.
Nhưng rồi việc bận túi bụi đến tối mịt mới về, thi thoảng lại đi công tác, con vứt ở nhà cho giúp việc. Chồng ghen, xách mé “làm quần quật mà tiền chỉ đủ thuê osin”, mẹ chồng nói ra nói vào, mẹ đẻ khuyên làm mẹ mới là điều quan trọng nhất, ở nhà ít năm cũng chẳng sao, thế là cô nghỉ việc.
Lúc đầu mọi việc ổn cả, nhưng dần dà, Dung sống trong trủng trùng áp lực, tủi hờn khi tiêu pha một đồng cũng phải ghi cụ thể rồi tổng kết từng tuần, từng tháng như kế toán để báo cáo lại với chồng, vì “ở nhà chăm con mà như bà tướng”. Cô ấm ức, cãi cũng chẳng lại với anh chồng suốt ngày lôi chuyện mớ rau con cá, kể công mình xin việc cho vợ, cho em vợ, mua quà cáp cho nhà vợ… dù tất cả là anh tự nguyện.
Được vài năm, một lần về ngoại chơi, hàng xóm thấy cô đeo kính đen để che vết bầm do "ngã cầu thang". Ít lâu nữa, cô khóc như mưa bảo rằng muốn giải thoát đời mình khỏi anh chồng gia trưởng, vũ phu, nhưng có hai điều trăn trở. Một là, em mình đang làm ngon lành, sắp được thăng chức trưởng phòng, lương cao hơn mấy bậc, chia tay rồi, em liệu có bị đuổi không. Hai là, hai vợ chồng cùng tranh chấp quyền nuôi con, cô bị lép vế do không có công ăn việc làm, mà nếu có giành được con về, chồng cũng tuyên bố không chu cấp cho 1 xu.
Chẳng căng thẳng đến mức như Dung, nhưng Thu Hương cũng "há miệng mắc quai" chỉ vì chịu ơn chồng. Khi em gái cô ấy đỗ đại học ở Hà Nội, bố mẹ cô sốt vó lo tiền nông phẩm không đủ chu cấp. Ông anh rể về quê tuyên bố rằng không nên cho dì đi làm thêm vất vả, lên đây ở với vợ chồng con, con lo hết. Anh lo thật. Ngoài cho ở nhờ, ăn cơm chung, anh còn cho em vợ mỗi tháng 1 triệu tiêu vặt.
Nhưng mọi chuyện sẽ hoàn hảo nếu anh không gợi ý để chị giúp việc nghỉ làm với lý do "gia đình không có nhu cầu", không cằn nhằn vợ và em vợ mỗi lúc chiều về thấy nhà bừa bộn hay con anh lem nhem mà dì chưa kịp tắm. Hương bực mình về bàn với nhà ngoại cho em ra ở riêng cho tự do, thiếu thốn đâu cô sẽ phụ thêm thì bố mẹ còn gạt đi, "có nấu cơm, dọn dẹp với trông cháu, sao mà không làm được".
Vậy đấy, chính bởi có những ông chồng (dù có thể không thoải mái lắm) phải một tay lo lắng chuyện to chuyện nhỏ trong nhà, thi thoảng còn phải lo thêm việc nhà vợ nên mới nảy sinh ra kiểu phụ nữ cả đời phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì mình, thậm chí nhà mình lỡ chịu ơn chồng.
Có một thực tế là, đàn ông Việt không phải ai cũng trân trọng vợ nếu cô ấy ở nhà hay nói trắng ra là không đóng góp trực tiếp vào kinh tế gia đình. Dẫu rằng sự vất vả của một bà nội trợ chẳng hề kém một phụ nữ đi làm.
Vì vậy nhiều phụ nữ Việt ở nhà nội trợ, chăm con vẫn mặc nhiên bị coi nhẹ, không chỉ bởi chồng mà còn từ nhiều người khác xung quanh cuộc đời họ. Ai đó có cả nhà ngoại nương dựa vào con rể thì còn bi kịch hơn. Sự phụ thuộc, ràng buộc về kinh tế khiến họ bị mất giá, bị coi như một loại tầm gửi bám cành, rời chồng ra là chết.
Đàn ông vốn là giống loài say thử thách. Đầy ông xưa chưa chinh phục được vợ thì nâng niu như trứng mỏng, đang si tình thì hứa hẹn ở nhà anh nuôi. Nhưng khi vợ ở nhà nội trợ, vài đồng mua băng vệ sinh cũng phải ngửa tay xin, không còn mối quan hệ gì ngoài gia đình chồng, chưa kể nếu gia đình nhà vợ nhờ vả nhiều, tự dưng mối quan hệ bất cân xứng kỳ lạ.
Đành rằng lúc đầu chồng tự nguyện nhưng đó là khi tình còn đương nồng, men còn đương say, còn lúc rượu nhạt, tiệc tàn, nhìn sang phận tầm gửi bẽ bàng thay. Đàn bà khổ, bị coi thường, bị lép vế, không có tiếng nói xót xa biết bao, nhưng nói gì thì nói, chẳng phải cũng một phần do sự lựa chọn của họ hay sao?
Thế nên đừng tin vào những lời nói thốt ra trong cơn say tình như: “Lo gì, ở nhà anh nuôi” hay “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”. Đến cỏ bây giờ còn mất tiền mua, huống chi là cơm ăn, áo mặc hằng ngày.
Phụ thuộc vào người khác dù ở xã hội hay gia đình đều ít nhiều khiến bạn mất đi vị thế của mình. Thế nên đừng đặt gánh nặng nuôi con lên một mình vai chồng, đừng bắt chồng phải móc hầu bao ra chi trả mọi chi phí cuộc sống cho mình. Cũng đừng để nhà mình dựa dẫm vào chồng hay nhà nội. Có thế trong con đường dài đi cùng nhau mới có thể bình đẳng và tôn trọng.
Phụ nữ nhất thiết phải cố hết sức lo được bản thân và gia đình mình trước khi phiền đến chồng. Tự kiếm tiền, dù ít hay nhiều thì đó cũng là đồng tiền do mình kiếm ra, là cách để chứng minh mình sống ổn mà có chuyện bất trắc xảy ra, chủ động chăm sóc gia đình lớn và chung tay gánh vác với chồng để vun vén gia đình nhỏ.
Hôn nhân sau khi nếm lớp mật ngọt bên trên, thì phía dưới sẽ hiển lộ biết bao tồn tại biết bao mặt trái. Chẳng hạn như, mặt trái của không ít người phụ nữ được gọi là sướng bởi kinh tế có chồng lo là đánh đổi tiếng nói của mình, phải nhẫn nhịn, hy sinh để được tiếng “vợ ngoan, gia đình êm ấm”.
Thế nên, bất luận thế nào, đàn bà hiện đại đừng bao giờ nghĩ dựa dẫm vào đàn ông được là hay. Mà xét cho cùng đàn ông cũng như đàn bà, phải đi làm, phải nuôi được bản thân mình, phải lo được cho người thân yêu của mình thì mới có quyền làm chủ cuộc sống.