Theo khảo sát chi phí sinh hoạt của Mercer năm 2020, Tokyo được xếp hạng là thành phố đắt đỏ thứ 3 trên thế giới. Có một điều đặc biệt là chi phí thuê nhà và giá trái cây, rau củ ở đây rất cao, làm cho tiêu phí sinh hoạt hàng tháng của mỗi người tăng lên.
Với phụ nữ trẻ làm văn phòng ở Tokyo, họ đã áp dụng 5 cách tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, vừa để ra được một khoản mà vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
1. Chuẩn bị bento ăn trưa
Nấu nướng rõ ràng mất thời gian, đồng thời bạn sẽ khá đau đầu khi phải lên thực đơn mới mỗi ngày. Vậy nhưng một cô gái đã theo dõi chi phí trong vài tháng khi nấu nướng và cô nhận ra mình tiết kiệm được gần 5.000 yên mỗi tuần (hơn 1 triệu đồng) cho bữa trưa và đồ ăn nhẹ, tổng cộng là 20.000 yên mỗi tháng (hơn 4 triệu đồng).
Kinh nghiệm để nấu nướng một cách hiệu quả, đó là họ chuẩn bị đồ ăn vào mỗi chiều chủ nhật. Phụ nữ Nhật sẽ chế biến sẵn số lượng lớn 2 hoặc 3 loại thực phẩm có thể bảo quản tốt, chẳng hạn như ớt, món xào hay cà ri, cùng với một loại cơm. Sau đó mỗi ngày họ chỉ mất 1 giờ để nấu bữa tối và chuẩn bị bento cho ngày hôm sau.
Việc tự nấu ăn không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền mà còn tốt hơn cho sức khỏe.
2. Giải phóng bản thân khỏi "địa ngục trên giày cao gót"
Việc đi lại cả ngày trên đôi giày cao gót không chỉ khiến cho đôi chân phụ nữ bị quá tải, mà các đôi giày cao gót cũng nhanh chóng bị mòn, hỏng. Thậm chí nhiều phụ nữ cứ 2 tháng lại phải thay một đôi giày cao gót mới, giá khoảng 1.500 yên đến 3.000 yên (hơn 300 nghìn đến hơn 600 nghìn).
Và giải pháp của họ là chỉ đi giày cao gót khi cần thiết. Họ đi giày bệt đến công sở, đến các cuộc hẹn, đi quanh văn phòng và tới các cuộc họp ít trang trọng. Họ sẽ chuyển sang giày cao gót khi gặp các tình huống bắt buộc.
Các nữ nhân viên văn phòng Nhật thường để một đôi giày cao gót tại văn phòng. Bên cạnh những lợi ích kinh tế thì đôi chân của phụ nữ sẽ được giải phóng khi bạn đi giày bệt.
3. Dùng áo sơ mi không cần là ủi
Khi phải mặc áo sơ mi có cổ để đi làm mỗi ngày, lúc ấy hóa đơn giặt là của bạn thực sự là một con số không hề nhỏ.
Nếu bạn là người chăm chỉ và muốn tiết kiệm bằng cách tự giặt là áo sơ mi, đó là công việc khá cực nhọc và chiếm mất không ít thời gian rảnh.
Tuy nhiên thời trang và công nghệ đã bắt tay hiệu quả, giúp bạn giảm những chi phí đó bằng cách cho ra đời loại áo sơ mi không cần là. Với loại trang phục này, bạn chỉ cần giặt sạch, treo lên và để khô là trông chúng lại hoàn hảo như vừa được giặt ủi tỉ mỉ.
Chuyển sang sử dụng áo sơ mi không cần là đã giúp các cô gái ở Nhật tiết kiệm được khoảng 20.000 yên mỗi năm phí giặt hấp (hơn 4 triệu đồng).
4. Mua số lượng lớn
Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ ở Nhật Bản rất đắt, một phụ nữ có thể phải trả đến 1.000 yên (hơn 210 nghìn) cho băng vệ sinh mỗi tháng.
Để giải quyết vấn đề này, họ thường mua hàng số lượng lớn trên amazon. Đó là một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền, thời gian. Theo cách này, họ chỉ mất khoảng 4.000 yên (khoảng 850 nghìn đồng) mỗi năm cho băng vệ sinh, tính trung bình khoảng hơn 300 yên (gần 65 nghìn đồng) mỗi tháng.
Mua hàng số lượng lớn để dùng trong thời gian dài luôn là một cách tiết kiệm tiền hiệu quả nếu bạn cần sử dụng đến mặt hàng đó thường xuyên.
5. Điều chỉnh suy nghĩ
Nếu phải làm việc căng thẳng, bạn rất dễ có tâm lý “mình có quyền tự thưởng cho bản thân” rồi vung tiền vào những thứ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Mà bên ngoài kia thì tràn ngập những món đồ đáng yêu, ngon miệng và hữu ích đang cám dỗ ví tiền của bạn.
Khả năng cao bạn sẽ đưa ra các quyết định như đi taxi thay vì đi tàu điện, mua một bữa ăn mới thay vì ăn hết những thứ đang có trong tủ lạnh hoặc sắm thêm chiếc ốp khác cho điện thoại. Đó là các khoản chi không quá lớn nhưng nhiều thứ cộng lại thì lại là một con số không nhỏ.
Lúc này điều quan trọng nhất bạn cần chính là phải điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, không dễ dãi trong các quyết định mua sắm. Tất nhiên chúng ta không cần phải sống quá hà tiện, thế nhưng thực tế là những khoản mua sắm lặt vặt chồng chất lên sẽ đủ khả năng phá hủy tài khoản của bạn.
Chỉ cần dành một vài giây trước khi thanh toán để đấu tranh chống lại ham muốn mua sắm, nó giúp bạn nhận ra mình có đang đưa ra quyết định sai hay không.
Một cô gái chia sẻ cô đã phải kiềm chế thói quen uống cà phê ưa thích và chứng nghiện văn phòng phẩm. Thỉnh thoảng cô mới thưởng thức cà phê ở cửa hàng để tránh cảm thấy quá thiếu thốn. Cách làm ấy đã biến việc thưởng thức cà phê hoặc mua một chiếc bút mới trở thành phần thưởng khiến cô cảm thấy phấn khởi hơn, chứ không còn là một thói quen ngốn tiền nữa.