Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok chia sẻ clip sản phụ bị tiền sản giật, phải mổ cấp cứu gấp khiến nhiều người bàn tán. Nếu không kiểm soát đúng cách và kịp thời, sản phụ có nguy cơ bị sản giật, nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con.

Giới chuyên gia nhận định, các biến chứng thai sản là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thống kê trên thế giới cho thấy có hơn 500.000 phụ nữ tử vong hàng năm do các nguyên nhân liên quan tới thai nghén và sinh nở. Trong đó, hiện tượng tiền sản giật là một trong những biến chứng sản khoa ở khoảng 5% thai phụ.

Sản giật nguy hiểm thế nào mà cần thiết phải cấp cứu kịp thời?

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec), thai phụ bị sản giật thì rất nguy hiểm. Sản giật gây nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ lẫn con nên việc cấp cứu cần được thực hiện hết sức nhanh chóng. "Nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ bị rau bong non, suy thai", BS Chiến nói.

Sản phụ bị tiền sản giật và sản giật rất dễ làm giảm lưu lượng máu cung cấp từ cơ thể mẹ sang thai nhi. Đây là nguyên nhân khiến thai bị suy dinh dưỡng, giảm nước ối, chậm phát triển. Nặng hơn, tiền sản giật và sản giật có thể khiến thai chết lưu trong tử cung.

Phụ nữ mang thai bị sản giật nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2.

Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Tuy nhiên, bác sĩ cấp cứu cũng phải chờ mẹ qua cơn co giật mới mổ lấy thai được. Để qua cơn co giật, không gây ảnh hưởng tính mạng sản phụ lẫn thai nhi, các bác sĩ cần tiến hành hồi sức, cho dùng thuốc, hạ huyết áp. Sau đó mới tiến hành quy trình mổ bắt con.

"Sản phụ bị sản giật cần được cho thở oxy, cần thiết thì đặt ống nội khí quản. Ở trường hợp này, ekip gây mê hồi sức sẽ tham gia trước, bác sĩ Sản tham gia sau", chuyên gia nhấn mạnh.

Cách phòng tránh tiền sản giật ở phụ nữ mang thai

Theo BS Chiến, tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù. Đây là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Phụ nữ mang thai bị sản giật nguy hiểm thế nào? - Ảnh 3.

Chị em đừng quên đi khám thai định kỳ và tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để thai kỳ đảm bảo khỏe mạnh.

Theo BS Chiến, để phòng tránh những cơn sản giật, bác sĩ cần theo dõi sát các ca thai kỳ có nguy cơ cao với bệnh cao huyết áp, tiền sản giật, chủ động lấy thai ra đúng thời điểm.

Trong chế độ ăn uống hàng ngày, thai phụ nên ăn đầy đủ lượng DHA, EPA, nói chung là thực phẩm giàu omega-3. Những nguồn thức ăn giàu omega-3 cho mẹ bầu là cá hồi, súp lơ, hạt vừng, óc chó... Mẹ bầu cũng nên cung cấp cho cơ thể thực phẩm giàu canxi như sữa, chế phẩm từ sữa, bông cải xanh, đậu bắp, măng tây, rau diếp... Nếu chế độ ăn đơn giản, mẹ có thể bổ sung bằng viên uống canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, cơ thể cần được cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể. Đây là vitamin giúp giảm nguy cơ bị tiền sản giật đáng kể. Những thực phẩm giàu vitamin D bao gồm dầu gan cá, nấm hương, các loại ngũ cốc nguyên hạt.

"Chị em đừng quên đi khám thai định kỳ và tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám, phát hiện những biến chứng nhanh chóng, kịp thời giúp thai kỳ đảm bảo khỏe mạnh", BS Chiến cho biết thêm.