Dù chỉ mới 22 tuổi nhưng Adrienne Onday, nhà nghiên cứu và hoạt động nữ quyền, gần như đã xác định rằng tương lai cô không muốn có con.
"Tôi cảm giác như đó không phải là điều mình muốn. Thứ tôi thật sự mong muốn là được dạy và nghiên cứu về xã hội học. Điều này đòi hỏi tôi phải di chuyển rất nhiều. Nếu có gia đình và con cái, tôi phải xem xét những nơi tôi đến có phù hợp với các con hay không. Và thật đáng tiếc là công việc mà tôi chọn không phù hợp với trẻ nhỏ" - Adrienne nói.
Adrienne thừa nhận rằng cô từng nghĩ đến chuyện làm mẹ, thậm chí còn nghĩ ra nhiều cách để nuôi dưỡng các con của mình. Thế nhưng, kinh nghiệm chăm sóc 3 đứa em ruột và những đứa em họ đã thay đổi suy nghĩ của cô.
Tại Philippines, việc phụ nữ không sinh con vẫn bị xem là điều cấm kị, nhất là đối với những người thuộc thế hệ trước, họ tin rằng đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người phụ nữ.
Tiến sĩ Nathalie Vercele, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về giới và phụ nữ tại Đại học Philippines, nói rằng không có gì khó hiểu khi những người lớn tuổi lại đặt nặng việc có con của phụ nữ, lí do được đưa ra là: "Họ trưởng thành trong hoàn cảnh khác biệt hoàn toàn và chúng ta nên hiểu điều đó".
Bản thân là một người mẹ, Nathalie tin rằng tư tưởng trên của các cụ đến từ cái nhìn của xã hội Philippines đối với phụ nữ từ trước đến giờ.
"Đây là điều mà chúng ta gọi là lý thuyết xác định sinh học cho rằng phụ nữ chỉ có thể làm tốt việc sinh con. Thế nhưng, tư tưởng này nên được mở rộng ra tất cả những lĩnh vực trong xã hội mà người phụ nữ có thể làm được. Đây là lí do vì sao xã hội lại chỉ trích những người phụ nữ không chịu sinh con, họ xem đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta" - Nathalie nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Jazz Tugadi, 25 tuổi, nói rẳng ở Philippines, mọi người thường có tiêu chuẩn kép. "Ngay sau khi chào đời, phụ nữ ở đây đã được xã hội định sẵn một con đường phía trước, làm mẹ là bước cuối cùng và đó cũng là lúc họ hoàn thành 'số phận' của mình. Thế nhưng, khi người đàn ông chọn sinh con thì sẽ nhận được sự tuyên dương và tán thưởng" - Jazz nói.
Trước khi trở thành một người mẹ thì phụ nữ Philippines luôn bị hối thúc lấy chồng. Đây là trường hợp của nhà sản xuất truyền hình Jeng Basijin, 31 tuổi, đã có 2 đứa con, 1 trai và 1 gái, với người bạn trai lâu năm.
"Bố mẹ mong muốn chị em tôi phải sống theo ý muốn của họ. Chúng tôi không thể yêu đương thời đi học và lớn lên, chúng tôi phải kết hôn và không được có con trước hôn nhân" - Jeng nói. Cô chia sẻ thêm rằng bố mẹ cô không hề vui mừng hay bày tỏ thái độ thiện chí nào khi cô mang thai đứa con đầu lòng vào năm 2016.
"Tôi đã bị đuổi khỏi nhà. Bố đã gỡ hết toàn bộ những bức ảnh của tôi khỏi tường và vứt hết sách vở mà tôi phải vất vả lắm mới thu thập được. Điều đó khiến tôi tổn thương kinh khủng" - Jeng nói thêm.
Hiện tại, Jeng đang chung sống cùng bạn trai và 2 con cùng với 3 đứa con riêng của anh với người vợ quá cố.
Mặc dù đã đến tuổi kết hôn nhưng Jeng không hề có ý định đám cưới. Cô cho biết mình xem trọng mối quan hệ giữa 2 người hơn là một lễ cưới linh đình. Thêm nữa, Jeng không muốn mình trở thành một ví dụ phi thực tế đối với các con, bởi vì đám cưới không phải là ưu tiên hàng đầu của cô và bạn trai.
Nhà làm phim Cha Roque, 34 tuổi, cũng là một người phụ nữ Philippines không chịu sống theo khuôn phép. Khác với Jeng, Cha lớn lên trong một gia đình mẫu hệ nên cô có nhiều tự do hơn. "Giờ đây, tôi sống cùng con gái Kelsey, bạn gái và 2 chú chó trong ngôi nhà thuê của chúng tôi" - Cha chia sẻ.
Xu hướng giới tính của Cha chưa bao giờ là vấn đề cho đến khi xảy ra một vụ việc có liên quan đến con gái cô.
"Kelsey bị bạn bè ở trường trêu chọc vì đăng ảnh của gia đình chúng tôi lên mạng. Giáo viên thì nhắc nhở con bé rằng "Nghĩ trước khi đăng gì đó lên mạng". Tôi không nghĩ đó là hành động mà một giáo viên nên làm khi học sinh bị chế giễu chỉ bởi vì bức ảnh gia đình của em" - Cha kể.
Cha thừa nhận rằng những ác ý nhắm vào cô và người bạn gái bên cạnh khiến cô cảm thấy bản thân ngày càng trở nên yếu đuối. Thế nhưng, Cha lựa chọn đối mặt và quyết định trở nên mạnh mẽ hơn để tạo ra những thay đổi cho bản thân, cho gia đình và những gia đình khác có hoàn cảnh tương tự.
Tiến sĩ Nathalie cho rằng phải mất rất nhiều thời gian để thay đổi các định kiến của xã hội dành cho phụ nữ.
"Tại đây, nếu kết hôn, bạn buộc phải sinh con. Nếu muốn có con, bạn phải kết hôn trước. Nhưng mọi người đang dần mở lòng hơn bởi vì đã có nhiều ngoại lệ" - Nathalie tin rằng cần nâng cao nhận thức xã hội về quyền bình đẳng của phụ nữ, nhất là ở các nam thiếu niên.
Thời gian gần đây, phụ nữ Philippines đã thẳng thắn về quyết định không muốn có con, phá vỡ suy nghĩa đã tồn tại suốt một thời gian dài rằng phụ nữ cần phải ưu tiên việc kết hôn và làm mẹ, phụ nữ không sinh con chắc chắn có vấn đề.
Dù vậy, vẫn có một bộ phận lớn phụ nữ chọn sống theo các giá trị truyền thống, đơn cử như Jasmin Carpio, 24 tuổi, tin rằng phụ nữ cần phải lấy chồng và sinh con vì tin rằng chỉ có những điều đó mới khiến "hoàn thiện" được người phụ nữ. Bản thân cô sẽ cảm thấy thiếu đi cái gì đó nếu như không kết hôn và có con.
Jasmin và bạn trai 6 năm đã bàn chuyện kết hôn nhưng chưa chọn được ngày. Cô bị căng thẳng với lễ cưới của mình bởi vì "Chúa sẽ có mặt ở đó ngày hôm ấy". Đám cưới tại nhà thờ rất quan trọng không chỉ đối với Jasmin mà còn với gia đình và họ hàng của cô.
Về phía Adrienne, cô cho rằng phong trào đầu tranh không ngừng nghỉ để phụ nữ có thể đi lệch khỏi các chuẩn mực xã hội được diễn ra quyết liệt nhưng những người đi theo các giá trị truyền thống cũng không nên cảm thấy xấu hổ.
"Một người phụ nữ có quyền quyết định điều cô ấy muốn và không muốn trong cuộc sống của mình. Cô ấy đã chọn lựa như vậy thì không ai được quyền đánh giá cô ấy" - Adrienne nói.
Ngoài ra, Adrienne còn mong muốn các thảo luận về quyền và sự lựa chọn của phụ nữ cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn ở Philippines. Thế nhưng, không chỉ đất nước này mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng gặp phải tình trạng đối xử bất công với nữ giới, chênh lệch tiền lương và không đồng đều về vị trí của đàn ông và phụ nữ trong chính trị.
"Bên cạnh việc nỗ lực nâng cao quyền và sự tự do của phụ nữ, chúng ta cần phải nhắm đến đối tượng nam giới để nhắc nhở rằng họ cũng đóng vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh vì nữ quyền này" - Adrienne nói.
Các nhà hoạt động quyền phụ nữ cho biết không cần thiết phải là một hành động vĩ đại mà từ những việc làm nhỏ nhặt mà ai cũng có thể làm nhưng thực hiện một cách kiên định và bền vững, thì cũng được ghi nhận là đóng góp cho phong trào. Đối với Jeng, cô cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở sự giáo dục của bố mẹ dành cho con cái.
"Bố mẹ và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm sống của con cái. Đó cũng là điều mà tôi đang làm với các con mình. Tôi muốn chúng biết rằng xã hội sẽ không ngừng đặt kì vọng lên vài chúng. Nếu thấy con gái mình chơi xe mô hình, tôi sẽ để vậy. Tại sao phải ngăn nó lại chứ?" - Jeng nói.
(Nguồn: SCMP)