Tết là ngày để về Việt Nam, ăn món ăn Việt và nói… Tiếng Việt
Hỏi Tuấn Anh - chàng kỹ sư công nghệ thông tin đang sinh sống và làm việc ở Singapore là có thích Tết không, Tuấn Anh trả lời ngay: "Thích chứ! Tết mình được về Việt Nam, không thích sao được? Đi làm như mình chỉ đợi đến Tết, đến đợt 30/4 - 1/5 bố mẹ được nghỉ nhiều để về thăm nhà thôi."
Tuấn Anh qua Singapore được gần 2 năm nhưng bố mẹ và em trai thì vẫn ở Việt Nam nên anh chàng có vẻ rất thích thú khi Tết được về nhà. Gia đình Tuấn Anh ở Sài Gòn nhưng lại gốc Bắc (Hà Nội - Hà Tây cũ) nên vẫn giữ những nếp sống truyền thống, mùng 1, mùng 2 tập trung về nhà cậu Tuấn Anh cùng nhau đón Tết. Tuấn Anh bảo: "Tết nhà Tuấn Anh là vậy đó, quây quần lại một nơi nên về Tết là có thể gặp cả đại gia đình, từ ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác, anh chị em họ cho đến cháu chắt, ai cũng có mặt, chứ trong năm mà về thì người gặp người không."
Mâm cúng nhà Tuấn Anh có nhiều món lắm, về Việt Nam ngày Tết là đúng bài với Tuấn Anh luôn, ăn tha hồ cho thỏa nỗi nhớ đồ ăn Việt Nam. "Ngày Tết đồ ăn ngon lắm, đồ ăn mẹ nấu lại càng ngon, khác hẳn những bữa cơm nơi xứ người, mình tự nấu, hôm khét hôm mặn. Ở bên đó nhớ đồ ăn Việt lắm, lần nào về nước mình cũng ăn lấy ăn để."
Singapore cũng có khá nhiều người Việt Nam sinh sống nhưng với công việc của mình, Tuấn Anh cũng không có nhiều thời gian để gặp gỡ hay trò chuyện nhiều, hầu hết thời gian Tuấn Anh đều chỉ dùng Tiếng Anh, thế nên cậu bạn này bảo là: "Về nhà cả ngày được nói Tiếng Việt, đi đâu cũng dùng Tiếng Việt, khoái cực. Ở bên kia, đa phần lúc nào gọi về nhà hay gọi cho bạn gái mình mới dùng Tiếng Việt thôi."
Chà chà, vậy có lẽ một trong những lý do anh chàng này thích về Việt Nam ăn Tết là vì bạn gái rồi. Hỏi thì Tuấn Anh cười: "Đúng là như vậy. Tết mình về Việt Nam, ngoài việc được ăn Tết với gia đình, mình còn được gặp bạn gái, qua nhà bạn gái chơi, đưa bạn gái đi ngắm cảnh đường hoa. Yêu xa, một năm tụi mình gặp nhau đâu được mấy ngày đâu."
Tết là dịp để những "quý ông" thể hiện mình
Người ta vẫn thường bảo Tết đến chỉ có đàn bà là khổ vì đàn ông vô tâm lắm. Tôi thì lại thấy sướng hay khổ, vô tâm hay quan tâm là tùy nhà, tùy người. Cứ như anh Phan Đức Thành (Thành phố Thanh Hóa) thì ai bảo đàn ông vô tâm, chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt ngày Tết cơ chứ.
Từ giữa tháng Chạp anh cùng bạn bè đánh hẳn một chuyến xe lên tận Hưng Yên lựa đào, quất, bưởi đem về Thanh Hóa chưng Tết. Sáng 27 Tết thì anh đưa vợ con về Sầm Sơn gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết cùng bố mẹ.
Ông bố một con chia sẻ: "Anh rất yêu thích Tết vì mỗi độ Xuân về Tết đến, gia đình nào cũng được sum vầy. Anh thích cảm giác những ngày cuối năm, anh cùng vợ con chia nhau dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết. Rồi thì những ngày giáp Tết, cái cảm giác đưa vợ con về nhà ông bà, cùng nhau trải chiếu giữa sân gói bánh chưng, nhóm lửa luộc bánh, tối cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh, nói chuyện, tâm sự chờ vớt bánh nó ấm cũng lắm em. Anh với các ông, các chú đôi khi làm vài ba chén rượu cho ấm bụng, tụi trẻ con thì xúng xính quần áo mới, chạy nô đùa cười nói khắp sân."
Hỏi anh Tết này vợ chồng anh có định đi đâu chơi không, anh cười bảo: "Năm nào anh cũng đưa vợ con đi lễ xuân đầu năm hết á em. Nhà anh ở Sầm Sơn nên sẽ đi đền thần Độc Cước, cách nhà anh có 700m thôi. Đi lễ xuân rồi đi thăm anh em, họ hàng và bạn bè. Còn đi chơi xa thì cả năm đi nhiều rồi, Tết đến anh muốn giành thời gian cho gia đình thôi."
Nhà bố mẹ anh Thành ở Sầm Sơn còn nhà vợ anh ở nội thành thành phố Thanh Hóa, cách nhau tầm 30 phút chạy xe nên cũng tiện. Anh Thành và vợ cũng không phân biệt Tết nhà nội, Tết nhà ngoại, cứ chạy qua chạy về giữa hai bên. Bố vợ anh mới mất gần 2 năm nay nên anh cũng thường xuyên nói vợ đưa con về nhà với mẹ cho mẹ đỡ buồn. Anh bảo: "Tết nhất mà em, người ở lại càng nhớ người đi, mẹ vợ anh cũng đã chuyển nhà về gần chỗ tụi anh ở Thanh Hóa, nên tranh thủ về được với bà lúc nào là về"
"Ta vẫn cứ hồn nhiên đón Tết, Tết của riêng mình, mùa Xuân của riêng ta"
Có vẻ như giữa lúc mọi người đang tranh cãi có nên gộp Tết, bỏ Tết hay không, thì hầu hết những người đàn ông tôi gặp và tiếp xúc để viết đề tài này đều yêu Tết và thích Tết. Mỗi người một cách nghĩ, nhưng tựu chung lại thì Tết trong lòng họ luôn là mùa của yêu thương, hạnh phúc và sum vầy.
Tôi quen một người anh khóa trên trường cấp 3 cũ. Anh tên Lê Đình Phong, hiện đang là nghiên cứu viên tại Trung tâm RD của khu CNC thành phố Hồ Chí Minh và là thành viên chủ chốt của nhóm thiện nguyện "Tuổi trẻ Quảng Nam". Tôi khá thích cách nhìn nhận các vấn đề của anh, đôi khi đi ngược lại số đông nhưng anh luôn có những lý lẽ của riêng mình. Và những lý lẽ đó thường thuyết phục tôi.
Khi tôi liên lạc với anh xin phỏng vấn đề tài này, tôi hỏi anh có thích Tết không, anh cười không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà kể: "Anh nhớ năm đầu tiên xa quê, cách nhà 15km, dù đi đi lại lại miết, bằng tàu có, xe máy có, xe đạp hai chị em đèo nhau cũng có luôn nhưng mỗi lần về quê là mỗi cảm xúc, cảm xúc hồi hộp như thuở ban đầu thương nhớ vậy. Đến dịp Tết cũng thế, cảm giác đã làm sao khi về quê ăn Tết, dù cách nhau chỉ nửa tiếng đồng hồ di chuyển.
Rồi năm lên 14, đi xa hơn, cả ngàn cây số. Năm nào cũng về quê 2-3 lần, nhưng đến gần Tết vẫn cứ nôn nao. Cách Tết 2-3 tháng là lăn lộn ngoài ga mua vé, có lúc mua cho mình cho gia đình, có lúc mua giùm cho bạn bè, cho người mình thương. Nhiều khi được mua vé không cần xếp hàng vì ba anh làm trong ngành, cơ mà vẫn thích "chung vui" cùng chúng bạn. Những chuyến tàu còn vui hơn nữa, nơi đó ai ai cũng nôn nóng trở về, trao nhau ánh mắt tươi vui, nụ cười hạnh phúc sắp đoàn viên.
24 tuổi, đi xa hơn nữa. 8 năm dài đằng đẵng anh cũng ráng hơn 16 lần về nhà, chỉ bỏ một mùa Tết duy nhất và đó là cái Tết buồn thê thảm. Anh buồn 1, mà thằng em khóc nức nở đêm giao thừa làm anh buồn cả 10 phần. Và từ đó nguyện không bao giờ xa quê ngày Tết nữa."
Anh lại tiếp tục tâm sự về cái nhìn khác nhau giữa ngày Tết cổ truyền của người ở nông thôn và ở thành thị:"Lạ lắm em ạ, với những ai từ bấy lâu sống nơi phố thị, thường ít thấy những khác biệt ở xung quanh khi Tết đến, dẫu trong thâm tâm hay ý niệm, nhưng ở quê, ở vùng mà Tết là dịp gia đình đoàn tụ, là những phút giây cha mẹ ngóng chờ những đứa con xa bao tháng ngày quay về xum họp, ông bà chờ nghe tiếng cháu bi bô, vốn ngày thường chỉ quanh quẫn quanh nhà nghe chim hót bên tai, gà gáy sáng, hay chó sủa về đêm, cả năm có khó khăn thì cũng ráng cửa nhà tươm tất chút, mồ mả tiền nhân đẹp đẽ hơn. Xóm làng ngày Tết cứ rổn rảng tiếng cười. Đêm về những nồi bánh tét, bánh chưng lên lửa bập bùng ấm áp, những khay mứt, những hũ thịt, những bình rượu nằm ngoan ngoãn chờ khách tới nhà chơi. Những bé em xúng xính quần áo mới, những cụ già ngồi trầm tư mà mỉm cười ấm lòng."
"Mà Tết đối với anh không chỉ đơn giản là Tết đoàn viên cho mình mà còn là dịp chia sẻ cho bà con lối xóm những niềm vui dẫu nhỏ nhưng ấm áp yêu thương", anh nói tiếp, "Mấy năm này Tết thêm ý nghĩa với những người anh em "nghiện quê nhà" giống anh trong những chuyến đi mà nhiều người gọi là "chuyện bao đồng"... kệ, cứ quỡn với nhân gian một nụ cười em ạ. Người ta thích bỏ thì cứ bỏ, gộp thì cứ gộp, ta vẫn cứ hồn nhiên đón Tết, Tết của riêng mình, mùa Xuân của riêng ta."
Với tôi, những gì anh Phong kể còn hơn cả một câu trả lời. Tôi không chỉ cảm nhận được tình cảm anh dành cho Tết mà còn như được thấy cả ngày Tết ở đất Quảng Nam quê anh. "Chuyện bao đồng" mà anh nói ấy có lẽ là những chuyến đi kín lịch để trao quà cho bà con xứ Quảng dịp Tết này của anh cùng nhóm "Tuổi trẻ Quảng Nam", những chuyến đi mang lại không biết bao nhiêu niềm vui và nụ cười cho bà con ngày Tết. Mong cho anh và những người anh em của anh "chân cứng đá mềm", đi được thêm thật nhiều những chuyến đi nghĩa tình như thế. Mùa Xuân này thật ấm áp vì còn có những người như anh.