Phú Yên: Bệnh nhi 27 tháng tuổi tử vong do mắc cúm A/H1N1

MT,
Chia sẻ

Chiều 11/12, BS Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xác nhận, một bệnh nhi 27 tháng tuổi đã tử vong do mắc cúm A/H1N1.

Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người, và nhanh chóng bùng phát thành dịch, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong.

Các triệu chứng của virus cúm A/H1N1 ở người cũng tương tự như các triệu chứng cúm theo mùa và bao gồm sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh và mệt mỏi, đôi khi có thể tiêu chảy.

Bệnh liên quan đến virus cúm A/H1N1 có dao động từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những người bị bệnh có thể hồi phục mà không cần điều trị thuốc, nhưng cũng đã có trường hợp nhập viện và tử vong. Cũng như cúm theo mùa, những người dễ gặp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do cúm là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai và người ở mọi lứa tuổi có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Phú Yên: Bệnh nhi 27 tháng tuổi tử vong do mắc cúm A/H1N1 - Ảnh 1.

Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người, và nhanh chóng bùng phát thành dịch, diễn biến lâm sàng đa dạng, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, dễ dẫn tới tử vong.

Triệu chứng cúm A/H1N1 rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Để phân biệt bị cúm A/H1N1 hay nhiễm cúm thông thường, cách tốt nhất là làm xét nghiệm dịch mũi họng. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để khám ngay khi bạn có các triệu chứng nghi ngờ kể trên, đặc biệt là khi đang có mùa dịch cúm A/H1N1.

Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với các mức độ nặng khác nhau.

Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy, theo TS. Lâm, trong trường hợp trẻ bị mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp cho con; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu; tắm cho con bằng nước ấm trong phòng kín, tránh việc nhiễm lạnh. Ngoài ra, trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm.

Bên cạnh đó, hiện nay rất khó để phân biệt giữa cúm A/H1N1 với cúm mùa thông thường. Chính vì vậy, khi có triệu chứng như ho, sốt, đau đầu mọi người cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus Tamiflu khi trẻ mắc cúm mùa thông thường.

Chia sẻ