Một người sống tốt hay không, đều do phúc báo quyết định. Do đó, ông cha ta mới có câu: Làm người phải tu thân tích đức, nếu không hiểm họa khôn lường.
Chúng ta ở đời, làm việc kiếm tiền, hay gom về danh tiếng… mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là hạnh phúc, để bản thân sống thoải mái. Trong quá trình này, sống lương thiện và biết đối nhân xử thế là điều cần thiết để tích phúc.
Nghĩ kỹ lại, phúc báo cả đời của con người, thường ẩn chứa trong ba chi tiết này:
1. Vẻ ngoài
Phật gia có câu: “Có tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; có tướng vô tâm, tướng do tâm diệt”.
Đại ý chính là, bạn có “trái tim” như thế nào thì “dung mạo” thế đó. Tướng mạo của một người đẹp hay xấu, đều có liên quan đến “thiện ác” của nội tâm. Nếu ngoại hình không tệ, nhưng sống thiếu đức thì cuộc đời không thể suôn sẻ mãi mãi, làm chuyện gì cũng không như ý. Song, một người sống thiện lương, làm việc tốt mà không có tư tâm ẩn ý, dung mạo sẽ dần thay đổi, ít nhất cũng sẽ gặp nhiều may mắn, được quý nhân giúp đỡ.
Nói chung, ngoại hình của một người khi còn trẻ có liên quan đến gen di truyền của cha mẹ. Nhưng khi già đi, ngoại hình thay đổi theo trải nghiệm và hành vi của riêng họ. Đó là lý do tại sao người ta thường nói quá khứ của một người được viết trên khuôn mặt của chính họ.
Ở đây, chúng ta không dùng ngoại hình để đánh giá con người, nhưng giao tiếp thường bắt đầu từ những thứ toát ra bên ngoài. Ngoại hình có thể phản ánh chính xác tính cách của một người.
Do đó, ngoại hình ẩn chứa phúc lành cả đời. Muốn tích phúc, đầu tiên phải chịu trách nhiệm về dung mạo của mình. Mỉm cười nhiều hơn, làm nhiều việc tốt hơn, không ngừng học tập, có thể thay đổi bộ mặt tinh thần của bạn.
2. Trên bàn tiệc
Có một câu nói rất hay: "Con người giao tiếp với nhau, mười lần bắt tay, không bằng cùng uống một bữa". Cách trực tiếp nhất để kiểm tra nhân phẩm của một người là ăn uống với họ. “Rượu vào lời ra”, không ngoa một chút nào khi nói: Con người thể hiện đúng bản chất khi ăn!
Tại sao một bữa ăn, một chén say có thể đọc vị một người? Bởi vì một số người giỏi ngụy trang, căn bản không nhìn ra bộ mặt thật của họ. Nhưng trên bàn tiệc, đặc biệt là trong men say, bộ mặt thật sẽ sớm bị vạch trần.
Thậm chí không cần đến hơi rượu men say, chỉ cần dựa vào cung cách ứng xử trên bàn ăn cũng có thể biết được bản chất của một người.
Người có phúc không tham ăn háu uống, mà có chừng mực, biết nghĩ cho người khác. Ví dụ: Một người tinh tế và biết đối nhân xử thế sẽ quan tâm đến khẩu vị của đối phương và những ai ngồi cùng bàn với mình, chứ không phải chỉ chăm chăm vào món mình thích.
Do đó, chỉ một chi tiết nhỏ cũng ẩn chứa rất nhiều điểm phúc. Tích góp đủ nhiều, hạnh phúc nằm trong tầm tay.
3. Quan hệ gia đình
Phúc khí của một người được giấu trong hai loại tình cảm gia đình.
Đầu tiên là mối quan hệ với anh chị em. Anh em hòa thuận, cho dù nghèo đến mấy cũng sẽ hưng thịnh. Anh em bất hòa, cho dù gia tài bạc tỷ cũng bại vong. Đạo lý này ai cũng hiểu, nhưng một khi đứng trước tiền bạc và danh lợi, biết bao mâu thuẫn lại xảy ra, ruột thịt cũng tương tàn.
Do đó, sự hài hòa trong quan hệ anh chị em phải là ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai là mối quan hệ với cha mẹ. Tình thân chính là hiếu đạo. Duy trì và bồi đắp tình yêu thương dành cho ông bà, cha mẹ. Phận làm con cái, nỗ lực kiếm tiền cũng là để cha mẹ ở nhà có cuộc sống tốt hơn. Nhìn họ mỉm cười, bạn cũng an lòng vui vẻ, đúng không?
Hiếu kính cha mẹ là phúc khí lớn nhất của nhân gian. Nếu không biết đối xử tử tế với cha mẹ, gia đình hỗn loạn, như vậy phúc phần tốt đẹp cũng sẽ bị hủy hoại trong chốc lát.