Tối 20/5, báo Tuổi trẻ cập nhật thông tin từ Hạt kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận từ anh Hồ Văn Phương (sinh năm 1997, trú tại thôn Nam Trạch, xã Lộc An, huyện Phú Lộc) một con chim hồng hoàng Buceros bicornis (phượng hoàng đất), cân nặng khoảng 3,5kg, tình trạng sức khỏe ổn định.
Anh Phương cho biết, trước đó ngày 19/5, con chim bay lạc vào vườn nhà, vướng vào lưới chuồng nuôi gà nên anh cùng với người dân xung quanh tháo gỡ, nuôi nhốt.
Qua tìm hiểu, được biết đây là loài chim quý hiếm cần phải bảo vệ nên anh đã gọi cho kiểm lâm để bàn giao chim và thả về môi trường tự nhiên.
Hiện nay, Hạt kiểm lâm Phú Lộc đang hoàn tất các thủ tục cần thiết, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thả về môi trường tự nhiên.
Chim hồng hoàng đang được chăm sóc, bảo vệ, chờ thả về tự nhiên. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Chim hồng hoàng là loài thuộc họ Hồng hoàng Family Bucerotidae, chiều dài thân từ 119-122cm, bộ lông đen nhạt, gáy và cổ trắng, mỏ rất lớn- màu vàng nhạt, mủ mỏ lớn.
Hồng hoàng thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Một số hình ảnh về loại chim hồng hoàng quý hiếm và vô cùng bắt mắt:
Theo ghi nhận trên báo VTC News, hồng hoàng là loài chim rất hiếm gặp ở Việt Nam. Tại Tràng An (Ninh Bình), thi thoảng, người dân bắt gặp hồng hoàng bay lượn trên núi.
Hồng hoàng có bộ sừng vô cùng đặc biệt. Thoạt nhìn, người ta có thể lầm tưởng ai đó đã tinh nghịch buộc trên đầu chúng một chiếc hoa chuối rừng với màu vàng phối đỏ vô cùng bắt mắt. Các nhà khoa học đã không tìm ra công dụng của chiếc sừng này. Có thể, chúng chỉ là công cụ để hấp dẫn bạn tình.
Loài chim này sinh sống chủ yếu trong các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Hồng hoàng sống khá lâu, tuổi thọ đạt tới 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt.
Nhiều bộ lạc trong rừng sâu cho rằng chúng là loài chim có thế lực tối cao. Vì vậy, hồng hoàng được chọn làm linh vật. Hồng hoàng được dùng làm lễ vật cúng tiến và đón chào các vị thần trong các lễ hội.
Chiều dài toàn cơ thể của hồng hoàng từ 95 - 122 cm, sải cánh rộng tới 1,6 m.
Giống như hầu hết chim mỏ sừng khác, con đực có tròng mắt màu cam hoặc màu đỏ, con cái có đồng tử màu trắng và tròng mắt xanh lam. Khi còn nhỏ lông chúng có màu xám và dần chuyển sang đen tuyền khi trưởng thành. Nửa thân sau và phần đuôi có màu trắng muốt, điểm thêm là một vành đen óng.
Với tốc độ săn bắn khủng khiếp của con người để lấy thịt và làm đồ trang sức, loài chim này đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất lớn trong tự nhiên.