Thầy Giáp Văn Dương là tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore. Về nước từ năm 2013, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Làm thế nào để giúp trẻ nhỏ có được niềm vui đến trường? Làm thế nào để trẻ duy trì được sự tò mò và sáng tạo? Làm thế nào để trẻ nhỏ trở thành chính mình thay vì là bản sao của thầy cô và bố mẹ?...
Đó là một vài câu hỏi cơ bản mà bất cứ người làm giáo dục nào cũng phải quan tâm và tìm câu trả lời.
Với TS. Giáp Văn Dương - thành viên HĐQT Trường Tiểu học Times School (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản như thế này nằm ở phương pháp giáo dục. Vì thế, từ năm 2018, khi bước chân vào làm giáo dục phổ thông, ông đã phát triển phương pháp "đồng kiến tạo" để giúp trẻ có được niềm vui đến trường.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với TS. Giáp Văn Dương xung quanh phương pháp giáo dục này.
Thầy cô phải là người tươi mới hồn nhiên như học trò
- Đồng kiến tạo đang được nhắc tới như một phương pháp giáo dục đặc trưng ở Times School, Tiến sĩ có thể nói thêm về phương pháp này?
Thời gian vừa qua, chúng ta thấy khẩu hiệu "Trường học hạnh phúc" được treo ở khắp mọi nơi. Đó là mong muốn của những người làm giáo dục, là mục tiêu chính đáng để vươn tới của mọi nhà trường, nhưng rất tiếc, kết quả không được như mong đợi.
Vì sao lại như vậy?
Vì giữa khẩu hiệu của lý trí đầy tính mục tiêu của nhà trường và hạnh phúc thực sự của học sinh là một khoảng cách xa vời vợi. Khoảng cách đó khó có thể lấp đầy không phải vì cơ sở vật chất của nhà trường không đầy đủ hay mục tiêu giáo dục không rõ ràng, mà do phương pháp giáo dục hiện thời xung đột về bản chất với mục tiêu trở thành trường học hạnh phúc này.
Nếu quan sát học sinh, chúng ta sẽ thấy các em rất hạnh phúc trong giờ ra chơi, và không ở trong lớp học thì không như vậy.
Trong lớp học có điều hòa nhiệt độ, có thầy cô tận tình hướng dẫn, có bài học được thiết kế cẩn trọng, có học cụ học liệu cần thiết để sử dụng… nhưng trẻ vẫn không vui, chán học, thậm chí đau khổ vì việc học.
Còn khi ra chơi ở ngoài sân, trời có thể nắng nóng, trẻ phải tự chơi với nhau và có thể chảy mồ hôi nhễ nhại. Nhưng trẻ thực sự vui, thực sự hạnh phúc trong giờ ra chơi.
Việc này có thể được kiểm chứng với chính người lớn chúng ta. Khi đã trưởng thành và rời ghế nhà trường, những điều chúng ta nhớ nhất thường xuất hiện ở trong giờ ra chơi, chứ không phải là những bài học được thầy cô tâm huyết truyền thụ.
- Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Theo tôi, trẻ có được hạnh phúc trong giờ ra chơi vì ở đó, trẻ được là chính mình. Chỉ khi được là chính mình, được tự do thể hiện con người mình, thì trẻ mới có hạnh phúc. Còn trong lớp học, trẻ không được là chính mình, nên không có hạnh phúc.
Vậy tại sao trẻ lại không được là chính mình khi ở trong lớp học? Vì ở đó trẻ phải tuân thủ các yêu cầu của người khác. Điều đó đẩy trẻ theo hướng phải suy nghĩ, nhận thức, nói và hành động theo tiêu chuẩn người khác. Đặc biệt, khi các tiêu chuẩn này được chuẩn hóa và đưa vào chương trình giáo dục, thì trẻ bắt buộc phải tuân thủ.
Mâu thuẫn giữa việc phải đạt được các chuẩn này để đảm bảo chương trình và niềm vui học tập bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên gay gắt. Thường thì chương trình giáo dục, dưới sự triển khai bài bản của cả hệ thống giáo dục sẽ thắng. Trẻ phải đáp ứng và tuân thủ, nhưng trẻ không hạnh phúc. Và dù rất muốn trẻ được hạnh phúc, nhưng trong tình thế đó, chúng ta gần như không có cách nào để bắt trẻ "phải hạnh phúc" như mong muốn của chúng ta.
- Vậy giải pháp cho tình huống lưỡng nan này là gì?
Câu trả lời là phương pháp giáo dục. Chúng ta cần phát triển một phương pháp giáo dục mới sao cho trẻ luôn được là chính mình trong suốt quá trình học.
Vậy làm thế nào để được là chính mình trong suốt quá trình học?
Câu trả lời là tạo ra chính mình, vì tạo ra chính mình là con đường chắc chắn nhất để được là chính mình. Nói cách khác, trong quá trình học, trẻ phải được trao quyền và tạo cơ hội để tạo ra chính mình thông qua một tiếp cận giáo dục mới. Tôi gọi đó là tiếp cận đồng kiến tạo.
Nhờ tiếp cận đồng kiến tạo này mà phương pháp giáo dục đồng kiến tạo ra đời, có thể tùy biến để áp dụng với nhiều môn học và bậc học khác nhau.
Văn mẫu – toán dạng làm trẻ mất khả năng sáng tạo và niềm vui học tập
- Tiến sĩ có nói nhà trường chủ trương nói không với văn mẫu - toán dạng, vậy cách thức thực hiện cụ thể như thế nào?
Nếu phương pháp giáo dục truyền thống có thể cô gọn trong bốn bước "thầy giảng giải; trò hiểu; trò nhớ; thầy kiểm tra sự hiểu sự nhớ đó" thì phương pháp đồng kiến tạo vượt qua quy trình có tính áp đặt này.
Do khâu cuối cùng của quy trình này là các bài thi, nên điểm số của các bài thi được đánh đồng với chất lượng giáo dục, nên trong thực tế, toàn bộ việc học có thể co sập thành một một tiêu duy nhất: Học để thi.
Cách học để thi tốt nhất là học theo "văn mẫu - toán dạng". Tuy trực tiếp mang lại điểm cao cho học sinh khi tham gia thi cử, nhưng "văn mẫu – toán dạng" thực sự giết chết niềm vui khám phá tri thức và sự sáng tạo của cả thầy cô và học sinh.
Đó là ở trường. Còn ở nhà tình trạng cũng không khá gì hơn. Trẻ luôn phải tuân thủ mà rất ít khi được giải thích tại sao, vì người lớn chúng ta thường thiếu thời gian, nên luôn có cảm giác bị áp đặt và bắt nạt.
Trẻ muốn được là chính mình, vì khi được là chính mình thì rất vui và có được hạnh phúc, nhưng trẻ luôn loay hoay không biết làm cách nào để được là chính mình.
Nhờ đó, trẻ phải được chủ động tham gia vào việc tạo ra tri thức, nhân sinh quan, thế giới quan, kỹ năng sống, giá trị sống… của chính mình qua việc khám phá, trải nghiệm và thẩm soát những gì mình đang được học.
Thay vì nghe thầy giảng để hiểu, nhớ những tri thức đã được chuẩn hóa thông qua việc tiếp thu một chiều, trẻ cần được tham gia hành trình khám phá và thẩm soát chính những tri thức đó.
Nhờ đó, trẻ tạo ra sự hiểu biết và trưởng thành cho chính mình, tức tạo ra chính mình, ngay trong quá trình học. Kết quả là trẻ luôn được là chính mình trong quá trình học, dù ở trong lớp hay ngoài sân, vì thế có được niềm vui đến trường mỗi ngày.
Cũng như phương pháp đồng kiến tạo là người lớn (thầy cô, cha mẹ) không phải là người truyền thụ kiến thức mà là người định hướng, tư vấn. Học trò là người chủ động trong khám phá dưới sự dẫn dắt của thầy, khi học sinh tự khám phá, chiếm lĩnh tri thức mới hiểu chúng 1 cách rõ nhất.
Trước đây cách dạy học là truyền thụ đường đi của 1 nhà khoa học và cho rằng học sinh nên đi theo con đường đó. Nhưng ngày nay phải là để học sinh tự khám phá tìm đường đi. Nguyên lý và đường đi của nhà khoa học chỉ có tính định hướng, còn biết đâu trẻ sẽ tìm đường đi ngắn hơn và thú vị hơn. Đây cũng là một cách đồng kiến tạo ra 1 con người tự chủ.
Ví dụ như con đường học tập của học trò có thể ví như đường ra Bờ Hồ, nhiệm vụ của người làm giáo dục là không dẫn trò đi 1 con đường mà phải tư duy về cách xử lý ứng với hoàn cảnh thực tế để chọn 1 đường đi phù hợp nhất.
Các bạn nhỏ cần hiểu không bao giờ chỉ có 1 lựa chọn, sẽ có nhiều hướng khác mở ra. Thậm chí học sinh có quyền đưa ra lựa chọn kể cả là vô lý, lúc đó tính sáng tạo mới có cơ hội được phát triển. Con người nói chung họ sẽ học được nhiều hơn từ sự thất bại chứ không phải thành công.
Hãy trao quyền và trao cơ hội để trẻ trở thành chính mình
- Vậy thầy cô sẽ trao quyền cho học trò như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Thầy cô trao quyền bằng cách… thực sự trao quyền (cười). Cụ thể hơn: Thầy cô tạo điều kiện, tạo không gian, tạo cơ hội… cho trẻ được khám phá và thẩm soát những điều mà nội dung bài học hướng tới, thay vì áp đặt hoặc xác nhận ngay lập tức.
Chẳng hạn, với câu hỏi "4 5 bằng mấy", thường chúng ta sẽ có xu hướng xác nhận ngay lập tức kết quả 4 5=9. Trẻ chỉ cần ghi nhớ câu trả lời này mà không cần kiểm chứng. Nhưng sở dĩ chúng ta xác nhận ngay được câu trả lời này, vì chúng ta đã biết kết quả từ trước.
Còn với trẻ, đó là cả một sự mới mẻ. Làm sao để biết 4 5=9, hay bằng một số nào khác? Cách duy nhất là tự mình kiểm chứng. Chỉ khi đó, câu trả lời mới thực sự là của trẻ.
-Theo Tiến sĩ, điểm khó khăn nhất khi triển khai phương pháp đồng kiến tạo là gì?
Khi triển khai phương pháp đồng kiến tạo, người lớn chúng ta không được làm hộ, làm thay trẻ, mà chỉ có thể khơi gợi, hướng dẫn và đồng hành với trẻ. Đặc biệt quan trọng là chúng ta cần giúp trẻ thẩm soát những gì chúng ta hướng tới trong giáo dục. Chỉ có như thế, kiến thức trẻ thu được mới thực sự là của trẻ.
Tuy nhiên, do người lớn chúng ta có vị thế tự nhiên cao hơn so với trẻ, do vai trò, tuổi tác, thẩm quyền và hiểu biết, nên cũng một cách tự nhiên, chúng ta có xu hướng áp đặt câu trả lời của mình cho trẻ. Và trẻ cũng có xu hướng chấp nhận câu trả lời đó mà không cần chất vấn, thẩm soát.
Vì thế, để triển khai được phương pháp đồng kiến tạo này, thầy cô cần phải tự đưa mình về trạng thái KHÔNG, hiểu nôm na là phải tự xác lập một tâm thế cởi mở, hồn nhiên và trống rỗng, không định kiến khi làm việc với học trò. Nhờ đó, thầy cô sẽ ở cùng điểm xuất phát và có cùng sự hào hứng như học trò trong hành trình khám phá tri thức mới.
Nói như Socrates, thầy cô phải có được tâm thế "tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả", thì mới có thể đồng kiến tạo với học trò.
Như vậy, tự vượt qua chính mình để xác lập tâm thế KHÔNG, để đặt mình vào vị thế của học trò, từ đó đồng hành cùng học trò, là khó khăn lớn nhất của người thầy khi triển khai phương pháp giáo dục đồng kiến tạo.