Xe máy do L.Tr.Ng., 14 tuổi, chở bạn phía sau chạy trên dải đường có vận tốc cho phép đến 100km/giờ đã va chạm với xe của lực lượng tuần tra giao thông, ngã ra đường rồi bị một xe khách phía sau tông trúng. Hậu quả, Ng. bị thương còn người bạn tử vong.

Quá ám ảnh và đau lòng khi xem giây phút va chạm giữa ô tô và xe máy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Hữu Khoa

Camera trên chính xe khách cho thấy có sự truy đuổi, khống chế của phương tiện tuần tra với xe máy. Khi xe máy quẹo ra cũng là lúc ô tô tuần tra lạng vào, tốc độ cao khiến sự kiểm soát là vô phương nên điều may mắn đã không xảy ra đối với các bên.

Chứng kiến những hình ảnh ghi lại, dư luận đã có những phản ứng trái chiều. Rất nhiều bạn đọc cho rằng dù chưa có kết luận từ cơ quan chức năng nhưng xem ra tất cả đều sai khi xe máy vào cao tốc, ô tô tuần tra chuyển làn bất ngờ.

Nhonlevan xót xa tính mạng của thiếu niên ngồi sau và đề nghị xử lý hành vi của tài xế xe tuần tra. "Xe tuần tra vượt bên phải xe gắn máy rồi cúp đầu qua trái kiểu đó là vô cùng nguy hiểm. Mong cơ quan điều tra làm rõ hành vi của xe tuần tra này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - bạn nói. 

Bạn đọc Hoang Son chung quan điểm: "Xe tuần tra đánh lái sang trái va vào xe máy gây nên tai nạn thương tâm. Cần phải khởi tố điều tra".

Nguyễn Song Giang cũng nói: "Tuy biết xe mô tô vi phạm luật an toàn giao thông nhưng xe tuần tra cúp đầu xe mô tô trên đường cao tốc gây tai nạn nghiêm trọng. Khi phát hiện người vi phạm giao thông phải có kế hoạch ngăn chặn kịp thời an toàn. Lỗi này tuy do thiếu niên lái xe mô tô vào đường cao tốc nhưng xe tuần tra, xe khách cũng phải có trách nhiệm".

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng cần nhìn vấn đề từ gốc rễ. Trong đó, nickname TinhB đặt câu hỏi xe máy mà được đi trên cao tốc à, còn Minh Minh nhận xét: "Mới 14 tuổi, không đội mũ lại chạy vào cao tốc đánh võng... Xe tuần tra cũng có lỗi chút vì ép hơi đột ngột. Ông xe khách thì đuổi theo xem quay video…".

Nonghuuduc78@… cho rằng đây là lời cảnh tỉnh cho những ai không tuân thủ luật giao thông. Trong khi đó, BENZ nhận định thiếu bình tĩnh là đáng trách nhất…

Còn nhớ, hồi đầu tháng này, Báo Người Lao Động trong bài viết "Học sinh chạy xe máy: Những rủi ro lớn". Theo đó, có thực trạng đáng buồn khi nhiều phụ huynh giao phó sự an toàn của con cái mình cho hành vi rất thiếu an toàn của chính họ, đó là để trẻ tự đi xe máy đến trường. Nhiều tai nạn thương tâm đã được dẫn ra và cách nhìn nhận vấn đề của lực lượng chức năng đã rất chính xác khi tập trung xử lý những rủi ro này.

Quá ám ảnh và đau lòng khi xem giây phút va chạm giữa ô tô và xe máy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh 3.

CSGT xử lý học sinh vi phạm ở ngã tư Cao Văn Lầu - Hậu Giang (quận 6, TP HCM) - Ảnh: ANH VŨ

Theo đó, chỉ riêng tại TP HCM, từ ngày 15-12-2022 đến 6-11-2023, CSGT toàn toàn thành phố đã lập 3.747 biên bản xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 3.623 phương tiện. Phổ biến nhất là các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm… Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết đã liên tục ra quân kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình hình "chưa hạ nhiệt rõ rệt".

Liên hệ với câu chuyện thiếu niên 14 tuổi lái xe trên cao tốc ở trên, dù nguyên nhân dẫn tới sự việc thương tâm đến từ nhiều phía, trong đó có thể gồm kỹ năng xử lý tình huống hoặc cảm xúc, thái độ cực đoan của tài xế xe tuần tra nhưng rõ ràng trách nhiệm của những người giao xe cho nạn nhân phải được tính đến. Bởi khi đưa chìa khóa cho trẻ, họ đã gián tiếp thúc đẩy một rủi ro ra đối đầu với rủi ro lớn hơn.

Đừng để những thương tâm đến từ sự thiếu trách nhiệm.