Theo các bác sĩ, trẻ em đang trong độ tuổi thanh thiếu niên hay còn gọi là tuổi ăn tuổi lớn thì cần phải được ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để đảm bảo cơ thể đủ khỏe mạnh để bước vào giai đoạn dậy thì – giai đoạn phát triển nhanh nhất của trẻ em. Đặc biệt, dù bận rộn học hành đến đâu đi chăng nữa, trẻ trong độ tuổi từ 14 – 17 tuổi cũng cần phải được ngủ từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, mới đây, một học sinh tên là Siti Raisa Miranda (16 tuổi), đến từ Nam Kalimantan (Indonesia), đã ngủ một mạch 7 ngày liên tục. Quá hoảng sợ, cha mẹ của cô bé đã đưa con đi khám và được bác sĩ kết luận Echa (tên gọi thân mật ở nhà của Siti) có thể đã bị mắc phải hội chứng động kinh dẫn đến hiện tượng "công chúa ngủ trong rừng".
Anh Mulyadi, cha của Echa, cho biết: "Con tôi bắt đầu đi ngủ từ ngày 1/4, cho đến hôm tôi chở con đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực thì con tôi đã ngủ sang ngày thứ 8. Mặc dù trong suốt 8 ngày đó, chúng tôi liên tục gọi con dậy nhưng Echa ngủ rất say, không có cách nào gọi dậy được. Lo lắng quá nên vợ chồng tôi đưa con đi khám và bác sĩ bảo Echa mắc bệnh động kinh".
Thấy bác sĩ cũng chẳng thể làm cho con gái thức dậy được, anh Mulyadi quyết định đưa con về nhà: "Ở bệnh viện cũng chỉ truyền nước thôi. Chúng tôi đưa con về nhà để chăm sóc".
Về đến nhà, tình trạng của Echa vẫn không thay đổi. Cô bé vẫn ngủ ngon lành, và cứ mỗi lần bị bố mẹ đánh thức để ăn uống thì Echa đều tỏ vẻ yếu ớt do còn rất buồn ngủ.
Anh Mulyadi cũng tiết lộ thêm rằng con gái mình đã bắt đầu vướng vào tình trạng ngủ nhiều ngày từ khi được 13 tuổi. "Kể từ đó, con gái tôi thường xuyên bị mất ngủ. Dù vậy, Echa vẫn hoạt động bình thường, vẫn đi học, làm bài tập, chơi với bạn... Nhưng khi đã buồn ngủ thì sẽ ngủ liên tục mấy ngày liền như thế này. Vậy nên, tôi hy vọng các bác sĩ sẽ có cách giúp con tôi thoát khỏi hội chứng công chúa ngủ trong rừng để con có một cuộc sống bình thường như mọi người", ông bố hy vọng.
Có hội chứng "công chúa ngủ trong rừng" không?
Nhà nghiên cứu thần kinh và giấc ngủ, Tiến sĩ Rimawati Tedjakusuma cho biết có thể Echa đã mắc phải hội chứng Kleine-Levin. Đây là căn bệnh gây ra các giai đoạn buồn ngủ quá mức lặp đi lặp lại. Trong một số trường hợp, thời gian ngủ lên đến 20 giờ một ngày, thậm chí có người còn ngủ đến 10 năm. Vì vậy tình trạng này thường được gọi là hội chứng công chúa ngủ trong rừng.
Theo thống kê từ năm 1967 đến năm 2004, trên toàn thế giới mới chỉ có 186 người mắc phải hội chứng kỳ lạ này, trong số đó đa phần đều là phụ nữ.
Các triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở những người mắc hội chứng Klein Levine là những người ngủ rất lâu. Thời gian ngủ có thể kéo dài gần một tháng. Người bệnh có thể thức dậy đột ngột để ăn uống và đi vệ sinh, nhưng ngay sau đó sẽ lại tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Đặc biệt, trước khi chìm vào giấc ngủ, tình trạng mất ngủ sẽ xảy ra với người bệnh trong một thời gian ngắn.
Tiến sĩ Rimawati chia sẻ có thể Echa đã mắc phải hội chứng Klein Levine. Vì theo lời của cha cô bé, Echa đã mất ngủ gần 2 tuần, thậm chí có khi 3 ngày liền không hề chợp mắt một tí nào.
Ngoài ra, tiến sĩ Rimawati cũng nghi ngờ rằng: "Có thể trong não của bé gái có cái gì đó, chẳng hạn như khối u nằm trong khu vực điều chỉnh giấc ngủ, nên sau khi cô bé tỉnh dậy cần phải được đưa đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát".
Nguồn: W.OB, Kompas