Cũng còn may - nói theo kiểu AQ của người Việt, vết thương mới xé rách đùi của cô gái. Nếu nó trúng vào mắt thì giờ cô đã mù. Nếu nó không trúng vào cô mà trúng vào mặt em bé nào đó đi cùng cha mẹ, thì có lẽ trên sân Hàng Đẫy tối hôm ấy, tiếp theo tai nạn có thể là án mạng.
Ý thức? Đầu tiên nhưng không phải yếu tố quyết định
Ý thức của một số cổ động viên (CĐV) là yếu tố đầu tiên bị xã hội lên án. Các bài báo còn rất nhẹ nhàng khi dùng từ "quá khích" để gọi các CĐV dạng này. Rất nhẹ nhàng và do đó, hơi xa bản chất.
Có thể nói trong và ngoài sân vận động là hai thế giới khác nhau. Trên sân, CĐV được quyền rũ bỏ nhiều quy tắc xử sự nghiêm trang của đời sống thường ngày, tự do bộc lộ cảm xúc yêu ghét có khi đến mức cực đoan. Không khí bừng bừng của trận đấu thể thao dung chứa và cổ vũ mọi hành vi máu lửa, "xõa" mà ở không gian khác có thể bị xem là quái lạ hay dị thường. Một ông 80 tuổi tha hồ vẽ mặt vằn vện, đeo sừng trâu, mặc đồ cosplay quái thú và gõ trống ầm ầm trong sân Hàng Đẫy - càng được yêu thích và tán thưởng. Nhưng nếu ông ăn mặc và cư xử như thế ở nhà, chắc chắn hàng xóm sẽ cười khúc khích sau lưng. Đấy là nói cách nhẹ nhất.
Khoảng thời gian này có tác dụng như liều thuốc giải stress cực độ. Do vậy, không phải khán giả nào đến sân vận động cũng là CĐV yêu thích và hiểu biết thể thao. Không ít người chỉ muốn nương theo sự tự do và cuồng nhiệt trên sân để giải phóng năng lượng thừa, hoặc giải tỏa cảm xúc riêng tư một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Cho nên, trong sân, mọi người đều dễ rộng lượng với những hành vi hơi quá đà như hò hét to tiếng, cổ vũ cuồng nhiệt. Mọi khúc mắc nho nhỏ đều dễ được bỏ qua với một cái cười xòa. Thậm chí việc mắng chửi nhục mạ vận động viên, huấn luyện viên đội nhà (và đội bạn) còn được nhiều người đồng tình khoái chí. Nói gì đến đốt quả pháo sáng khiến không khí thêm tưng bừng, lễ hội.
Đặc biệt, khi bóng đá không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn là thú vui cờ bạc của không ít người thì càng dễ có những hành vi cực đoan, đồng thời dễ xuê xoa với nhau. Thế nên pháo sáng đã được đốt mù mịt trong nhiều sân vận động từ nhiều năm nay, nhưng không mấy ai thực sự quan tâm việc chấm dứt nó.
Pháo sáng không vô hại như người ta tưởng
Trang webthethao liệt kê những loại pháo sáng thường được CĐV Việt Nam sử dụng như sau:
- Pháo sáng loại chuẩn: Giá khoảng 120.000 đồng, cháy trong 60 giây. Nhiệt độ cực đại 1.600 độ C. Có thể gây cháy quần áo trong vài giây, gây bỏng cấp độ 4 vào cơ hoặc xương.
- Pháo sáng của hải quân: Giá khoảng 150.000 đồng, cháy trong 90 giây. Nhiệt độ cực đại 2.200 độ C, đủ làm tan chảy thép, không thể bị dập tắt bằng nước thông thường.
- Pháo khói: Giá khoảng 120.000 đồng, phát ra lượng khói lớn, phát tán các hóa chất độc hại cao. Hít vào nhiều lần sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến hô hấp.
Trái pháo lịch sử ở sân Hàng Đẫy là pháo hiệu. Theo luật, pháo hiệu chỉ được dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự. Có nghĩa việc có mặt của nó trong sân vận động là phạm pháp.
Theo pháp luật và các quy định của Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam, người nào dùng pháo sáng trái phép thì bị tịch thu và phạt đến 2 triệu đồng. Nếu Ban tổ chức (BTC) trận đấu để xảy ra đốt lửa hay đốt pháo sáng trong sân gây ảnh hưởng đến sức khỏe người khác, mức phạt là 20 - 70 triệu đồng, cộng thêm phạt không được bán vé khi thi đấu trên sân nhà, hoặc phải dời đến sân trung gian.
Luật pháp đã có và khá rõ, vậy tại sao người ta vẫn đốt nó mịt mù sân Hàng Đẫy?
Có vài lý do sau:
- Thực thi không nghiêm.
- Bản thân luật có lỗ hổng.
- Nhiều quan chức lãnh đạo ngành bóng đá và cả truyền thông đã sai đối tượng khi chỉ tập trung kêu gọi ý thức của CĐV.
- Và quan trọng nhất, đó là mức phạt nhẹ hều.
Mức phạt nhẹ hều, sao có thể răn đe?
Trang webthethao liệt kê vài trường hợp BTC các sân bị phạt vì nhóm người được cho là CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng như sau:
- Tháng 10/2017, BTC sân Cẩm Phả nhận án phạt 20 triệu đồng ở vòng 23 V-League.
- Tháng 10/2017, BTC sân Thanh Hóa bị phạt 20 triệu đồng ở vòng 20 V-League.
- Tháng 6/2017, Ban kỷ luật VFF đưa ra án phạt cấm CĐV Hải Phòng tới sân khách cổ vũ kể từ vòng 15 V-League 2017. Án kỷ luật được đưa ra sau khi CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng, ném pháo sáng xuống sân trong trận đấu giữa Hà Nội FC gặp Hải Phòng FC tại sân Mỹ Đình.
- Tháng 1/2017, BTC sân Lạch Tray nhận án phạt 20 triệu đồng ở vòng 1 V-League.
- Tháng 8/2016, BTC sân 19/8 Nha Trang bị phạt 15 triệu đồng ở vòng 21 V-League.
- Tháng 8/2016, BTC sân Lạch Tray nhận án phạt 30 triệu đồng ở vòng 20 V-League.
- Tháng 5/2016, BTC sân Hàng Đẫy nhận án phạt 15 triệu đồng ở vòng 9 V-League.
Bạn nhìn xem, mức phạt cho BTC có vài chục triệu! Chẳng đáng là bao so với chi phí thực hiện các biện pháp giữ trật tự nghiêm cẩn. Ví dụ lắp đặt các cổng từ, tăng nhiều vòng kiểm soát, tăng lực lượng giữ an ninh (đều tốn tiền thuê người cả, tính ra nhiều hơn mức phạt 20 triệu nhiều lần).
Cộng với tâm lý dễ dãi của cả BTC lẫn các bên giám sát theo kiểu: "trước giờ trận nào chả đốt pháo sáng ầm ầm mà có chuyện gì đâu", hay "cổ vũ bóng đá mà bắt phải hiền lành thục nữ như nghe nhạc thính phòng thì ai thèm vào sân"... thì luật đề ra đấy cũng như không. Hầu như ai cũng thấy tâm lý này hợp lý quá chừng.
Nếu việc thực thi và giám sát nghiêm khắc hơn, sự thể đã khác.
Báo chí cho biết, trước trận đấu, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có công văn đề nghị BTC trận đấu là CLB Hà Nội lắp 4 cổng từ tại các điểm vào sân để kiểm soát CĐV đội khách, cùng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ khác. Nhưng BTC đã không thực hiện phương án an ninh đã được thống nhất, dẫn đến hiện tượng được báo chí mô tả là "sân Hàng Đẫy thất thủ trong cơn mưa pháo sáng".
Nhưng trước đó, trong vòng 11 V-League 2018, sân Thống Nhất đã làm tốt việc kiểm soát an ninh đến nỗi không một quả pháo sáng nào lọt vào sân. Sân Lạch Tray cũng được khán giả khen ngợi là sân vận động không pháo sáng, trong trận đấu giữa CLB Hải Phòng và CLB Bình Dương.
Do vậy, tuy đập vào mắt nhưng ý thức của khán giả, CĐV lại không phải là yếu tố quyết định trong hành trình lập lại an ninh trên các sân đấu.
Đấy là chưa kể đến tâm lý của các hooligan. Họ không phải là CĐV quá khích, có thể bị kích thích nhất thời với không khí trên sân đấu nhưng không vượt qua vạch giới hạn quá xa. Hooligan là những kẻ phá hoại trong bản chất: Họ kích động và phá hoại nhiều khi không nhằm mục đích cụ thể nào mà chỉ để thỏa mãn ý thích thách thức và đi ngược lại luật pháp mà thôi. Với hooligan, không thể kêu gọi ý thức như các lãnh đạo ngành bóng đá đang làm, mà phải trừng trị thích đáng bằng luật pháp.
Với nhân tố quyết định khác là BTC, pháp luật phải khiến cho họ cân nhắc lợi - hại giữa việc tuân thủ nghiêm ngặt với phớt lờ quy định.
"Treo sân", cấm trận - tại sao không?
Sau vụ đổ máu hôm qua, CLB Hà Nội đã phải đối mặt với án "treo sân" suốt mùa giải - đồng nghĩa với thiệt hại rất lớn về doanh thu bán vé và quảng cáo. Nếu mức phạt này được thực hiện, tôi dám đảm bảo từ nay về sau CLB Hà Nội sẽ là cái tên rực rỡ nhất trong nỗ lực giữ sân vận động an toàn yên bình như một khu nghỉ dưỡng.
Vì thế luật có lẽ cần phải sửa theo hướng tăng thật nặng mức phạt với cả BTC lẫn cá nhân người vi phạm ngay tại lần vi phạm đầu tiên, ví dụ cứ để xảy ra vi phạm là bị "treo sân" (không như hiện nay, phải tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể bị "treo sân"). Như thế chắc chẳng còn mấy BTC các sân dám phớt lờ hoặc thực hiện các biện pháp an ninh qua loa cho có.
Những người đốt pháo sáng hoặc có hành vi quá khích gây mất an toàn cho người khác, cần bị cấm đến sân trong thời gian dài – như ngành hàng không cấm bay đối với những hành khách bạo lực vậy. Tùy theo mức độ vi phạm có thể áp dụng luật hình sự, bồi thường mọi chi phí thiệt hại và ngồi tù.
Và như thế, không cần phải kêu gọi nhiều ý thức hay đạo đức, vụ Hàng Đẫy có thể là cột mốc lịch sử để lập lại an toàn trên các sân vận động từ nay.