Quả sung không chỉ là món ăn vặt
Quả sung còn có tên khác là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả... Chúng ta vẫn thường sử dụng quả sung như một gia vị thêm vào món nước chấm ốc cay cay, làm sung muối như một loại rau ăn kèm cơm, hay ăn những trái sung chín căng mọng, ngọt ngào.
Nhưng có một thực tế, quả sung không chỉ là một loại quả quê dùng để ăn vặt đơn thuần. Đây còn là một vị thuốc chữa bệnh, tăng cường sức khỏe được Đông y vô cùng trân quý.
Quả sung còn có tên khác là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả...
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong Đông y, quả sung có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu thũng, giải độc, kiện tỳ thanh tràng. Người ta thường sử dụng quả sung để chữa viêm họng, khản tiếng, tiêu hóa kém, viêm ruột, kiết lỵ, đại tiện bí kết, trĩ sang (trĩ lở loét), thoái giang (lòi dom, sa trực tràng), sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn phong thấp…
Y học hiện đại cho rằng, quả sung chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citic acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali... và một số vitamin như C đem lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Một số lợi ích sức khỏe của quả sung bao gồm ngăn ngừa táo bón, tăng tiết sữa cho sản phụ sau sinh, giúp giảm cân, giảm cholesterol, tăng cường ham muốn tình dục, ngăn ngừa bệnh tim mạch vành, ung thư ruột kết, tốt cho bệnh nhân tiểu đường, phòng chống tăng huyết áp, ngăn ngừa sự thoái hóa điểm vàng…
Y học hiện đại cho rằng, quả sung chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citic acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, photpho, kali...
Sung là loài cây có lịch sử hàng ngàn năm với phạm vi sinh sống trải rộng khắp nơi trên thế giới. Quả sung không phải là thực phẩm được sử dụng phổ biến nhưng từ lâu sung là một thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc nhờ tác dụng trị bệnh của nó. Pectin là chất xơ phổ biến trong thành phần của quả sung, có khả năng hấp thụ cholesterol từ hệ tiêu hóa và đưa ra ngoài cơ thể.
Bài thuốc chữa bệnh từ quả sung
Công dụng của quả sung được y học cổ truyền cũng như y học hiện đại công nhận. Do đó, bạn hoàn toàn có thể áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ loại quả quen thuộc này. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh được BS Hoàng Khánh Toàn đưa ra:
Sung là loài cây có lịch sử hàng ngàn năm với phạm vi sinh sống trải rộng khắp nơi trên thế giới.
- Viêm họng: Bạn sử dụng sung tươi sấy khô, tán bột rồi lấy một chút thổi vào họng, hoặc sung tươi gọt vỏ, thái phiến, sắc kỹ lấy nước, cho thêm đường phèn rồi cô nhỏ lửa thành dạng cao, ngậm hàng ngày.
- Ho khan không có đờm: Lấy một lượng sung chín vừa đủ, rửa sạch, giã nát, rồi vắt lấy nước ép, uống mỗi ngày một lần sẽ trị chứng ho khan có đờm rất tốt.
- Táo bón: Sung tươi 9g sắc uống hàng ngày. Hoặc ăn sung chín mỗi ngày 3 - 5 quả. Hoặc lấy 10 quả sung tươi đem rửa sạch bổ đôi, ruột già lợn một đoạn làm sạch thái nhỏ, hai thứ đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Sung sao khô, tán bột, mỗi ngày uống 2- 3 lần, mỗi lần 6-9 g với nước ấm.
Ăn sung chín mỗi ngày 3 - 5 quả sẽ giúp chữa táo bón hiệu quả.
- Rối loạn tiêu hóa: Sung 30 g, thái nhỏ, sao hơi cháy, mỗi lần lấy 10 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày.
- Viêm khớp: Sung tươi lượng vừa đủ đem hầm với thịt lợn nạc ăn. Hoặc sung tươi 2-3 quả rửa sạch thái vụn rồi tráng với trứng gà ăn.
- Mụn nhọt, lở loét: Sung chín sao khô, tán bột rồi rắc lên tổn thương. Để đạt hiệu quả cao, trước đó có thể ngâm rửa tổn thương bằng nước sắc quả hay lá sung tươi, sau đó lau khô rồi rắc bột thuốc và băng lại.
Ngoài ra, nhựa ở quả sung cũng được sử dụng để chữa bệnh hiệu quả. Nếu bị mụn nhọt hay sưng vú, chỉ cần rửa sạch vùng tổn thương, lau khô và chấm nhựa sung lên trực tiếp, bôi nhiều lần trong ngày sẽ giúp chữa sưng rất tốt, đồng thời giúp giảm đau nhanh chóng.
Lưu ý khi ăn quả sung: Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn quả sung nếu có vấn đề nghiêm trọng về thận. Quả sung chứa oxalate – hợp chất tự nhiên có thể gây hại khi tích tụ trong máu. Thông thường, thận sẽ lọc bỏ hợp chất này ra nhưng khi không khỏe mạnh, thận sẽ không thể thực hiện chức năng này. Ăn quá nhiều sung cũng có thể làm tình trạng sức khỏe thận, mật gặp vấn đề. Do đó cần hết sức lưu ý khi tiêu thụ loại trái cây này.