BV Nhi TƯ vốn dĩ đã luôn quá tải, nhưng có mặt ở khoa Truyền nhiễm – BV Nhi Trung ương vào tối 10/4, chứng kiến cảnh quá tải khủng khiếp khi toàn bộ khoa này hiện dành riêng cho bệnh nhân sởi mới hiểu được vì sao lãnh đạo BV này phải “kêu cứu” Bộ Y tế để tìm cách tháo gỡ vì tình trạng quá tải đã đến mức không thể chịu đựng được.
Quá tải giường bệnh đã tăng gấp đôi nhưng quá tải lượng công việc thì đã tăng gấp 3 vì nhiều bệnh nhân nặng, cán bộ y tế làm việc quần quật trong tình trạng quá tải suốt hơn 1 tháng nay. Đến gần 9 giờ 30 tối mà vẫn có bác sỹ chưa được ăn cơm tối.
Trong khi đó, ngoài phòng khám, số bệnh nhi đến khám cấp cứu vẫn rất đông. Trong khi BV đang ‘oằn mình’ chống chọi với dịch sởi bùng phát với nhiều ca nặng, diễn biến bất thường so với mọi năm thì Bộ Y tế vẫn khẳng định dịch sởi năm nay không có gì bất thường, “vẫn nằm trong tầm kiểm soát”.
Chùm ảnh PV ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm và khoa khám bệnh – BV Nhi TƯ tối 10/4:
Cả khoa Truyền được dành để phục vụ điều trị bệnh nhân sởi. Thời điểm này các cháu đều phải nằm ghép 2-3 cháu/giường
Buồng bệnh này có diện tích khoảng 10 mét vuông, theo thiết kế chỉ kê được 2 giường nhưng vì quá đông nên đã phải kê thành 5 giường. Cộng thêm ít nhất 10 người nhà chăm sóc, căn phòng chật chội này thường xuyên chứa 20 người.
Phòng của bác sỹ cũng được trưng dụng để làm phòng bệnh cho 5 bệnh nhi. Chỉ tính từ sáng tới 9 giờ tối ngày 10/4 đã có 17 bệnh nhi nhập viện điều trị sởi, từ 9 giờ tối tới qua đêm 10/4, rạng sáng 11/4 sẽ tiếp tục còn vài tua bệnh nhân nhập viện sau đợt khám lúc tối và nửa đêm
Người mẹ mệt mỏi thiếp đi bên cạnh giường bệnh của con. Cháu bé này đang bị phát ban nặng do mắc sởi
Theo quy định, mỗi bệnh nhi chỉ có một người vào chăm sóc. Bên ngoài hành lang là ánh mắt lo âu của người nhà các bé
Ngay cả phòng phó trưởng khoa cũng được trưng dụng để trở thành phòng điều trị cho bệnh nhi. Từ hơn một tháng nay, Phó trưởng khoa Đỗ Thiện Hải cùng 3 bác sỹ khác phải chuyển phòng làm việc xuống kho chứa đồ cũ của khoa để lấy chỗ kê thêm giường bệnh cho các cháu. Phòng của các bác sỹ cũng được thu lại, 9 bác sỹ nữ hiện được xếp chung vào một phòng để tăng diện tích điều trị
Khoa Đông y bên cạnh khoa Truyền nhiễm cũng trở thành buồng bệnh điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Hiện tại, khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho khoảng 210 cháu (với khoảng 50 cháu nặng phải thở ôxy). Trong khi đó, khả năng thu dung của khoa chỉ khoảng 110 giường. “Quá tải về số lượng thì gấp đôi, nhưng về công việc thì phải gấp 3 vì nhiều ca nặng, cán bộ y tế không còn lúc nghỉ ngơi”, bác sỹ Hải cho biết.
Ở khoa cấp cứu các cháu cũng phải nằm ghép 2 người/giường. Mỗi cọc ôxy được chia làm 2-3 nhánh để đủ cho các cháu thở.
Bé Nguyễn Lê Hải Anh 13 tháng tuổi, chưa tiêm vắc xin sởi, hiện nằm chung giường với một bé khác bị sởi nặng, ban đỏ khắp người, có dấu hiệu suy hô hấp. Cứ bỏ ôxy ra là bé khó thở. Mẹ bé cho biết bé mệt mỏi khó chịu nên quấy khóc rất nhiều
Từ hơn một tháng nay, các bác sỹ, điều dưỡng của khoa Truyền nhiễm làm việc cật lực: Từ sáng tới 12h30 trưa vẫn chưa xong việc, 9h30 tối có người vẫn chưa được ăn cơm. Đêm cũng thức trắng để trực vì lượng bệnh nhân nhập viện vẫn không ngừng xuất hiện.
Điều dưỡng Hồ Thị Bích dù có bầu 4 tháng nhưng vẫn phải đi làm. Chị Bích cho biết chị đã tiêm vắc xin sởi song cũng rất lo lắng vì nguy cơ mắc bệnh không phải không có. Đợt vừa rồi chị bị ốm một thời gian vì công việc quá nhiều. Đi làm khi đang mang bầu giữa lúc dịch sởi đang hoành hành, chị cho biết cả gia đình lo lắng nhưng không thể khác được vì công việc quá nhiều. May mắn chồng chị cũng làm cùng ngành nên có sự cảm thông, chia sẻ
Lượng công việc quá lớn, lại kéo dài triền miên suốt hơn 1 tháng qua khiến cán bộ y tế của khoa Truyền nhiễm kiệt sức. Khoa còn phải huy động thêm 7 máy thở, 1 máy chụp XQ di động, máy siêu âm tại giường mang từ nơi khác về … để kịp thời phục vụ người bệnh.
Trong khi đó, bên ngoài phòng khám, dù đã 9 giờ đêm nhưng khoa cấp cứu vẫn đông đúc người đưa con đến khám
Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi
Cảnh chờ đợi trong phòng lấy máu xét nghiệm của khoa cấp cứu lúc gần 10 giờ đêm ngày 10/4
10 giờ đêm nhưng khu vực đón tiếp bệnh nhân cấp cứu vẫn ùn ùn người đến. Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính từ 4h30 chiều tới 9h30 tối ngày 10/4 đã có trên 250 lượt bệnh nhân tới khám tại BV Nhi Trung ương.