Nhiều người ngày nay coi hình xăm là một nghệ thuật. Bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn cho mình những hình xăm ở những vị trí yêu thích, như một cách ghi dấu ấn bản thân. Tuy là vậy nhưng trong thực tế, xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe với những người có hình xăm. Môi trường giáo dục lại càng đặc biệt bởi hình thức, tác phong, cách ăn mặc, cách cư xử… của thầy cô luôn được xem là chỉn chu, mẫu mực.
Mới đây, một phụ nữ Quảng Châu (Trung Quốc) đã quyết định xóa hình xăm để theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên. Hành động này gây ra tranh cãi rộng rãi về việc: Liệu giáo viên có hình xăm có phù hợp với công việc giáo dục hay không và đánh giá năng lực của giáo viên dựa trên ngoại hình có bất công?
Nhiều ý kiến cho rằng, tattoo (nghệ thuật xăm hình) cũng chỉ là một hình thức làm đẹp, là một sở thích. Việc giáo viên có hình xăm trên cơ thể là hoàn toàn bình thường, quan trọng là cách hành xử với học sinh và làm tròn nghĩa vụ của một nhà giáo. Hơn hết là ở thời đại này cũng ít có ai nhìn hình xăm mà đánh giá một con người, đôi khi đó chỉ là hình xăm từ bé, hay do tín ngưỡng, văn hóa mà họ yêu thích và tin tưởng.
Chưa kể, giáo viên xăm hình có thể giáo dục học sinh thông qua những trải nghiệm và câu chuyện của chính họ, đồng thời truyền tải những giá trị sống tích cực: Hãy sống là chính mình, đừng quan tâm định kiến xã hội.
Tuy nhiên, những người khác lại lo ngại rằng giáo viên xăm mình có thể khiến học sinh học theo việc xăm mình từ sớm hoặc tác động tiêu cực đến hình ảnh của trường. Hình xăm có thể ảnh hưởng đến sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên ở một mức độ nào đó.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyen gia chia sẻ: "Không có bất kể quy định gì về hình xăm cho giáo viên nhưng cũng có quy định về lối sống, tác phong đạo đức nhà giáo. Với những hình xăm nhỏ, tế nhị trong người không nhìn thấy sau khi mặc quần áo hoặc một chút ở trên tay không vấn đề gì. Nếu hình xăm phản cảm thì chắc chắn không được. Đây là sở thích rất riêng tư nhưng đã phần nào làm cho công việc giáo dục đạo đức học sinh gặp khó khăn".