Người người, nhà nhà rao giảng kiến thức, "bán thuốc như bán rau" tràn lan Tiktok
Chỉ cần lên Tiktok thời gian gần đây, người dùng sẽ thấy vô số những chuyên gia, bác sĩ online tự vỗ ngực xưng, tiếng tăm lẫy lừng. Điển hình nhất trong thời điểm này không thể không nhắc đến, chính là "bác sĩ Hà Duy Thọ".
Trên Tiktok, thậm chí cả Youtube, Facebook, cùng với việc bán thuốc mang "thương hiệu" của mình, ông Thọ chia sẻ rất nhiều kiến thức từ dinh dưỡng đến chăm sóc da...
Những clip lan truyền thông tin sai sự thật của ông Hà Duy Thọ được cộng đồng truyền tay nhau và bị bóc trần bởi các cơ quan quản lý. (Ảnh chụp màn hình)
Vị chuyên gia với danh xưng trên mạng là "giáo sư", "bác sĩ dinh dưỡng" có những phát ngôn cực kỳ gây hoang mang, điển hình như: "Rót ra chén nước mắm, ăn không hết cái lấy đồ đậy lại, 4 tiếng đồng hồ sau thì có chất gây ra ung thư", "... đường là nguyên nhân gây ra ung thư, đường là nguyên nhân gây ra cơ thể âm và gây ra đủ chứng bệnh trong cơ thể..." hay "ăn phở và uống trà đá dễ gây ra ung thư vì trà đá lạnh làm đông mỡ béo lại, bám dính vào vách dạ dày, ruột"...
Đây không phải là trường hợp duy nhất tự nhận mình là chuyên gia với những phát ngôn gây sốc. Mạng xã hội Tiktok luôn không thiếu những trường hợp như này. Dr Cương hay nhiều người gọi là "thầy" Nguyễn Duy Cương, người nghĩ ra phương pháp lọc máu làm trẻ hóa con người chỉ với hơn 450.000.000 VNĐ tại Ba Lan, 250.000.000 VNĐ tại Việt Nam, chính là ví dụ khác. Vị "chuyên gia" này không ngừng phát ngôn từ những thói quen chăm sóc sức khỏe, tập luyện đến nuôi con khỏe, dạy con khôn... Nhất là ở mảng nuôi dạy con, Dr Cương không ngừng đưa ra những "kiến thức dọa dẫm" khiến nhiều cha mẹ lo lắng.
Đáng nói, khi tiến hành điều tra, những vị "bác sĩ online" như ông Hà Duy Thọ, Nguyễn Duy Cương... chưa được cấp phép hành nghề bác sĩ, không được khám chữa bệnh và bán thuốc cho người dân. Thậm chí, trong một bài trả lời trên báo Dân Trí mới đây, ông Hà Duy Thọ thừa nhận bản thân không có bằng cấp chuyên môn bác sĩ cũng như chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, mà chỉ từng đi học y.
Giờ đây, chỉ cần lên mạng xã hội, những "bác sĩ online" như thế này không phải là ít. Họ dễ dàng nói mọi thứ, miễn làm sao đạt được mục đích và bán sản phẩm cho những người nhẹ dạ cả tin.
Nhắc đến "bác sĩ online", chắc hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến trào lưu "nhà tôi 3 đời chữa bệnh". Không ai biết họ được đào tạo ra sao, có chuyên môn như thế nào nhưng các thầy lang này ngày nào cũng lên mạng rao giảng kiến thức, bốc thuốc và bán thuốc. Tất cả những căn bệnh đều được đẩy lùi nhờ cái mác "nhà tôi 3 đời chữa bệnh" với các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, kèm lời quảng cáo quen thuộc như "chữa dứt điểm các bệnh xương khớp, sỏi mật, sỏi thận, tiểu đường, hen suyễn, viêm xoang, thậm chí chữa được cả ung thư…".
Có lẽ chưa bao giờ, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Cũng chưa bao giờ, "bác sĩ online", những con người bình thường chẳng ai biết đến, chẳng có học hàm học vị, chuyên môn thực tế, bỗng vươn mình làm giàu không khó dưới mác giáo sư, chuyên gia tự phong. Chỉ cần một bước tự xưng, "bác sĩ online" mọc lên nhan nhản như nấm trong thời điểm hiện tại. Cứ khoác áo blouse lên người, chia sẻ dăm ba bài kiến thức, họ tự nhận mình là thầy thuốc, ngang nhiên khám chữa bệnh và bốc thuốc, bán đủ loại thuốc điều trị cả những bệnh nan y như ung thư…
Hậu quả khôn lường do dùng thuốc theo "bác sĩ online" - Khi niềm tin của người bệnh bị đặt nhầm chỗ
"Bác sĩ online" xưng gì cứ xưng, nhận gì cứ nhận nhưng đau lòng nhất, đáng sợ nhất là người bệnh nghe rồi tin ngay, không cần kiểm chứng. Những video chia sẻ thu hút hàng trăm hàng nghìn người quan tâm, những lời bình luận gật gù đầy tán thưởng… khiến người xem cảm thấy đầy tin tưởng. Không biết sau những phát ngôn đó, trong hàng nghìn những cái gật gù đó sẽ có bao nhiêu người tìm đến "bác sĩ online" để được tư vấn và mất một số tiền không hề nhỏ để mua thuốc chữa bệnh?
Chưa có nghiên cứu thống kê cụ thể về người dùng thuốc kiểu này qua mạng. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì mỗi tháng tại đây vẫn tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị suy gan, suy thận, hoại tử… do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc nặng, thủng dạ dày khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận những trường hợp trẻ bị suy thận nặng do dùng thuốc không rõ xuất xứ được quảng cáo từ "bác sĩ online" trên mạng…
Đây chỉ là một vài thông tin được công khai trước dư luận. Không biết trong thực tế sẽ còn bao nhiêu người bệnh đặt niềm tin mù quáng vào những thầy thuốc online trên mạng xã hội? Không biết có bao nhiêu người đang ngồi xem, đang ngấm ngầm tin tưởng và bấm nút gọi tư vấn, xin mua thuốc để cứu lấy bản thân? Và không biết có bao nhiêu người đang gặp họa nhưng âm thầm chịu đựng không dám kể với ai?
BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược) khẳng định, đó chưa phải là điều đáng sợ nhất. "Hậu quả đầu tiên của việc này chính là mất niềm tin, đôi khi điều này còn lớn hơn mọi thứ khác. Rồi người ta sẽ chẳng còn biết phải tin vào ai. Kế đó là ảnh hưởng tới sức khỏe, tiền bạc, thời gian...", chuyên gia chia sẻ.
Lời khuyên của chuyên gia: Đã có bệnh thì phải vào bệnh viện, cơ sở uy tín để điều trị!
Theo BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược), hiện nay tình trạng "bác sĩ online" rất phổ biến trên mạng xã hội, nhất là Tiktok. Người dân cần hết sức tỉnh táo, tránh tiền mất tật mang.
BS Huy nhận định, điều sợ nhất là nhiều người không phải bác sĩ nhưng giả danh bác sĩ để lên mạng xã hội lừa đảo. Và cũng chẳng cần nhận là bác sĩ, nhiều người còn tự cho mình là chuyên gia về sức khoẻ, chia sẻ rất nhiều thông tin sai lệch, để lại nhiều hậu quả. Ví dụ như vụ thải độc đại tràng bằng cà phê cũng đã để lại hậu quả đáng tiếc cho nhiều nạn nhân. Đây không phải là chuyện lạ gây bất ngờ, việc gian lận lừa đảo xuất hiện ở tất cả mọi nơi và mọi ngành nghề. Do đó quan trọng vẫn là người xem tự phải có tư duy phản biện và cảnh giác với những thông tin trên mạng.
"Đã có bệnh thì phải đi bệnh viện, đi khám chữa tại những cơ sở uy tín với những bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Tuyệt đối không bỏ qua việc này và tin theo những bác sĩ online tự xưng", chuyên gia khẳng định.
Theo BS Huy, đối với những bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, gút..., người dân nên nhớ y văn khẳng định không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi, hạn chế phát triển, giảm biến chứng bệnh. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Do đó tuyệt đối không nghe theo bất cứ lời rao giảng kiến thức hay loại thuốc nào có khả năng chữa khỏi những căn bệnh này hoàn toàn. Việc mong muốn khỏi bệnh nhanh, dứt điểm khiến nhiều bệnh nhân tin dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc từ giới "bác sĩ online", có thể khiến tiền mất tật mang.
"Người dân nên đi bệnh viện để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị tốt nhất. Không nên nóng vội trong quá trình chữa bệnh. Thuốc nào dùng cũng cần có thời gian, có sự theo dõi, điều chỉnh từ bác sĩ chuyên khoa mới có hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không nên tin và không được tin những người không có chuyên môn, bằng cấp kê thuốc, dù đó là loại thuốc nào, được quảng cáo hiệu quả thần kỳ đến đâu", BS Huy nhấn mạnh.
Chuyên gia nhấn mạnh, người dân nói chung rất cần tư duy phản biện. Mọi thông tin đều chỉ là tham khảo. Có bệnh cần tới cơ sở y tế là khám và điều trị. Đặc biệt đối với các bệnh lý mạn tính, không nên nghe các quảng cáo có thể chữa khỏi hoàn toàn.