Anh Trịnh Hữu Tưởng cứ cười cười khi tôi rủ rê anh cùng đến xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) để xem giống gà kỳ lạ, không có phao câu. Là người địa phương, do đặc thù công việc nên mỗi tháng anh thường có mặt ở hơn 20 thôn bản khác nhau trong huyện, nhưng quả thực anh chưa từng nghe thấy giống gà gì quái lạ như vậy.
Không chỉ anh Tưởng, gần 10 người già trẻ của huyện Hoàng Su Phì có mặt lúc này đều nghi hoặc chuyện giống gà không có phao câu. Bởi theo lẽ thông thường, gà đương nhiên phải có phao câu, như con cá biết bơi, con chim biết hót, con hổ biết gầm vậy.
Bật điện thoại nối máy với một số người quen tại xã Túng Sán hỏi chuyện, khuôn mặt anh Tưởng càng trở nên phân vân hơn. “Họ bảo từng thấy, từng nghe về giống gà này, nhưng không rõ hiện nay có còn không, và ai đang nuôi” - anh Tưởng nói. Người em rể của anh Tưởng cũng liên lạc với những người quen khác, khá có uy tín ở Túng Sán. Thêm một thông tin: giống gà này hiện còn có ở mấy thôn mà đồng bào Clao đang sinh sống.
Chúng tôi quyết định lên đường đến vùng đất đỉnh trời Tây Côn Lĩnh. Vượt mấy chục cây số đường đèo núi, lúc dừng chân nghỉ tại căn nhà gỗ khá rộng, nằm ngay ngã ba đường trước UBND xã Túng Sán, anh Tưởng tiếp tục dò hỏi người dân về giống gà lạ.
Chủ nhà là một người phụ nữ dân tộc Tày có quán ăn duy nhất ở đất này, nhìn đám khách cười ngượng ngập: “Các chú cứ hỏi đểu chị làm gì. Bao nhiêu năm làm dâu ở đây, năm nào chả thu mua gà qué của dân các bản đem xuống bán, mà có nghe thấy ai nói gà không có phao câu đâu?”.
Lại léo nhéo điện thoại với những người quen. Họ đều đang đi dự lễ Ma khô ở bản xa, không ai trực tiếp dẫn đường được. “Nhưng cứ đến thôn 4 Tả Chải, nơi tập trung đông người Clao nhất mà hỏi thì sẽ có” - những người mách chuyện oang oang nói qua điện thoại.
Lại đi. Đang lơ ngơ ở điểm trường tiểu học vắng hoe, nơi duy nhất của thôn 4 Tà Chải có căn nhà xây kiên cố, bỗng thấy một người đàn ông Clao trẻ lững thững đi đến. Đó là Súng Phà Sinh, phó thôn 4 Tà Chải, tay cầm chiếc điện thoại cố định mấy hôm nay tự nhiên không liên lạc được, phải đem xuống xã nhờ đưa đi sửa.
Phó thôn Súng Phà Sinh vui vẻ bắt tay khách, rồi cũng bị cuốn vào câu chuyện gà không phao câu: “Hồi nhỏ tôi cũng nghe mọi người bảo thế, không tin đâu. Nhưng nhiều lần đi xem người ta mổ thịt, thấy đúng như vậy. Ở thôn 4 này có nhà anh Min Phà Díu đang nuôi mấy con đấy”.
Rồi kéo khách ra mái hiên phải của ngôi trường, anh phó thôn chỉ tay qua mấy dãy đồi cao về phía những lùm cây tít xa trên triền đồi dốc: “Đấy, nhà Díu ở đó. Nhưng anh Díu hình như đang thổi kèn trong lễ Ma khô, không có nhà đâu. Để tôi “a lô” cho Min Phà Si, là em anh Díu, nhà ngay bên cạnh. Nhà Min Phà Si cũng còn mấy con gà không phao câu”.
Không có ai nghe máy… Súng Phà Sinh vẻ mặt ngại ngần vì không giúp đỡ tận tình được cho khách. Anh Tưởng bàn: “Anh dẫn giúp chúng em đến nhà anh Si đi. Lát quay xuống, em đem điện thoại của anh ra xã gửi cho”.
Khuôn mặt của Súng Phà Sinh rạng rỡ hẳn lên. Chúng tôi vứt xe máy vào góc sân trường, theo chân anh phó thôn men theo những thửa ruộng bậc thang đang mùa cày ải ngược dốc.
Nhà Si ẩn hiện trước mắt, nhưng con đường ngoằn ngoèo dốc gấp, khiến chúng tôi cứ phải lần lượt bóc dần những lớp áo khoác vì mồ hôi cứ thi nhau túa ra trong sương mù giá lạnh.
Qua khu mộ cổ xếp đầy đá tảng đặc trưng của người Clao, rồi theo bờ suối luồn qua vườn đào rừng đang nở sớm thì đến nhà Si. Một căn nhà nhỏ tuềnh toàng trên sườn dốc, nhìn ra thung lũng rộng. Trong nhà léo xéo tiếng phụ nữ, trẻ con.
Vợ Si bật ngọn đèn điện đỏ như đom đóm đực, rồi khơi bếp lửa trong nhà mời khách ngồi. Một cái đầu bù xù chui ra từ trong góc bếp - Min Phà Si sáng nay đã kịp “ăn” mấy chén rượu, đang ngủ vùi, thấy khách đến vội vàng trở dậy.
Chạy mỗi góc nhà nhặt được một chiếc chén, Si đem ra sân rửa kỹ rồi nấu nước pha trà mời khách. Nghe phó thôn Sinh giới thiệu, anh tròn mắt cười khà khà, ngạc nhiên vì khách từ xa tìm đến nhà mình chỉ để xem những con gà lạ.
Đang bập dở điếu thuốc lào, thấy một con gà mái lớn chạy vào cửa, Si vội ngừng rít để chỉ tay cho khách, suýt nữa bị sặc: “Đấy, gà không phao câu đấy”. Mọi người cùng hướng mắt theo tay anh chỉ.
Đó là một con gà mái có màu lông đốm xám, nặng chừng hơn 3kg, đang dớn dác cục tác chạy tìm chỗ đẻ. Thoạt trông nó cũng bình thường như những con gà mái khác, chỉ có điều chiếc đuôi ngắn củn cỡn của nó cụp xuống, trông như mái tóc… Mai ka.
“Bất kể gà trống hay gà mái, cứ con nào mà chòm đuôi cụp xuống là gà không có phao câu. Nhà tôi có mấy con, nhà anh tôi ngay phía trên cũng có một ít. Quanh các thôn bên cũng có mấy nhà nuôi. Không rõ những vùng khác có hay không, nhưng giống gà này ở Túng Sán có từ lâu rồi, từ thời cha ông chúng tôi đã nuôi” - Min Phà Si vui vẻ cho biết.
“Thường thì trong một ổ trứng chỉ nở ra vài con gà không có phao câu thôi, còn lại đều bình thường. Tôi cũng đã hỏi rồi, ngoài đàn gà của người Clao ra, không nơi nào có giống này đâu. Mà ngay cả 86 hộ, 398 khẩu của thôn Tà Chải này, không phải nhà nào cũng có giống gà này. Chẳng biết vì sao, hề hề” - Phó thôn Súng Phà Sinh cũng cao hứng góp chuyện.
Mặc dù trong người còn đang váng vất men rượu, Min Phà Si vẫn nhiệt tình ra đồi đuổi bắt gà không phao câu cho chúng tôi xem. Vườn rộng rào thưa, đồi dốc, đám gà thì bay chạy thoăn thoắt. Sau một hồi mướt mồ hôi chộp, vồ, cuối cùng Si và Sinh dồn được chúng vào góc, tóm về một con gà nặng chừng dăm bảy lạng.
Con gà nhỏ có bộ lông óng ánh mềm như lông chim, khá đẹp mắt. Lông đuôi và lông thân giống nhau, không có gì phân biệt. Tôi đưa tay sờ thử, quả thực không hề thấy cục thịt ở cuống đuôi của giống lông vũ này.
Cả mấy anh em cùng vạch hết lông đuôi con gà để nhìn tận mắt, sờ tận tay. Chỗ sau cùng của nó nhẵn nhụi, vuốt đều tay từ lưng tuột xuống đến bụng. Lần lượt mỗi người đều đưa mắt nhìn nhau, thừa nhận: Quả thực con gà này rất kỳ lạ, không hề có phao câu.
Chúng tôi tiếp tục tìm bắt những con gà có chiếc đuôi cụp khác để kiểm tra. Cả đàn gà nhà anh Si, anh Díu lại chạy nháo nhác. Sờ mãi, nhưng gà trống, gà mái đều vậy, không con nào có nốt nhỏ nhú lên ở cuối thân mà ta quen gọi là phao câu.
Có nghĩa là, giống gà này không có thứ mà các nhà sinh học khẳng định gà thường dùng mỏ lấy chất dịch béo ở đó để trau chuốt bộ lông thêm đẹp. Đồng nghĩa, gà cũng không có chất dịch có tác dụng bảo vệ cơ thể chống bị thấm nước khi gặp sương hoặc mưa.