Bánh đa cua, một đặc sản từng làm nên thương hiệu ẩm thực Hải Phòng, giờ đây lại trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận xôn xao trên MXH. Một quán bánh đa cua đã táo bạo khẳng định rằng màu đỏ đặc trưng của bánh đa là do được làm từ gạo lứt, thu hút sự chú ý và phản ứng trái chiều từ dân cư mạng. 

Bánh đa cua là đặc sản nổi tiếng Hải Phòng.

Người Hải Phòng, vốn tự hào với truyền thống ẩm thực đặc sắc của mình, họ thực sự ăn bánh đa thế nào? Liệu sự thay đổi này có làm lu mờ đi hương vị truyền thống hay là bước đột phá mang lại làn gió mới cho nền ẩm thực địa phương? Hãy cùng khám phá câu chuyện thú vị đằng sau sợi bánh đa cua cuộn đầy tranh cãi và tìm hiểu xem người Hải Phòng đánh giá sao về độ "chất" của phiên bản sáng tạo này!

Bánh đa cua cuộn ăn mới ngon?

Trong video đăng tải của quán bánh đa cua ở Bắc Ninh này, vị chủ quán vừa nhanh tay kéo sợi bánh đa từ cuộn bánh đa dày cộp như cuộn phim vừa cho biết: "Cái bánh đa này ấy, cô lấy tận dưới Hải Phòng đấy. Để lấy ra được cái mối này cô phải qua rất nhiều mối, cô mới lấy được đúng với món bánh đa của Hải Phòng vì các mối kia toàn là không được chuẩn, không được đúng ấy. Cái sợi nó nhỏ nó rối không ngon. Cái gạo bản thân cái bánh đa này ấy thì cô đã trực tiếp được nói chuyện qua điện thoại của người làm cái bánh đa này thì nó là gạo lứt".

Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định bánh đa đỏ cuộn sợi to này ăn ngon hơn loại sợi nhỏ rối, chúng cũng được nhiều khách hàng của quán ưa thích. Vị chủ quán bánh đa cua này còn khẳng định nguyên liệu làm nên sợi bánh đa đỏ đặc sản của Hải Phòng là gạo lứt.

"Vì sao cô tin là gạo lứt thật, khi cô chần cái bánh đa của mình, cái nước chần nó thôi ra rất là đỏ, còn cái nước này của cô không đỏ. Để phân biệt được thì phải ăn hai cái cùng nhau mới cảm nhận được... Sự khác biệt của bánh đa Hải Phòng đúng là gạo lứt. Chính vì thế, cô mới nói là cái này nó không bị thôi ra nước khi cô chần vì bản thân nó là gạo lứt đỏ lắm rồi thì làm sao nó thôi ra được. Còn cái kia người ta cho nước hàng thì khi mình chần sẽ bị đỏ ấy, để mình phân biệt được cái bánh đa".

Thực hư thế nào?

Người Hải Phòng phản ứng ra sao?

Ngay phía dưới video chia sẻ với tiêu đề "Cách chọn bánh đa cua chuẩn Hải Phòng?" này, cư dân mạng ùa vào phản ứng. Trong đó, rất nhiều cư dân mạng cho biết mình người gốc Hải Phòng sinh ra và lớn lên tại đất Cảng mấy chục năm cũng không thấy có loại bánh đa đỏ cuộn sợi to như thế này. Thậm chí, không ít người nhà ở làng nghề sản xuất sợi bánh đa đỏ cũng "sốc ngang" khi không biết đây lại là loại sợi bánh đa chính cống Hải Phòng.

Xôn xao quán bánh đa cua cuộn khẳng định màu đỏ làm từ gạo lứt, dân tình ào ào phản ứng: Thực tế người Hải Phòng ăn bánh đa thế nào? - Ảnh 4.

Xôn xao quán bánh đa cua cuộn khẳng định màu đỏ làm từ gạo lứt, dân tình ào ào phản ứng: Thực tế người Hải Phòng ăn bánh đa thế nào? - Ảnh 5.

Thực tế, người Hải Phòng ăn bánh đa cua thế nào?

Sợi bánh đa cua người Hải Phòng thường ăn có hai loại trắng và đỏ. Tuy nhiên, vì sợi bánh đa đỏ nhìn đặc biệt và thu hút nên được du khách các nơi đánh giá cao và khi ăn cũng cảm thấy thích thú hơn. Bởi vì sợi bánh đa trắng rất nhiều nơi sản xuất, nhưng không phải vùng nào cũng sản xuất được bánh đa đỏ ngon như Hải Phòng.

Xôn xao quán bánh đa cua cuộn khẳng định màu đỏ làm từ gạo lứt, dân tình ào ào phản ứng: Thực tế người Hải Phòng ăn bánh đa thế nào? - Ảnh 6.

Thông thường, người dân Hải Phòng dù chế biến tại nhà hay sử dụng bán, nhiều người thường lựa chọn loại sợi bánh đa tươi. Sợi bánh đa tươi ngon, dai và thơm, ăn trong ngày rất hấp dẫn. Còn muốn sử dụng lâu hơn, không phải mua nhiều lần hoặc mang đi xa, người ta sẽ mua loại sợi khô. 

Về nguyên bản, sợi bánh đa Hải Phòng kích thước chỉ chừng 2 ly (sợi nhỏ), 5 ly (sợi nhỡ) và 9 ly (sợi to). Sợi bánh đa nguyên gốc được sản xuất ở Hải Phòng không quá mỏng, dù sợi to hay sợi nhỏ đều có độ dày nhất định, khi chần xong, chế biến bánh đa sẽ nở vừa đủ không bị vữa, ăn vẫn giữ được độ dai ngon. Chưa kể, loại sợi rối, sợi nhỏ cũng được nhiều người đánh giá là ăn ngon và thơm hơn loại sợi to.

Khác với loại bánh đa cuộn tròn sợi to như "bánh xe" được đề cập trong video. Chúng mỏng, sợi bản to, khi ngậm nước sẽ nở nhanh, nếu trong thời gian ngắn không ăn nhanh dễ bị vữa. Mặc dù, cũng có người cho rằng, sợi bánh đa to như vậy cũng được bán ở khu vực Quán Toan (Hải Phòng), nhưng người Hải Phòng bản địa không ăn loại này.

Vậy bánh đa cua Hải Phòng có loại cuộn không? Câu trả lời: Là có.

Tuy nhiên, loại cuộn này nhỏ, các sợi dày vừa đủ và không dính sát vào nhau. Mỗi cuộn bánh đa đó đủ cho mỗi lần nấu rất phù hợp với việc vận chuyển mang đi xa.

Bánh đa đỏ làm từ gì?

Câu hỏi bánh đa đỏ được làm từ gì để có màu nâu đỏ đẹp và hấp dẫn như vậy luôn được nhiều người quan tâm. 

Đối với nhiều hộ dân ở Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng, việc sản xuất sợi bánh đa không còn là việc xa lạ mỗi ngày. Làng nghề sản xuất sợi bánh đa ở Hải Phòng đã có tuổi đời đến cả trăm năm. Sợi bánh đa được sản xuất cũng công phu và tỉ mỉ. Mặc dù có công thức chung nhưng mỗi nhà đều sẽ có bí quyết gia truyền của mình để làm ra được sợi bánh đa tươi ngon. 

Gạo ngon mang ngâm trong nước sạch cho ngậm nước rồi đưa vào cối điện xay. Khi xay thành bột lỏng, có màu trắng đục thì đưa vào máy tráng. 1kg gạo sẽ cho ít nhất khoảng 1.5kg bánh đa tươi. Trước kia, người dân sản xuất thủ công, làm bằng nồi hơi nhưng hiện đại hóa nhà nào cũng sử dụng máy tráng, vừa nhanh lại bớt phần vất vả.

Bột gạo sau khi hấp chín bằng hơi, cho đi qua máy cán, mỏng như dải lụa rồi đưa lên phơi trên phên tre. Còn để có được sợi bánh đa đỏ đẹp mắt hấp dẫn thường thấy trong những hàng bánh đa cua, người ta dùng đường mía nấu thành nước hàng để tạo màu. Chính vì vậy, bánh đa đỏ ở đây không dùng chất phụ gia, và cũng không làm từ gạo lứt.

Có lẽ bí quyết của mỗi nhà được tập trung trong quá trình tráng hấp để kiểm soát độ dày mỏng của bánh. Gạo ngâm thời gian không đủ hoặc quá, bột có sạn cũng hỏng bánh, nhiệt độ không đủ bánh dễ gãy,... Nói chung, để sản xuất ra sợi bánh đa ngon không hề dễ chút nào. 

Sau khi các phên bánh đa được phơi. Bánh phơi một nắng sẽ se lại, sờ còn hơi ẩm. Bánh này gọi là bánh tươi, có độ dẻo nhất định, được tiêu thụ trong ngày. Còn bánh hong khô hẳn là loại để đóng gói sử dụng lâu ngày.

Trước kia, nhiều nhà cũng có sợi bánh loại cắt tay, nhưng để sản xuất số lượng nhiều, các hộ sản xuất đã đầu tư máy móc, vừa tráng vừa hong khô theo dây chuyền, tiện hơn nhiều. Bánh hấp chín xong chạy qua máy hong, sau đó cuộn tròn, để chừng 5 tiếng là có thể thái thành sợi.