Vừa làm việc Nhà nước, và sẵn máu kinh doanh trong người nên Châu Ngọc Diệp mới đây đã mở quán bún bò Huế trên đường Ô Chợ Dừa. Không chỉ kinh doanh bình thường, anh Diệp đã nghĩ đến những người kém may mắn, người có thu nhập chưa cao nên anh đã mạnh dạn triển khai chương trình bán bún bò giá 1000 đồng.
Quán bún bò giá 1000 đồng cho người nghèo của chàng trai gốc Huế
Với tâm nguyện giúp đỡ, chia sẻ cùng người nghèo, chàng trai gốc Huế tên Diệp đã mở quán bún bò giá 1000 đồng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Châu Ngọc Diệp (sinh năm 1985 - hiện là cán bộ nghiên cứu hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Việt Nam) sinh ra tại Huế nhưng do có duyên nợ với mảnh đất Hà Thành nên đã lựa chọn nơi này làm quê hương thứ 2. Từ nhỏ, anh Diệp đã được đi làm từ thiện cùng cha mẹ nên tình cảm dành cho người nghèo, người kém may mắn luôn thường trực ở tâm thức anh.
Chương trình anh Diệp đưa ra mang tên "Ngày thứ 6 sẻ chia", theo chủ nhân chương trình thì tất cả các ngày bình thường mọi người đều dành cho công việc, thứ 7 chủ nhật lại là thời gian nghỉ ngơi, còn với bản thân anh ngày thứ 6 là ngày mọi người hay dành cho tình cảm gia đình, tình cảm giữa người thân với nhau nên anh quyết định chọn ngày thứ 6 để triển khai chương trình từ thiện ý nghĩa này.
Những thông điệp ý nghĩa được trang trí ngay tại không gian quán anh Diệp. Trao đổi với chúng tôi, anh Diệp chia sẻ: "Gia đình mình sống trong Huế, từ khi mình còn nhỏ cha mẹ cùng các anh chị cũng đã đi từ thiện tại các chùa, các bệnh viện, các trung tâm tình thương rất nhiều nên điều này đã đi vào tâm thức của mình. Việc triển khai bán bún bò cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng khiến mình thấy ý nghĩa và thỏa lòng ước muốn bấy lâu".
150 suất bún bò 1000 đồng là con số mà anh Diệp dành cho người nghèo trong "Ngày thứ 6 sẻ chia", tuy nhiên khi chúng tôi có mặt (lúc 19 giờ) thì lượng người có thu nhập thấp đã ăn đến số phiếu 149 có nghĩa là chỉ còn 1 phiếu duy nhất. Anh Diệp vui vẻ nói rằng: "150 suất là con số mình đưa ra ban đầu, nhưng nếu lượng khách có nhu cầu ăn tiếp mình vẫn vui vẻ phục vụ, giá vẫn chỉ 1000 đồng".
Chị Đinh Thị Niên (47 tuổi - trú tại Xuân Trường - Nam Định) làm nghề buôn bán đồng nát có thu nhập gần 3 triệu/tháng khi đi qua khu vực này thấy quán bán bún bò giá 1000 đồng ban đầu không tin, nhưng sau khi hỏi lại nhân viên thì đúng. Chị quyết định vào thưởng thức bát bún bò và không khỏi cảm động trước tấm lòng của chủ quán, cuối cùng chị tình nguyện ở lại phục vụ bưng bê, rửa bát đũa cho quán cả ngày thứ 6.
Chị Niên chia sẻ: "Ở quê việc chẳng có, ruộng cũng ít nên mấy năm nay tôi lên Hà Nội làm nghề đồng nát, mỗi tháng tôi chỉ kiếm được chừng gần 3 triệu đồng, số tiền trên tôi chi tiêu dè dặt và gửi về cho các con tầm 2 triệu. Sáng đi làm qua đây thấy việc làm của chủ quán khá ý nghĩa nên đã vào thưởng thức bát bún bò, khi ăn xong tôi vẫn chưa tin đây là sự thật và tôi đã quyết định nghỉ làm cả ngày để chung tay phục vụ những người nghèo".
Cũng giống như chị Niên, nhiều người nghèo tỏ ra hoài nghi về chương trình từ thiện và có chút đắn đo thì chị Niên nhanh nhảu ra mời các đồng nghiệp vào thưởng thức bát bún bò giá 1000 đồng.
"Nhiều người hỏi làm sao để xác định ai là người nghèo, ai là người khá giả nhưng tôi không quan trọng điều đó bởi ai cảm thấy mình thực sự nghèo, thu nhập chưa cao thì sử dụng suất bún bò giá 1000 đồng, còn nếu không thì tôi vẫn thu giá 35.000 đồng như bình thường.
Chị Tuyết và chị Lan là 2 người thu mua ve chai gần đó, đã được 1 người bạn của mình "mách" địa chỉ của chủ quán tốt bụng nhưng vẫn còn ngần ngại. 2 chị đi qua nhưng vẫn ko tin là cửa hàng có chương trình đặc biệt vậy. Đúng lúc đó, nhân viên cửa hàng đã ra mời 2 chị vào. Khi ăn xong bát bún, 2 chị rớt nước mắt nói: "10 năm từ quê ra Hà Nội làm việc nhưng đây là lần đầu tiên 2 chị được ăn bát bún ngon như thế này".
Khi chúng tôi hỏi về kinh phí để triển khai chương trình ý nghĩa và thiết thực này, anh Diệp chia sẻ: "Việc kinh doanh thì phải có lãi để trang trải thuê mặt bằng, nhân viên và mang lại thu nhập cho bản thân nữa. Tuy nhiên, thu nhập cho bản thân đáng 10 thì bản thân tôi san sẻ lại cho người nghèo, lao động vất vả lại 3, 4, bản thân hưởng 5,6 thôi. Nhưng điều quan trọng nhất là bản thân tôi cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi làm được việc ý nghĩa".
150 bán bún bò giá 1000 đồng, anh thu lại 150 ngàn đồng, thế nhưng vốn bỏ ra lên đến gần 3 triệu đồng. Để bù lỗ cho số tiền trên anh lấy từ tiền lãi của khoảng 4-5 ngày bán bún bình thường.
Kể về kỷ niệm trong ngày đầu tiên triển khai chương trình anh Diệp chia sẻ: "Cũng có nhiều khách vào ăn, thấy chương trình ý nghĩa và mong muốn đóng góp nhiều hơn giá trị thực của bát bún là 35 ngàn đồng nhưng tôi không lấy vì thực tế bản thân tôi đã trích 1 phần tiền lãi của quán để thực hiện chương trình rồi. Hi vọng thời gian tới số suất bún tôi triển khai không chỉ dừng lại con số 150 mà sẽ lên đến 200 thậm chí 300 suất".
Niềm vui sau một ngày làm việc mệt nhọc nhưng ý nghĩa của chàng trai gốc Huế.