Cư dân Tokyo đi qua Yanaka - khu phố bình yên, giàu lịch sử như bước ra từ những bộ phim anime có lẽ không lạ gì với Kayaba - quán cà phê đặc biệt đã gắn bó gần 100 năm với mảnh đất đầy văn nhân, thi sĩ này.
Mặc dù đã từng đóng cửa 1 lần trước đây, nhưng rất may là nhờ sự lên tiếng của người dân địa phương, Kayaba đã trở lại rực rỡ hơn bao giờ hết. Quán cà phê này nổi tiếng với nét cuốn hút đặc sắc, là tổng hòa của hiện đại và nét ấm cúng, cổ điển truyền thống.
Tất nhiên, đây cũng là "bảo tàng sống" của văn hóa kissaten hay "khiết trà điếm" - văn hóa cà phê đặc sắc phổ biến đầu thế kỷ 20 tại đất nước mặt trời mọc.
Văn hóa kissaten là gì?
Mặc cho có chữ "trà" trong tên, kissaten thực ra lại đề cập đến văn hóa cà phê. Mặc dù có nét tương đồng với những quán cà phê khác mọi người hình dung trên khắp thế giới, nó lại mang thêm chút màu sắc riêng của xứ Phù Tang.
Tại Nhật, kissaten là một địa điểm mà bạn có thể uống cà phê trong không gian truyền thống, cổ điển, còn các quán cà phê thông thường được mọi người liên tưởng đến một kiểu hàng cà phê "sang chảnh", hiện đại hơn.
Trên thực tế, văn hóa cà phê tại quốc gia Đông Á này đã tồn tại khá lâu. Cửa hàng cà phê đầu tiên là Kahisakan, được mở tại Ueno, Tokyo vào năm 1888. Tại đó, người dân, bao gồm cả giới nghệ sĩ, văn nhân thường xuyên dành thời gian giao du, tiếp chuyện trong khi thưởng thức cà phê.
Vào thời điểm đó, từ "quán cà phê" tại Nhật còn đề cập đến cả các quán bar, cabaret, hay các địa điểm mà khách hàng được phục vụ cả đồ uống có cồn. Để dễ phân biệt, các cửa hàng bán cà phê thuần túy bắt đầu tự gọi là jun-kissa hoặc kissaten.
Bữa sáng "có một không hai"
Một điểm đặc sắc của văn hóa kissaten là phục vụ đồ ăn nhẹ kèm bữa sáng theo truyền thống "Dịch vụ bữa sáng". Khi gọi cà phê vào buổi sáng tại Kayaba, thực khách có thể lấy thêm bánh mì, trứng, salad hoặc các món ăn nhẹ khác miễn phí hoặc đã được giảm giá. Họ cũng có riêng một menu để phục vụ nhu cầu của những người cần tỉnh táo và nạp năng lượng ngay khi ngày mới bắt đầu.
Không rõ cái tên "Dịch vụ bữa sáng" bắt đầu từ đâu, nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ tỉnh Aichi và Hiroshima - nơi mà menu đặc biệt này được mở ra để phục vụ những người dùng kissaten làm địa điểm đàm phán, làm ăn vào buổi sáng
Cuối cùng, mỗi cửa hàng kissaten đều sở hữu thực đơn của riêng mình bao gồm các món ăn sáng phổ biến, chẳng hạn như bánh mì trứng và trứng chiên trên bánh. Thậm chí ngày nay, thực đơn phục vụ buổi sáng tiêu chuẩn vẫn là sự kết hợp của trứng và bánh mì.
Điều thú vị về "Dịch vụ bữa sáng" là mỗi khu vực có một phiên bản đặc biệt của riêng mình. Ví dụ, bánh mì trứng có thể được gọi là bánh mì trứng ở khắp mọi nơi, nhưng cách làm của nó khác nhau giữa các vùng. Ở vùng Kanto, họ dùng món salad trứng gồm trứng luộc nghiền trộn với sốt mayonnaise. Tuy nhiên, ở Kansai, người ta thường dùng trứng nướng dày, chế biến như trứng tráng.
Tại Kayaba, thực đơn cũng có vài món đặc trưng như bánh mì nướng bơ ăn kèm đậu đỏ, sandwich kẹp trứng...
Kayaba - quán cà phê gần trăm tuổi lưu trữ kỷ niệm về văn hóa kissaten
Phóng viên của tờ Livejapan đã có cơ hội trò chuyện với ông Naruse - chủ quán cà phê đặc biệt này và vị trí của nó trong văn hóa kissaten độc đáo của đất nước.
Theo ông Naruse, Kayaba được mở lần đầu vào năm 1938, cách đây 84 năm. Người chủ đầu tiên của nó là một người đàn ông cùng tên, sở hữu quán cùng gia đình trong suốt một thời gian dài. Nó đã trở thành một địa điểm ưa thích và biểu tượng cho khu Yanaka của Nhật.
Tuy nhiên, đến năm 2006, không rõ vì lý do gì gia đình quyết định dừng công việc kinh doanh. Tuy nhiên, cư dân Yanaka đã bày tỏ sự tiếc nuối và ngăn việc này xảy ra để họ vẫn có thể lui tới thư giãn. Rất may sau đó, dưới sự can thiệp của Hội Lịch sử và Văn hóa Taito, quán cà phê giàu di sản này đã được giữ lại và giao cho Naruse.
Sau khi tiếp quản Kayaba, Naruse cho biết: "Điều quan trọng nhất là thiết lập sự cân bằng giữa nét quyến rũ kiểu truyền thống trong khi kết hợp những thứ mới. Nếu mục đích chỉ đơn giản là giữ cho tòa nhà tồn tại, thì có rất nhiều cách khác để sử dụng nó, chẳng hạn như để làm phòng trưng bày".
"Nhưng sau khi nghe những câu chuyện từ những người dân địa phương thường xuyên lui tới Kayaba, tôi cảm thấy sẽ có ý nghĩa hơn nếu để nó lại như Kayaba mà họ biết và yêu thích suốt những năm niên thiếu. Giữ (tình yêu) đó tồn tại không phải là điều quan trọng sao?
Mặt khác, thay vì chỉ giữ nguyên nó như một di tích, tôi nghĩ điều quan trọng là phải làm cho nó phù hợp với thời đại bằng cách kết hợp những ý tưởng mới. Vì vậy, trên cương vị quản lý, tôi cũng coi trọng việc thử thách những ý tưởng mới. Tôi luôn ấp ủ điều đó".
Một phần của dấu ấn truyền thống tại Kayaba đến từ căn nhà 2 tầng kiểu cổ và nội thất của nó - mà bạn không thể tìm ở các quán cà phê hiện đại. Một vài đặc trưng dễ nhận thấy nhất là "dashigeta-zukuri" (cấu trúc mái nhà kiểu cổ tại Nhật), hay hoa văn mờ trên kính.
Thực khách của Kayaba cũng vô cùng đa dạng, từ nhân viên văn phòng tạt qua, những người trẻ tò mò qua mạng xã hội, hay cả những người thuộc thế hệ cũ muốn ôn lại kỷ niệm, thậm chí cả những người nước ngoài phải lòng với kiến trúc độc đáo của nó.
Một đặc trưng khác khó mà không nhắc đến tại Kayaba là những món ăn chứa cả câu chuyện được kể suốt 100 năm qua về sự hòa quyện Đông-Tây trong văn hóa, ẩm thực Nhật. Điển hình là một món được phục vụ trong bữa sáng: Bánh mì sourdough kẹp trứng, ăn kèm một chén súp và các loại rau thơm.
Hay một món khác hấp dẫn không kém là bánh mì nướng bơ kèm mứt, ăn cùng pho mát mascapone.
Tất nhiên, đã là quán cà phê thì không thể thiếu linh hồn của quán - món đồ uống được hàng triệu người trên thế giới ưa thích. "Must-try" ở Kayaba là món "Russian" kiểu Đông Âu, được pha từ cà phê drip, sirô socola, và sữa.
Livejapan đánh giá cao hương thơm, vị ngọt nhẹ và dễ uống của món "signature" này.
Nếu bạn có dịp đến Tokyo thì có thể ghé Kayaba coffee:
Địa chỉ: 6 Chome-1-29 Yanaka, Taito City, Tokyo 110-0001, Nhật Bản.
Giờ mở cửa: 8h đến 18h các ngày trong tuần, đến 19h thứ Bảy và Chủ Nhật.
Mức giá dao động: 600-1200 yen (103 nghìn đến 206 nghìn đồng)/món.
Nguồn: Livejapan