Trước đây, mỗi khi đêm xuống ở đoạn Ngã tư Phú Nhuận, chắc hẳn ai từng đi ngang qua cũng sẽ thấy hình ảnh đoàn người trải dài ngồi trên vỉa hè để thưởng thức một món đồ uống quen thuộc. Những chiếc ghế nhựa thay bàn, nối thành hàng từ trong hẻm ra đến đường lớn, đây là điểm hẹn mỗi đêm của đa số người trẻ ở đất Sài Thành.
Món đồ uống cuốn hút họ đến nơi này chẳng phải lạ lẫm hay quá đặc sắc nhưng lại trở thành "món ghiền" của mọi người suốt vài chục năm qua, đó chính là cà phê Vợt tại 330/2 Phan Đình Phùng (Phú Nhuận).
Thật ra không cần phải "luyên thuyên" nhiều về Vợt nữa vì có lẽ mọi người đã quá quen thuộc rồi. Thế sau thời gian dài giãn cách không được ngồi lê la dùng cà phê ở đây, bạn có nhớ Vợt không?
VỢT VỪA CÓ MỘT GIẤC NGỦ ĐẦU TIÊN SAU 60 NĂM, VÀ GIỜ CŨNG PHẢI "GỒNG" NHƯ BAO NƠI KHÁC
Quán Vợt nổi tiếng với một điểm đặc biệt là suốt mấy mươi năm lúc ông Đặng Ngọc Côn và bà Phạm Ngọc Tuyết khai sinh ra, đến khi truyền lại cho con cái kế thừa chưa từng một lần đóng cửa. Ấy vậy, giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Vợt cũng phải "phá vỡ" kỷ lục của mình để thực hiện theo chỉ thị của thành phố từ ngày 9/7.
Theo đó, tất cả các thành viên trong gia đình quán Vợt gặp không ít khó khăn khi phải ngưng công việc một khoảng thời gian dài. Theo truyền thống, các con của ông bà chủ nối nghiệp và chia khung giờ mỗi ngày để thay phiên nhau giữ bếp lửa đun nước cà phê luôn đỏ rực. Do đó, giãn cách xã hội khiến gia đình họ mất đi khoản thu nhập lớn nhưng vẫn phải chi trả chi phí sinh hoạt và tiền thuê mặt bằng căn nhà kế bên suốt mấy tháng.
Đối với Vợt, chỉ có kinh doanh cà phê theo truyền thống lâu đời của gia đình. Theo đó, suốt 3 tháng phải đóng cửa vì dịch bệnh, quán chỉ bán cà phê bột khi khách hàng có nhu cầu mua. Tuy nhiên số lượng bán ra không cao, không thể so sánh với cà phê pha chế từ trước giờ.
Mặc dù đã "bàn giao" cho con nắm chính nhưng bà Tuyết vẫn thường xuyên quan sát, nhắc nhở các con từng điều nhỏ nhất để đảm bảo chất lượng "cha truyền con nối" nhưng hương vị vẫn không đổi
KHÁCH CÒN ĐẾN VỚI MÌNH LÀ ĐIỀU MONG CHỜ NHẤT
Ngay khi thành phố bước vào giai đoạn "bình thường mới", bếp đun nước pha cà phê ở Vợt cũng nghi ngút khói trở lại. Vẫn là những bàn tay nhanh thoăn thoắt chăm cà phê, khách hàng thì cứ đến liên tục nhưng dường như chẳng ai phải đợi lâu cả.
"Mấy tháng qua đóng cửa mà nhớ khách dữ lắm, đứng bán làm nhanh vậy thôi chứ khách quen là nhớ mặt hết đó em. Hồi đầu tháng 10 vừa hết chỉ thị là đã có khách chạy xe đến đầu hẻm nhìn vô, thấy quán mở cửa rồi là đến ủng hộ liền.
Có mấy em một ngày uống mấy lần, từ hồi sinh viên ở dưới quê lên đến khi đi làm luôn. Mà đến đúng giờ lắm nha em. Sáng đi làm là ghé mua một ly, chiều về là làm thêm một ly nữa. Còn mấy anh chị văn phòng là ghé vào buổi trưa", con gái của bà Tuyết vừa chăm cà phê vừa chia sẻ về những vị khách của mình.
Theo các con của ông bà chủ, thời điểm trước dịch họ thay nhau bận "luôn tay luôn chân" cả ngày, chẳng đếm nổi số lượng ly cà phê bán ra. Nhưng với phương án chỉ được bán mang đi khiến họ bị giảm doanh thu rất nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về những phương án mở rộng kinh doanh hay kết hợp với các hình thức giao hàng hiện đại thì lại nhận được câu trả lời rất chân thành thế này.
"Không mở rộng thêm vì sợ phục vụ khách không tốt, khách hàng còn đến với mình đến bây giờ là mình rất mừng rồi. Ở đây mình kinh doanh gia đình trước giờ với lại không có ai rành công nghệ hết. Có một ly cà phê mười mấy ngàn mà khách tốn tiền ship nhiều thì kỳ lắm", con trai của ông bà chủ chia sẻ.
NGÀY VỢT TỈNH DẬY, TA NÓI NÓ MỪNG MỪNG TỦI TỦI LÀM SAO!
Dừng xe ở đầu con hẻm, nghe thoang thoảng mùi cà phê là sự phấn khích hiện rõ trên mặt những bạn trẻ ngày ghé lại Vợt sau 3 tháng dài.
Đối với những người không quen dùng món đồ uống này sẽ cảm thấy không thích vì vị đắng. Nhưng với những người trót "nghiện" cà phê thì việc suốt một thời gian dài không được ghé qua quán quen là cảm thấy "bứt rứt" vô cùng.
Bạn Hoài Ân (25 tuổi) yêu mến Vợt từ những ngày còn là sinh viên đến khi trở thành nhân viên văn phòng. Trải qua nhiều năm tháng là khách hàng trung thành của Vợt, đối với Ân "nơi đó không chỉ là quán cà phê mà có cả kí ức và kỷ niệm của mình trong rất nhiều năm mình ở Sài Gòn".
Ân chia sẻ rằng nếu như nhắc về Vợt cậu ấy sẽ nhớ nhất ba điều là mùi cà phê nghi ngút tỏa ra ngập con hẻm nhỏ, mùi thuốc lá và những kỷ niệm cùng với người thương của mình tại đây.
"Nếu mà hỏi có nhớ Vợt hay không thì mình chắc chắn rất nhớ cà phê Vợt. Tại vì mình đã đến với Vợt cùng bạn bè từ những ngày còn là sinh viên, tụm năm tụm bảy bên ly cà phê, ly bạc xỉu và đôi ba câu chuyện. Cho đến những ngày ngồi lặng lẽ thưởng thức cà phê bên cạnh người thương của mình".
Ở quán Vợt chất chứa không ít kỷ niệm của những người bạn, những người thương
Những bạn trẻ đến với cà phê Vợt mỗi đêm không chỉ đơn giản là ngồi uống ly cà phê mà còn để nhìn ngắm xe cộ ùn ùn đi qua ngã tư, lắng nghe tiếng rao của cô chú đẩy xe bán hàng và hơn hết là vì những cuộc hàn huyên bên hội bạn thân của mình.
Ở quán Vợt, đa số các bạn trẻ đều tự phục vụ vì quá đông đúc nhưng cũng chẳng ai phàn nàn. Tự chọn một chỗ ngồi lý tưởng cho mình, ghế nhựa thay bàn đủ đặt vài ly cà phê. Chỗ ngồi đơn giản, đôi lúc khá chật hẻm trong con hẻm nhỏ nhưng vẫn cuốn hút mọi người bởi một điều gì đó.
"Cái quán nhỏ đó là nơi để em và bạn bè giải tỏa cảm xúc sau những ngày căng thẳng vì học tập. Có khi đi làm về rất muộn nhưng bạn em í ới một tiếng thôi là sẵn sàng ra Vợt ngồi. Lúc buồn bực điều gì đó, gọi một ly cà phê đen ít đường, nghe cái mùi thơm và vị đắng khiến em thoải mái hơn", bạn Phương Trinh (20 tuổi) - một "khách ruột" của Vợt chia sẻ.