Nguyên Cục trưởng lên án vụ việc
Ngày 21/2, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội công bố "sữa dê" Danlait do công ty Mạnh Cầm phân phối chỉ được Cục An toàn Thực phẩm cấp phép là "thực phẩm bổ sung" và độ đạm chỉ đạt 17%, trong khi độ đảm chuẩn phải trên 34%.
Công bố này làm người dân, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ hoang mang, bởi một loại thực phẩm bổ sung như vậy mà có thể lưu hành trên thị trường từ tháng 2/2012 và theo số liệu của chính Mạnh Cầm thì công ty này đã bán được hơn 30 nghìn hộp, tức là đã có hàng nghìn trẻ em được cho ăn loại thực phẩm bổ sung này như sữa.
Tuy nhiên, hôm nay, các quan chức của Cục An toàn thực phẩm lại làm công chúng hoang mang thêm bởi có những phát ngôn "đối nhau chan chát" về "sữa Danlait:.
Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định: “Sản phẩm sữa bột phải đạt hàm lượng đạm từ 34% trở lên, dưới tiêu chuẩn này chỉ là thực phẩm bổ sung”.
Tuy nhiên, nếu theo như lời của Trần Quang Trung thì Cục An toàn Thực phẩm không minh bạch khi trong giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cấp cho Danlait do ông Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký lại ghi “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait”.
Chứng nhận “Thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait” của Cục An toàn thực phẩm - (ảnh: Thanh Niên).
Trong khi đó, cũng về vấn đề chất lượng của Danlait - ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng sản phẩm sữa đạm thấp thì phải khẳng định đó là sữa kém chất lượng chứ không phải là thực phẩm bổ sung. Cách chứng nhận cho sữa kém chất lượng trở thành “thực phẩm bổ sung” chính là “giấy thông hành” cho sản phẩm kém chất lượng lưu hành hợp pháp.
Ông Trần Đáng còn nhấn mạnh: “Càng nguy hiểm khi sản phẩm sử dụng lâu dài cho trẻ có đạm thấp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”.
Ông Đáng cũng bức xúc cho rằng sự cố sữa “nghèo” đạm này cho thấy cái đáng phê phán hơn nữa là sự yếu kém về năng lực của cơ quan quản lý, chỉ cấp phép trên hồ sơ, giấy tờ mà hầu như không có kiểm soát thực chất bằng kiểm nghiệm chất lượng. “Việc mập mờ giữa sữa kém chất lượng với các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ gây thiệt hại rất lớn cho người sử dụng. Tại nhiều quốc gia, một số loại sữa chất lượng thấp thậm chí chỉ dùng cho chăn nuôi, phải chuyển đổi mục đích sử dụng chứ không thể là thức ăn chủ yếu hằng ngày”.
Độ đạm trong "sữa Danlait" sánh ngang với... bột mì
Cùng quan điểm với ông Trần Đáng, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay với độ đạm từ 11-20%, "sữa Danlait" chỉ nhỉnh hơn bột ngô (từ 9-11%) và ngang với bột mì (10-14%). Ông Vang nói: “Bỏ gần nửa triệu đồng mua loại thực phẩm thông thường có độ đạm chỉ ngang với bột mì là quá đắt. Sữa trẻ em là mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe con người nên nhà nước đã ban hành quy chuẩn riêng. Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, làm sai lệch nhãn mác để bán với giá đắt gấp 5 lần là vi phạm pháp luật. Với một thị trường bát nháo như ở Việt Nam, cần phải xử lý nghiêm”.
Chị Lê Thu Ngà (Cầu Đất – Hoàn Kiếm) không khỏi băn khoăn: "Bản thân tôi có con nhỏ và rất quan tâm đến vụ việc trên cũng như mong muốn có một tiêu chuẩn chính xác về dinh dưỡng của sữa để yên tâm cho con sử dụng, tuy nhiên các ý kiến của những người trong cùng một cơ quan chức năng còn nhiều mẫu thuẫn thế này thì chúng tôi biết căn cứ vào đâu”.
Anh Phạm Văn Bình (Hai Bà Trưng - Hà Nội) bức xúc nói: "Chúng tôi muốn có một tiêu chuẩn chính xác về sữa để lấy làm căn chọn sữa nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển cho con mình".
Dưới đây là bảng dinh dưỡng trong sữa cho trẻ do các chuyên gia dinh dưỡng đề nghị theo tiêu chuẩn toàn cầu cho các thành phần của công thức cho trẻ sơ sinh - (Nguồn: Koletkzo B):
Còn dưới đây là bảng so sánh các thành phần chất dinh dưỡng trong các loại sữa phổ biến cho trẻ theo nguồn Wikipedia: