Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), giáo viên nên áp dụng các chiến lược kỷ luật (như tìm hiểu tâm tư, trao đổi nhiều hơn, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh) chứ không phải các hình phạt về thể chất hoặc quát mắng để ngăn chặn các hành vi không mong muốn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Chẳng hạn như ở trường, nếu học sinh đánh nhau thì giáo viên có thể phạt chúng lao động, trực nhật cùng nhau. Học sinh nói chuyện riêng trong giờ thì phạt chúng lên bàn đầu ngồi một mình vài ngày. Học sinh nói chuyện ảnh hưởng đến lớp học thì phạt xin lỗi từng bạn học,…
Bên cạnh đó, việc dạy trẻ nhận biết và kiểm soát hành vi của chúng là một công việc quan trọng trong cuộc sống người lớn chúng ta. Theo AAP, cách người lớn phản ứng với hành vi của trẻ em có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Nó định hình cách trẻ suy nghĩ, cư xử, cảm nhận và tương tác với người khác. Đồng thời nó cũng giúp trẻ em học được cách cư xử như người lớn.
Các chiến lược kỷ luật dạy cho trẻ em những gì được chấp nhận. Khi trẻ được dạy cách kiểm soát hành vi của mình, chúng học được cách tránh xa những điều xấu.
So với các chiến lược kỷ luật thì việc đánh đòn, quát mắng có thể khiến trẻ sợ hãi và có hiệu quả ngay lập tức. Nhưng về lâu dài, nó sẽ gây ra những tác hại tiêu cực, thậm chí có thể khiến trẻ gặp phải vấn đề về tâm lý. Vậy nên AAP cực lực phản đối hành vi đánh đòn, quát mắng ở cả trong và ngoài môi trường học đường.
Hiện tại, có 19 tiểu bang ở Mỹ vẫn đang cho phép các trường học công lập được sử dụng các hình phạt thể chất với học sinh. Và theo số liệu báo cáo thì có khoảng 163.000 học sinh ở nước này bị xử phạt về mặt thể chất mỗi năm.
Tuy vậy, ngay cả một số trường học đang còn áp dụng biện pháp này cũng phải thừa nhận, họ đang dần hạn chế hơn vì các biện pháp trừng phạt về mặt thể chất không có hiệu quả, không những vậy còn gây tác dụng ngược lại.
Ngày nay, hầu hết người Mỹ cho rằng trường học không nên sử dụng đòn roi với học sinh. Thực tế cũng đã chỉ ra, trẻ càng bị trừng phạt về mặt thể chất và lời nói thì càng có nhiều khả năng tiếp diễn các hành vi tiêu cực về mặt này hơn.
Việc sử dụng thường xuyên các hình phạt về thể xác dẫn đến các nguy cơ lo lắng, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, suy giảm sức khỏe tâm thần ở trẻ. Không chỉ vậy, chúng còn có thể bắt chước theo các hành vi bạo lực. Trong một số khảo sát, trẻ em cho biết, chúng cảm thấy mình trở nên hung dữ hơn sau khi bị trừng phạt về thể xác.
Vậy rốt cuộc trong thời đại hiện đại hóa, người lớn chúng ta nên làm gì để dạy dỗ trẻ nhỏ?
Theo AAP, cách tốt nhất mà giáo viên và các bậc phụ huynh có thể làm để giáo dục thế hệ trẻ là đề ra và sử dụng các phương pháp kỷ luật lành mạnh. Chẳng hạn như: Ca ngợi các hành vi tốt, trở thành một hình mẫu cho trẻ noi theo, đặt ra các giới hạn và kỳ vọng, bỏ qua các hành vi xấu hoặc chuyển hướng trẻ khỏi các hành vi xấu.
Theo AAPNews