Du học, trong mắt của nhiều bạn trẻ là cơ hội để bước ra thế giới, là trải nghiệm, vốn sống, văn hóa, tiếp cận nền văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những áp lực về học tập và thi cử, nhiều du học sinh Việt tại nước ngoài còn bị đè nặng bởi áp lực về kinh tế. Để rồi nhiều người phải thốt lên "cuộc sống du học sinh không chỉ màu hồng".
Nhìn từ góc độ khách quan, đi du học tốt cho sự phát triển cá nhân và sự nghiệp tương lai. Tuy nhiên, nên hay không nên đi du học còn tùy thuộc rất lớn vào hoàn cảnh. Du học là một quyết định cần nhiều thời gian cân nhắc và suy nghĩ vì chi phí thường khá đắt đỏ.
"Chấp niệm" nhất định phải du học
Mới đây, một ý kiến của một du học sinh về du học được đăng tải trên hội nhóm lớn nhận hàng ngàn lượt yêu thích. Người này cho rằng, có rất nhiều bạn trẻ dù tài chính kém, profile tàm tạm nhưng vẫn muốn chấp niệm đi du học, mà còn là đi Mỹ, Anh, Canada,... Trong khi, học ở trong nước cũng rất tốt.
Đồng ý rằng nền giáo dục tại các nước phát triển là nền giáo dục tốt, cơ sở vật chất hiện đại, cơ hội nhiều, học được nhiều thứ. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc giáo dục Việt Nam yếu kém. Có rất nhiều trường nổi tiếng, mà nhiều trường còn học khó thi khó là đằng khác, chẳng hạn như: Trường ĐH Y, ĐH Bách khoa, Trường ĐH Ngoại thương, Đại học Quốc gia Việt Nam.
Trong trường hợp sinh viên muốn học bằng tiếng Anh thì ở nước ta vẫn có nhiều trường đáp ứng được tiêu chí này. Không ít người học đại học ở Việt Nam rồi mới học thạc sĩ ở nước ngoài, chứng tỏ là chương trình đại học của chúng ta cũng được công nhận.
"Biết là không ai đánh thuế ước mơ nhưng mà đừng đặt mục tiêu trường cao chót vót, nên trường vừa tầm hoặc cao hơn 1 chút thôi, cao quá đỗ không nổi. GPA 6.5 mà muốn học bổng toàn phần là rất khó. Nếu vẫn nhất quyết đi du học thì khổ mình với khổ ba mẹ, vì không có tiền. Nhiều bạn nghĩ đơn giản là có thể vừa học vừa làm. Nhưng đi làm về mệt phờ người ra, chưa chắc đã muốn học nữa. Đi làm cũng chưa chắc đã đủ tiền", du học sinh này nói.
Theo người này, nếu có điều kiện, profile đẹp mà thích du học thì có thể đi. Còn những bạn không có điều kiện nên học đại học ở Việt Nam, học giỏi rồi tìm học bổng thạc sĩ sau. Trong 4 năm này, cố gắng "cày" GPA cỡ 3.5 trở lên, càng cao càng tốt, tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều, IELTS 7-8 "chấm", thêm tiếng Anh chuyên ngành nữa thì tỉ lệ đậu học bổng toàn phần thạc sĩ sẽ rất là cao và việc học thạc sĩ ở nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Sự học là cả đời, du học cũng không ngoại lệ
Phía dưới bài viết, nhiều người đồng tình cho rằng, du học mang lại nhiều cơ hội và trải nghiệm nhưng cũng đi kèm với một số khó khăn và thách thức. Vì vậy, trước khi quyết định bước đến một đất nước mới, sinh sống và học tập trong môi trường mới, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ít tiền vẫn đi du học được nếu biết chọn trường, chọn quốc gia và cả "combo" học tập hợp lý. Còn nếu không thực tế, kinh tế không khá giả nhưng nhất quyết đi Mỹ, Úc, Anh thì dễ giữa đường đứt gánh. Bán nhà bán đất dồn cho con đi học mà không hiểu thực lực con mình, không quản lý nguồn tài chính du học, không hiểu nền giáo dục phù hợp với khả năng tài chính của mình thì đó là khoản đầu tư thất bại ngay khi đăng ký học.
Một người chia sẻ, năm mình học lớp 11, được học bổng đi học ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian "khí thế bừng bừng" lúc đầu, khi bình tĩnh ngồi tính lại thì dù có học bổng 100% thì gia đình cũng không trả nổi các khoản còn lại nên cuối cùng phải chấp nhận từ bỏ "chấp niệm". Sau đó, bạn tốt nghiệp với profile thấy ổn, đi làm vài năm có chút tích lũy. Sau 9 năm kể từ ngày đó, bạn đã đi du học với học bổng toàn phần được 1 tháng.
"Thầm biết ơn vì đúng lúc đúng chỗ, đủ trưởng thành để hòa nhập nhanh, qua 1 tháng là bay nhảy học hết sức chơi hết mình rồi. Mấy em còn nhỏ chưa biết áp lực đi làm nó thế nào chứ vừa học vừa làm cực vô cùng, sốc văn hóa đủ thứ. Cái nào của mình thì sẽ của mình, sự học là cả đời không cần vội".
Một bà mẹ cho biết, chị từng mong ước con được nhận nền giáo dục tốt hơn ngoài Việt Nam. Chị cho con đi khắp thế giới mỗi dịp hè, cho con tự chọn quốc gia con muốn đến. Những trường có ngành con muốn học, mẹ con đều nghiên cứu để chuẩn bị nộp hồ sơ. Cách đây 2 tháng con xin được gặp để trình bày về quyết định học ở Việt Nam.
Con đưa ra các quan điểm và giải trình quyết định của con rất chặt chẽ và rõ ràng, không như chị suy nghĩ về con từ trước đến giờ.
1. Con được học ở nhà, các trường con chọn cũng không phải dễ để apply.
2. Con được ăn món ăn Việt Nam.
3. Quan hệ xã hội của con được thiết lập vững chắc. Khi ra trường con đi làm dễ dàng không mất vài năm làm quen lại.
4. Con dễ dàng khởi nghiệp và làm chủ với mức thuế tốt với người Việt.
5. Con được gần ông bà, ba mẹ khi mọi người cần. Con muốn có mặt ngay khi ông bà ốm đau…
6. Con muốn học sau đại học ở một đất nước nào đó mà con thấy cần. Lúc đó con quyết sau.
Sau khi lắng nghe con thì vợ chồng chị biết rằng "các con đã có nhận thức khác lắm rồi".
"Tương lai rất dài, con có thể học và học. Việt Nam không phải tệ để mình phải cố chấp ra đi dù điều kiện chưa cho phép. Học thật giỏi vào các trường xịn đi. Chắc chắn tư duy các con sẽ thay đổi rất nhiều, các con sẽ trở thành người văn minh biết yêu thương gia đình và đất nước. Nếu muốn thì có thể apply các khoá trao đổi ngắn hạn, các khoá hè... của các trường top thế giới. Đi chơi, đi giao lưu khắp thế gian", bà mẹ chia sẻ.
Nói về vấn đề này, chị Hoa Đinh, một cái tên khá quen thuộc với những câu chuyện thành công truyền cảm hứng về tấm gương "nhà nghèo đi du học" để lại ý kiến: "Nếu học môi trường giảng dạy bằng tiếng Anh/Pháp... thì hiện 1 số trường quốc tế trong nước và lớp chất lượng cao ở 1 số trường cũng có. Các bạn học ĐH Bách Khoa, FTU, NEU học xong vẫn có cơ hội xin học bổng trao đổi/Master đi nước ngoài full rất nhiều.
Tuy nhiên nếu gia đình có điều kiện, hay mục tiêu định cư/ra nước ngoài làm việc, hoặc muốn trải nghiệm 1 môi trường khác hẳn thì du học vẫn rất tốt. 1 số nước vẫn cho học bổng full bậc Đại học (dù ít hơn Master) như Nhật Bản/Hàn Quốc/Hungary/Đài Loan/Phần Lan/Bỉ. Tất nhiên là các bạn cần có profile tốt một chút vì điểm chưa cao, tài chính chưa có, muốn xin học bổng xịn đi từ cấp 3/Đại học thì khó. Nên các bạn cũng cần lựa cơm gắp mắm".