Tại trung tâm chỉ huy tiền phương đóng ở trụ sở UBND TP Đà Nẵng, các đơn vị viễn thông đã đưa xe lưu động đến lắp đặt để ứng cứu thông tin khi có sự cố nhằm đảm bảo cho công tác chỉ đạo. Ở các công trình cao tầng, hầu hết cần cẩu đều được hạ xuống. Đặc biệt, tại các khách sạn cao cấp, chủ đầu tư đã thuê hẳn hàng loạt container để chắn ngang trước lối vào để tránh bão đánh sập hệ thống cửa kính.
Du khách đang ở tại các khu resort, khách sạn ven biển ở đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê và Hải Châu), đường Trường Sa, Hoàng Sa (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) cũng được khuyến cáo di dời vào bên trong để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào bờ.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết đã chỉ đạo trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng thông báo khẩn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp tạm dừng sản xuất và cho công nhân nghỉ làm để tránh bão kể từ 13g ngày 9-11.
Đài truyền hình Đà Nẵng cũng liên tục phát đi thông tin khẩn cấp cảnh báo hạn chế người dân đi lại từ 14g hôm nay, nhất là các khu vực xung yếu ven biển. Ông Viết cũng cho biết đã chỉ đạo Sở Công thương tạm dừng họp chợ vào lúc 14g hôm nay để đảm bảo tính mạng cho bà con.
Dân Quảng Bình đào hầm tránh "siêu bão" như thời chiến
Sáng nay 9.11, chúng tôi đã có mặt tại thôn Liên Hóa (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) để tìm hiểu về công tác chuẩn bị, phòng chống "siêu bão" Hải Yến. Đây là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
Điều đặc biệt, ở nơi đây lần đầu tiên người dân phải đào hầm để tránh "siêu bão" trước thông tin về sức tàn phá khủng khiếp có thể xảy ra.
Ông Phan Công Hoan - Phó thôn Liên Hóa kiểm phó ban PCLB thôn - cho biết, ngay từ 6 giờ sáng nay ban PCLB thôn đã thông báo bằng loa phát thanh để người dân nắm tình hình về cơn bão, đồng thời chỉ đạo người dân triển khai chằng chéo nhà cửa, bảo vệ tài sản.
Đặc biệt, đã thông báo đến từng hộ dân triển khai đào hầm tránh bão, vì phần lớn nhà dân ở đây đều không kiên cố, ở trong rất nguy hiểm, số lượng nhà kiên cố rất ít nên đào hầm là biện pháp trú ẩn an toàn nhất. Sau khi thông báo triển khai, các hộ dân trong thôn đã huy động người trong nhà đào hầm tránh bão.
Ông Nguyễn Văn Khánh (63 tuổi) cho biết, đây là lần đầu tiên sau 45 năm kể từ thời chiến tranh, người dân mới đào hầm lại. Thời đó đào hầm để tránh bom đạn, nay lại đào hầm để tránh... siêu bão.
Ông Lương - trưởng thôn - dùng loa phát thanh huy động người dân đào hầm tránh bão. Ảnh: Linh Đan
Là một người từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đào hầm khi chiến đấu tại chiến trường, ông Khánh đã chỉ đạo và cùng các con cháu trong nhà đào một hầm trú ẩn sâu khoảng 2m, rộng 1,5m, dài 3m. Dự kiến đến hết ngày hôm nay 9.11 mới đào xong.
Sau khi hoàn thành sẽ bắc gỗ lên phía trên ngang với mặt đất rồi lợp mái che để khỏi ướt mưa. Theo tính toàn, mỗi hầm sẽ trú được khoảng 20người. "Với sức tàn phá mạnh như dự báo của siêu bão, đào hầm rồi huy động hết người trong gia đình và người thân xuống hầm là an toàn nhất" - ông Khánh tự tin nói.
Ông Hà Duy Lương - Trưởng thôn kiêm Trưởng ban PCLB thôn Liên Hóa - cho biết, hai cơn bão vừa qua kèm theo lũ quét đã gây hậu quả nghiêm trọng với gần 200 nhà sập và tốc mái, nhiều người bị thương, hiện địa phương chưa khắc phục xong hậu quả.
"Vì thế người dân và chính quyền đang triển khai tổng lực mọi biện pháp để tránh hậu quả thấp nhất nếu siêu bão Hải Yến đổ bộ, đặc biệt phải bảo toàn tính mạng người dân bằng việc đào hầm tránh bão" - ông Lương khẳng định.
Quãng Ngãi xây hầm bê tông
Dù gần như năm nào cũng bị thiệt hại do mưa bão và lũ lụt, thế nhưng chưa bao giờ thấy người dân Quảng Ngãi lo sợ như lần này. Ngay tại TP.Quảng Ngãi nhiều gia đình đã lo chèn chống nhà cửa từ sáng sớm.
Vẫn không ngơi tay cùng với người thân tất bật xúc cát vào bao để chèn mái tôn của gia đình, anh Vũ Tin, ở P.Nghĩa Lộ, không khỏi lo lắng: "Nghe dự báo về sức mạnh và sự tàn phá của siêu bão Haiyan như vậy, gia đình tôi rất lo. Có lẻ tối nay sẽ cho vợ con vào tạm ở nhà bà con cho an toàn".
Chị Võ Thị Ngọc Hải, lễ tân ở một khách sạn tại TP.Quảng Ngãi cho biết: "Đến thời điểm này, đã nhận được 10 gia đình gọi đăng ký vào khách sạn ở trong đêm nay". Còn tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, nơi nằm ngay cửa biển, anh Lê Văn Tùng, cho biết: "Dù
nhà đã có xây hầm tránh bão chắc chắn, thế nhưng trước cảnh báo cùng
với gió giật trên cấp 17, có thể sóng cao hàng chục mét, vì vậy nên cả
gia đình không dám vào trú, mà sẽ di dời vào sâu phía trong hơn".
Vòi rồng đen kịt xuất hiện trước bão ở Huế
Vào lúc 11h sáng nay, 9/11, một vòi rồng đã hình thành ven bờ biển xã Phú Hải, huyện Phú Vang.
Hình ảnh vòi rồng ở Phú Vang. Hiện vòi rồng này vẫn tiến về phía đất liền.