Làng tan hoang sau một đêm

Ngày 11/11, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết, khu vực sạt lở rộng đến 1ha, bùn đất đổ xuống tạo thành dòng lũ bùn chảy như sông xuống triền đồi. Theo ông Vượt, đêm 10/11, xã có mưa to; đến khoảng 19 giờ tối 11/11, đất đá từ trên đồi Le Ngói bất ngờ ào ạt trút xuống làng Ra Pân. Trận sạt lở kéo dài xuyên đêm khiến bà con rất lo sợ.

“Nghe tiếng nổ lớn đến 4 lần tôi đã kinh hãi, nhưng sáng dậy chứng kiến cảnh tượng còn khủng khiếp hơn. Không chỉ một quả đồi mà rất nhiều quả đồi cùng sạt lở khiến các triền đồi xung quanh rách toạc. Ước chừng, 60.000 m3 đất đá trút xuống làng Ra Pân, phủ khắp quãng đường gần 1 cây số”, ông Vượt nói.

Theo ông Vượt, từ đầu mùa mưa, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ sạt lở và cứ đợt sau khối lượng đất đá lại lớn hơn đợt trước. Mọi tuyến đường vào khu vực sạt lở đã được chính quyền địa phương bố trí lực lượng chốt chặn và lập barie phong tỏa, không cho bất kỳ ai ra vào. Mức độ nguy hiểm được địa phương cảnh báo ở mức tối đa.

Trận sạt lở uy hiếp ngôi làng gần 60 hộ với gần 200 người. Chính quyền địa phương đã chủ động di dời tất cả số hộ dân này từ đầu mùa mưa nên sạt lở chỉ phá hỏng làng mạc, nhà cửa. Một ngôi nhà kiên cố của người dân bị sập, nhiều nhà khác bị hư hại.

“Chúng tôi đã tháo dỡ 15 ngôi nhà đưa đến khu vực ổn định dựng lại cho bà con sinh sống và sản xuất”, ông Vượt cho hay. Không chỉ nhà dân, hiện trường học và trụ sở UBND xã Sơn Long cũng nằm trên “họng” đất lở, cách khu vực vừa xảy ra sạt lở chỉ vài chục mét.

2 thanh niên suýt mất mạng

Chiều qua, ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, xác nhận, hai thanh niên thoát chết sau trận sạt lở tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long. Anh Đặng Như Ý (21 tuổi) và anh Trần Phú Vinh (19 tuổi, trú xã Tam Quan, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đi xe máy hướng Kon Tum.

Tại điểm cảnh báo sạt lở, cả hai cố tình vượt rào chắn. Đi được một đoạn, hai thanh niên nghe thấy âm thanh lạ vang lên nên vội vàng bỏ xe chạy, nhưng vẫn bị đất, đá lở xuống vùi lấp thân thể khoảng nửa mét. Cả hai cố gắng dùng tay đào bới, vùng vẫy thoát ra rồi chạy vào nhà dân ven đường lánh nạn. Sạt lở tiếp tục làm đổ sập vách tường trong nhà khiến hai thanh niên bị thương nhẹ.

Theo ông Ven, hai thanh niên nói thấy hai chiếc xe máy chạy phía trước họ, nhưng đến vị trí sạt lở thì không thấy đâu. Qua xác minh, có thể họ đã đi qua một đường khác để tránh sạt lở.

“Hai thanh niên cũng không thể xác định được vụ sạt lở này có vùi lấp người dân hay không. Chính quyền đang nghi vấn có người bị vùi lấp nên đã đưa phương tiện, máy móc đào bới, khắc phục điểm sạt lở này”, ông Ven nói.

Những ngày qua, chính quyền huyện Sơn Tây sơ tán hơn 870 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu tại 52 điểm sạt lở đến nơi an toàn.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh hiện có 51 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó, huyện Ba Tơ 5 điểm, huyện Sơn Hà 7 điểm, huyện Trà Bồng 27 điểm… Quảng Ngãi đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 310 tỷ đồng để đầu tư khu tái định cư, di dân trong vùng đã bị sạt lở và vùng có nguy cơ cao.

Quảng Nam: 9 người đi đường bị đè lấp

Hiện trường vụ sạt lở.

Lúc 14h30 ngày 11/11, một vụ sạt lở xảy ra trên tuyến Quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, khiến 9 người bị đè lấp, trong đó 5 người thoát được, 3 người bị thương, 1 người nghi bị mất tích. “Lực lượng chức năng bao gồm công an, quân sự cùng phương tiện như máy múc được huy động lên hiện trường để tìm kiếm. Đồng thời, xe y tế đưa những người bị thương đi cấp cứu”, ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết.

Chiều 11/11, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa có văn bản về việc chủ động rà soát, kiểm tra thực hiện sơ tán dân. Theo thống kê, có tất cả 93 điểm thuộc 9 huyện miền núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, bao gồm huyện Nam Trà My (14 điểm), Phước Sơn (13 điểm), Bắc Trà My (30 điểm), Nam Giang (12 điểm), Tây Giang (6 điểm), Đông Giang (4 điểm), Hiệp Đức (6 điểm), Nông Sơn (4 điểm), Tiên Phước (4 điểm).

HOÀI VĂN