Không đi làm vẫn được hưởng 70 triệu đồng/tháng
Năm 2016, một ủy ban sáng kiến tại Thụy Sĩ đã khiến người dân nước này bất ngờ khi đưa ra đề xuất chu cấp thu nhập cơ bản vô điều kiện cho người dân để thay thế các khoản phúc lợi khác.
Theo sáng kiến trên, mỗi người trưởng thành ở Thụy Sĩ sẽ nhận khoản thu nhập vô điều kiện là 2.500 franc Thụy Sĩ mỗi tháng (tương đương gần 70 triệu đồng/tháng), trong khi mức dành cho trẻ em dưới 18 tuổi là 625 franc (gần 17 triệu đồng).
Đáng nói, mức chu cấp này dành cho tất cả mọi người, dù họ đang có công việc hay không. Mục đích của sáng kiến là nhằm chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, từ đó đảm bảo "một cuộc sống đàng hoàng" cho người dân.
Chính phủ Thụy Sĩ sau đó đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xem họ có nên thông qua sáng kiến này hay không.
Theo tờ New York Times, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ phiếu về kế hoạch chu cấp thu nhập cơ bản như vậy. Một số quốc gia khác không bỏ phiếu mà đã tiến hành luôn các chương trình thử nghiệm.
Mô hình dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ cho phép công dân thu thập chữ ký để yêu cầu chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý quốc gia về một đề xuất nhất định. Quy định này đã đưa Thụy Sĩ trở thành một "phòng thí nghiệm" cho những thay đổi tiên phong về kinh tế và xã hội.
Phần Lan khi ấy cũng chuẩn bị tiến hành một chương trình thí điểm kéo dài 2 năm dành cho khoảng 10.000 người trưởng thành, trong đó mỗi người sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 550 euro (hơn 14 triệu đồng). Nếu thành công, cuộc thử nghiệm này sẽ trở thành kế hoạch cấp quốc gia.
Tại Hà Lan, một nhóm các thành phố đã thử nghiệm dự án thí điểm tương tự. Trong khi đó, tại Mỹ, ý tưởng về thu nhập đảm bảo cho người dân được một số đảng viên Đảng Dân chủ thúc đẩy, coi đó như giải pháp thay thế hiệu quả hơn cho các chương trình phúc lợi của chính phủ.
Sáng kiến "bất khả thi"
Trái với kỳ vọng của những người đề xuất sáng kiến tại Thụy Sĩ, kết quả trưng cầu cho thấy có tới 77% cử tri bỏ phiếu đã bác bỏ ý tưởng này.
Những người phản đối cho rằng đề xuất đó sẽ làm chệch hướng mô hình kinh tế của đất nước. Các nhà phê bình lên tiếng cảnh báo về chi phí cao ngất ngưởng và chính phủ Thụy Sĩ sẽ phải đối mặt nếu sáng kiến được thông qua, kéo theo đó là nguy cơ người dân bỏ việc hàng loạt, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài, trong khi việc làm bí mật sẽ tăng lên. Đáng nói, sáng kiến trên còn có thể áp dụng với những người nước ngoài sống tại Thụy Sĩ. Do đó, nó làm dấy lên lo ngại rằng, nhiều người từ nước ngoài, vốn không có đảm bảo về thu nhập cơ bản, sẽ nhập cư vào Thụy Sĩ.
Những người ủng hộ thì cho rằng mọi người vốn dĩ đều có mong muốn làm việc hiệu quả và thu nhập cơ bản này sẽ giúp họ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các công việc/hoạt động mà họ thấy giá trị nhất.
Sau Thế chiến II, khái niệm về thu nhập đảm bảo đã được một số nhà kinh tế học, đi đầu là Milton Friedman, quảng bá như một cách phân phối lại thu nhập. Ông Friedman cho rằng chính sách này sẽ hiệu quả hơn so với những bộ máy điều hành đang tổ chức hàng chục chương trình riêng lẻ để giúp đỡ người nghèo.
Tuy nhiên, cuộc thảo luận ở Thụy Sĩ, và một số nơi khác trên thế giới, không chỉ dừng ở việc phân phối lại của cải, mà còn về chủ đề: Các xã hội hiện đại có thể tiếp tục tạo ra việc làm trong khi thúc đẩy những tiến bộ công nghệ như robot làm việc trong các nhà máy và xe tải không người lái hay không.
Những người ủng hộ sáng kiến thu nhập cơ bản thậm chí đã sử dụng robot trên đường phố để cảnh báo mọi người về những gì mà một xã hội thất nghiệp trong tương lai sẽ mang tới.
Bình luận về sáng kiến mới ở Thụy Sĩ, tờ Economic Times (Ấn Độ) cho rằng đó là một kế hoạch "nghe có vẻ hay" nhưng gần như không giúp quốc gia vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nó sẽ không khuyến khích việc làm và gây ra tình trạng thiếu hụt kỹ năng cho người dân.
Năm 2021, 5 năm sau khi các cử tri tại Thụy Sĩ bác bỏ ý tưởng về thu nhập cơ bản vô điều kiện, các nhà vận động một lần nữa đã đưa ra sáng kiến tương tự. Tuy nhiên, họ có vẻ vẫn chưa gặt hái được thành công.