Với Susanne Herold - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm phổi tại Bệnh viện Đại học Giessen (Đức), cô chẳng có chút gì mong chờ khi dịp lễ Giáng sinh năm nay tới gần. 

Khu chăm sóc tích cực tại bệnh viện của cô hiện chỉ còn 50 trên tổng số 150 giường là còn trống, nhưng số nhân viên chỉ đủ để phục vụ 100 giường. Nói cách khác thì về mặt lý thuyết, họ chẳng còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân nữa.

"Chúng tôi đang phải vật lộn" - cô cho biết. Trong số 12 bác sĩ thuộc đội của cô, 4 người đã phải ở nhà sau khi nhiễm Covid-19.

Hình mẫu chống dịch sụp đổ

Rất nhiều quốc gia tại châu Âu đã ban hành lệnh phong tỏa từ đầu tháng 11 nhằm giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm, cũng như bớt đi gánh nặng cho các bệnh viện. Nhưng Đức lại lựa chọn cái gọi là "phong tỏa nhẹ" - chỉ đóng cửa quán bar thôi, còn nhà hàng được phép phục vụ khách mang về. Đặc biệt là đa số các ngành nghề - bao gồm cả tiệm làm tóc vẫn được hoạt động. Lệnh phong tỏa thậm chí còn được nới lỏng vài tuần trước khi lễ Giáng sinh diễn ra.

Rất nhanh thôi, tình hình dịch bệnh đã có sự khác biệt. Tại Pháp, nơi yêu cầu công dân phải điền đơn trước khi ra khỏi nhà và đóng cửa các ngành không thiết yếu, số ca nhiễm đã giảm từ 50.000 ca/ngày (số liệu đầu tháng 11) xuống còn 10.000. Còn Bỉ - đất nước có tỉ lệ lây nhiễm trên đầu người thuộc top đầu châu Âu cũng giảm được số ca từ 17.000 xuống còn 2.500 ca/ngày.

 - Ảnh 2.

Trong khi đó, Đức hầu như chẳng có sự thay đổi, vẫn lơ lửng xung quanh mốc 20.000 ca/ngày. Một con số trái ngược với hình ảnh nước Đức từng thể hiện trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, khi được ca ngợi là hình mẫu chống dịch điển hình. Các chuyên gia cho biết, thành công trong lần chống dịch đầu tiên đã phản lại họ, khi mọi người đang tỏ ra xem thường các yêu cầu siết chặt.

Tình hình ngày một căng thẳng

"Dù Đức từng rất thành công, trở thành hình mẫu chống dịch cho nhiều quốc gia khác, chúng tôi vẫn biết đó chỉ là một giai đoạn thôi" - chia sẻ của Lothar Wieler, Giám đốc Viện Robert Koch, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát dịch bệnh tại Đức. "Lúc này chúng tôi không thể hạ con số xuống. Tình hình đang rất căng thẳng." 

 - Ảnh 3.

Đức hiện tại đang có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất trong nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu bên cạnh Ý - nơi lệnh hạn chế đã giúp giảm tỉ lệ lây lan tới gần 40% kể từ đỉnh dịch hồi tháng 11. Ở Ý lúc này, những người nằm trong "vùng đỏ" cũng chỉ được phép rời nhà để đi làm, mua sắm đồ thiết yếu và vì lý do sức khỏe thôi. 

"Khi đặt mọi thứ cạnh nhau, nó cho thấy ý tưởng phong tỏa nghiêm ngặt trong ngắn hạn là một giải pháp" Dirk Brockmann, giáo sư Viện Sinh học Lý thuyết tại ĐH Humboldt (Berlin, Đức) cho biết. "Tôi nghĩ đây là vấn đề về văn hóa, khi người Đức không quá đề cao cách làm này, dù đó là quyết định đúng." 

Trên thực tế, dù là đất nước có mức phong tỏa lỏng lẻo nhất châu Âu, Đức cũng sở hữu các phong trào chống phong tỏa nhiều nhất toàn châu lục. Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố cần ưu tiên kinh tế và trường học trong giới hạn của hệ thống y tế, nhưng việc thuyết phục người đứng đầu 16 bang áp dụng các biện pháp siết chặt hơn lại chẳng hề dễ dàng. 

 - Ảnh 4.

Ngày 2/12, lãnh đạo các bang cho biết sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng cho đến 10/1/2021. Bà Merkel sau đó cho biết Đức còn rất lâu mới đưa tỉ lệ lây nhiễm xuống còn 50 ca: 100.000 người trong 7 ngày liên tiếp. Hiện tại, con số là 134:100.000. 

Dẫu vậy trong bối cảnh số ca nhiễm tại các nước khác đang giảm xuống, nhiều chính trị gia ám chỉ về việc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn cho biết việc mang tới biện pháp thắt chặt là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt là với những nơi là điểm nóng dịch bệnh. 

Kiệt quệ vì dịch bệnh

Trong làn sóng dịch đầu tiên, Đức đã tiến hành đóng cửa trường học, cửa hàng và văn phòng làm việc, nhưng tránh được những hạn chế nghiêm ngặt về di chuyển như các quốc gia khác ở châu Âu.

Có điều đến cuối tháng 10/2020, bà Merkel thông báo hệ thống truy vết dịch đã không thể theo kịp tốc độ lây lan của virus, khi nhà chức trách không xác định được nguồn gốc của 75% số ca nhiễm.

Sự kiệt quệ dịch bệnh mang lại cũng tới với nước Đức trong giai đoạn này. Các chuyên gia cho biết với sự thành công của đợt chống dịch đầu tiên, đất nước vô tình phải đối mặt với cái gọi là "nghịch lý phòng ngừa" - khi người dân thoải mái quá mức sau khi tạm thoát ra khỏi bàn tay của đại dịch. 

 - Ảnh 5.

Lễ Giáng sinh tới sẽ là thời điểm đáng ngại nhất với công nhân viên y tế Đức

"Nhiều người chưa tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân Covid-19 nào. Một số khác thì từ chối công nhận dịch bệnh" - Wieler cho biết. 

Theo Herold, tình trạng phòng dịch lỏng lẻo trong mùa hè, việc các gia đình trở về nhà, trường học mở cửa và thời tiết lạnh xuất hiện đã châm ngòi cho dịch bệnh bùng lên. Dù đường cong lây nhiễm trên đồ thị được làm phẳng đôi chút, nhưng như vậy là không đủ.

Với việc thời gian lưu trú của bệnh nhân là khá dài, áp lực đè nặng dần lên các bệnh viện. Tháng 11/2020, bệnh nhân cuối cùng của đợt dịch đầu tiên mới được xuất viện, sau 6 tháng lưu lại bệnh viện của Herold. 

"Chúng tôi đang phải đối mặt với số bệnh nhân vừa đủ trong khả năng. Nếu số lượng tăng thêm, mọi thứ sẽ là cực kỳ khó khăn."

Đó là lý do vì sao dịp lễ Giáng sinh tới đây đang gây ra nhiều lo ngại. Do Đức gia hạn giữ nguyên tình trạng cho tới ngày 10/1 năm tới, sẽ còn hàng tuần trước khi dịp lễ đến gần. Khi đó, các gia đình sẽ quây quần với nhau thành nhóm ít nhất 10 người, chưa kể trẻ em. Nó sẽ khiến cho việc đóng cửa trường học và làm việc tại nhà trở nên vô giá trị, dù chưa ai kiểm chứng nhận định này. 

Nguồn: Washington Post