Dấu ấn mùa thu Độc lập
Trong những ngày này, ông Công Ngọc Dũng (trú tại ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại thấy xúc động lạ thường. Ngôi nhà từ thời ông bà nội của ông từng là địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 23 - 25/8/1945, đã trở thành Di tích quốc gia. Trong thời gian đó, khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về, Bác đến nhà cụ Nguyễn Thị An (bà nội ông Dũng) nghỉ ngơi và làm việc, trước khi vào nội thành Hà Nội chuẩn bị cho việc ra mắt Chính phủ lâm thời và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hàng chục năm nay, ông tình nguyện là người trông nom, gìn giữ di tích này, nâng niu những kỷ vật liên quan đến những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại đây. Vẫn còn đó chiếc máy chữ, chiếc vali mây của Bác được mang về từ Chiến khu Việt Bắc, bộ sập gỗ, bộ trường kỷ Người làm việc và nghỉ ngơi, chiếc thau đồng Bác dùng...
Ông Công Ngọc Dũng cho hay, thời đó cả nhà không ai biết ông cụ ở nhà mình chăm chỉ thức khuya dậy sớm làm việc, có lối sống giản dị là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mãi đến khi bà nội ông là cụ Nguyễn Thị An và bố ông là Công Ngọc Kha đi dự lễ Quốc khánh 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình mới biết người đó là Bác Hồ. Niềm tự hào và xúc động dâng trào, từ đó ai cũng trân trọng những phút giây đáng quý ấy.
Dịp này, khi cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 2/9, Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An đón nhiều đoàn khách của các cơ quan, đoàn thể tới thăm. Họ đến để tham quan, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của Bác, về những ngày Người ở và làm việc tại đây, về dấu ấn chuẩn bị khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
78 năm trước, ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc, đã vang lên tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi của dân tộc ta. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 2/9/1945 là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu một chính thể mới ra đời sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, chấm dứt thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Điều đó càng có ý nghĩa khi ngày Quốc khánh không chỉ là dấu mốc của một dân tộc bị nô dịch trở thành một nước độc lập, mà là sự ra đời một Nhà nước Việt Nam mới. Tính dân tộc, tính dân chủ là đặc trưng nổi trội nhất trong sự kiện Quốc khánh 2/9/1945 và là thành quả của nhiều năm đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày Quốc khánh cũng mang ý nghĩa lớn, thể hiện sức tự chủ, tự vươn lên của dân tộc bị đè nén, bị thống trị cả trăm năm qua. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Thơ cho rằng, sức vươn lên của một dân tộc rất quan trọng và phải phụ thuộc vào nội tại của dân tộc đó. Nhu cầu tự do, khát vọng đấu tranh giành độc lập được tích tụ từ bao năm qua, để sau đó thành quả là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước
Hà Nội có một vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô của Việt Nam, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vượt qua những thăm trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã nỗ lực phát huy nội lực vươn lên, xây dựng, kiến thiết Thủ đô như ngày hôm nay.
78 năm qua, một chặng đường dài để Hà Nội thay da đổi thịt, kiến tạo Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Từ một điểm xuất phát với muôn vàn khó khăn, đến nay Hà Nội đã khẳng định được hình ảnh, vị thế ở cả trong nước và thế giới. Nguồn lực để đưa Hà Nội thay đổi mạnh mẽ, không đâu khác, chính là sức mạnh nội sinh, là khát vọng, là khả năng tự vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Hiện nay, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, tăng trưởng GRDP đạt gấp 1,6 lần mức tăng cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của xã hội, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, thành phố đang tập trung chỉ đạo các khâu đột phá. Khâu đột phá thứ nhất về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Khâu đột phá thứ hai về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng; đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Khâu đột phá thứ ba về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đẩy mạnh; đào tạo lao động, hỗ trợ học nghề được tăng cường; đào tạo lao động - một chỉ số thành phần của PCI luôn duy trì trong top 5 của cả nước.
Hà Nội đang từng bước xây dựng trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, mục tiêu đó sẽ sớm trở thành hiện thực trong thời gian tới.