Nhắc đến Huế, người ta thường nghĩ đến một xứ mộng mơ ôm ấp trong mình nhiều giá trị lịch sử lẫn văn hoá. Người ta biết đến cung An Định, Quốc học Huế, cầu Trường Tiền, sông Hương núi Ngự... mà đôi khi người ta quên mất có một Quốc Tử Giám vẫn lặng lẽ đồng hành theo năm tháng cùng xứ Huế thơ mộng.
Chiều ngày 17 tháng 8 năm 2022, thông tin tòa nhà cạnh Di Luân đường thuộc di tích Quốc Tử Giám nằm tại số 1, đường 23 tháng 8, TP. Huế bốc cháy dữ dội khiến dư luận bàng hoàng. Những cột khói đen ngùn ngụt cao hàng chục mét khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Đây là nơi trưng bày hiện vật thời kỳ chống Pháp của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
@hoainhan/ Hiện trường vụ cháy tòa nhà bên trái cạnh Di Luân Đường - Nơi trưng bày hiện vật thời kháng chiến chống Pháp.
Theo thông tin đã đưa, vụ cháy xảy ra khiến một phần mái ngói của tòa nhà đổ sập, nhiều hiện vật trưng bày bị thiêu rụi thành tro. Hỏa hoạn bùng lên ở nơi đây, kể cả khi chưa biết được rõ thông tin về mức độ thiệt hại thì trong lòng chúng ta cũng dấy lên một nỗi xót xa không tên, dẫu có người còn chưa bao giờ đặt chân đến nơi này.
Quốc Tử Giám là nơi như thế nào mà khi nghe tin cháy nhiều người đau đáu đến vậy?
Quốc Tử Giám ở Huế - Trường đại học triều Nguyễn duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam
Sau khi chọn thành Phú Xuân là Kinh đô cho nhà Nguyễn, vua Gia Long dụ rằng: "Muốn có nhân tài trước hết phải giáo hóa. Nay ở Kinh sư số học giả còn ít là bởi phép dạy chưa đầy đủ. Trẫm muốn mở Quốc học và Sùng văn để tỏ bày giáo hóa".
Bởi vậy, năm 1803, Đốc Học Đường, cũng chính là trường đại học đầu tiên dưới thời Nguyễn ra đời. Xưa kia, Đốc Học Đường lập tại làng An Ninh (phía Tây Văn Thánh).
@redsvn/ Di Luân Đường có kiến trúc đặc biệt, tương tự như Thái Bình Lâu trong Tử Cấm Thành nhưng quy mô lớn và phức tạp hơn.
Vẻ đẹp cổ kính sắp rơi vào quên lãng
Đốc Học Đường khi ấy có quy mô khá khiêm tốn, có một toà chính và hai dãy nhà nhỏ hai bên. Đó là nơi giảng dạy của các đốc học và nơi học tập của giám sinh. Sau khi lên ngôi vào năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám.
Một năm sau, nhà vua dựng thêm Di Luân Đường - Một tòa giảng đường 5 gian kèm theo hai dãy nhà học bên cạnh. Hai dãy nhà học đều xây dựng kiểu 3 gian 2 chái, xung quanh có tường thành bảo vệ.
Tấm hoành đề tên Di Luân Đường có hai niên hiệu: Minh Mạng 1829 và Duy Tân 1908. Phía trên lầu Minh Trừng có bức hoành khắc nét chữ và ấn của vua Thiệu Trị cùng một bài thơ hồi văn ngắn trang trí xung quanh tường.
Đến năm 1825, trường lại xây thêm một toà nhà 9 gian cùng hai dãy cư xá. Tiếp đó, vào năm 1908, Quốc Tử Giám được di dời vào trong thành. Khi ấy, trường gồm Di Luân Đường, hai tòa nhà học hai bên, phía trước là cư xá của sinh viên và phía sau thêm toà Tân Thơ Viện.
@redsvn/ Kiến trúc phần mái của Di Luân Đường mang hơi thở nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng xứ Huế. Chủ yếu mái được lợp ngói âm dương tráng men. Các hệ thống cổ diêm mái và bờ nóc đều được trang trí bằng các họa tiết truyền thống của Huế như bát bửu, hoa lá, song ngư, rồng chầu,...
15 năm sau, Tân Thơ Viện tách ra thành bảo tàng Khải Định ngày nay. Sau đó trường có xây dựng thêm một thư viện mới là Thư Viện Bảo Đại. Từ ấy đến nay, quy mô và kiến trúc của trường không có gì thay đổi nhiều.
Khi Đốc Học Đường được xây dựng vào thời vua Gia Long, năm 1808, nhà vua cũng cho xây dựng Văn Thánh Miếu để thờ Khổng Tử và các học trò của ngài. Cổng chính của Văn Thánh Miếu vẫn còn vẹn nguyên cho đến bây giờ.
Ngày 11/12/1993, Quốc Tử Giám tại Huế được lưu danh Di sản Văn hoá Thế giới thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Quốc Tử Giám tọa lạc tại vị trí đắc địa phong thuỷ, tựa cạnh Văn Miếu, hướng ra sông Hương. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến nơi này trầm mặc, đậm vẻ trữ tình của Huế thương.
Nơi sản sinh nhiều đấng anh tài
Tại Quốc Tử Giám, bề dày lịch sử khoa cử được thể hiện với 32 tấm bia có khắc tên 293 tiến sĩ dưới triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Dưới thời Minh Mạng, giám sinh của trường gồm tôn sinh (con cháu hoàng tộc), ấm sinh (con cháu các quan), học sinh, công sinh (con dân bách tính học giỏi). Chương trình học kéo dài cả năm, chỉ được nghỉ vào dịp Tết.
Học trò lười biếng thì bị đánh bằng roi mây song, người chăm chỉ thì được thưởng. Ở đây không có thi lên lớp mà có những kỳ thi để xét học bổng. Học bổng chính là tiền, gạo và dầu đèn. Từ khi giám sinh được vào nội trú thì không phát gạo nữa, mà được phát lễ phục.
Khi ấy, vua cũng dụ rằng: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm chăm đến việc tác thành nhân tài, đặt nhà học, cấp lương cho giám sinh, gia ân cho học trò, ban phát sách vở, đều mong học trò thành tài để nhà nước dùng". Điều này cho thấy, giáo dục lúc bấy giờ rất được coi trọng và ngôi trường Quốc Tử Giám càng có ý nghĩa trong việc phát huy vai trò của mình.
Năm 1904, một trận bão lớn đổ về khiến Quốc Tử Giám hư hỏng nặng, triều đình phải tiến hành tu sửa nhiều lần. Bởi vậy, để tiện bề trông nom, tôn tạo, năm 1908, trường được dời về trong Kinh thành, bên trong cửa Thượng Tứ. Vị trí an ngự hiện nay tại số 1, đường 23/8, phường Thuận Thành, TP. Huế.
Ước mong tiếp tục vai trò giáo dục
Khi triều Nguyễn sụp đổ vào năm 1945, trường Quốc Tử Giám cũng đã lùi mình vào lịch sử, khép lại quãng đường đồng hành cùng khoa cử của mình. Dẫu “hết thời", nhưng giá trị của Quốc Tử Giám Huế mang lại vô cùng lớn lao khi đây là chứng tích cho nơi đào tạo ra nhân kiệt cho đất nước.
Không chỉ vậy, là hiện thân của tri thức, Quốc Tử Giám dù không còn là nơi tổ chức khoa cử nhưng hiện tại đã trở thành Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế.
Gần 30.000 hiện vật lịch sử quý giá được trưng bày tại nơi đây là bằng chứng tuyệt vời cho việc tuyên truyền, lan tỏa các giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của đất nước.
Dù ở chặng đường nào của thời gian, Quốc Tử Giám vẫn gắn mình với nền giáo dục tri thức nước nhà, mong mỏi con cháu nhiều đời sau có thể trông gương mà noi bước cha ông, gắng sức học hành,…
Dù đã xếp mình vào lịch sử, nhưng trong quá khứ Quốc Tử Giám tại Huế cũng đã làm tròn bổn phận đồng hành cùng khoa cử tìm kiếm anh tài để xây dựng đất nước. Năm tháng trôi đi, bãi bể nương dâu đổi dời, ngôi trường ấy chỉ còn lại là chứng tích úa màu thời gian.
Oằn mình gánh lịch sử lâu như vậy, bão táp qua bao đời cũng đến lúc được nghỉ ngơi và mong cầu được bảo tồn. Để cho con cháu nhiều đời sau nhìn về lịch sử cha ông, thấy những bảng vàng danh giá mà tự hào tiếp bước anh tài, ra sức cống hiến và xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.