Bạn mỏi mệt với việc có những đám cưới, thăm người ốm hay mua quà sinh nhật đột xuất khiến bạn phải gánh nợ hay sử dụng thẻ tín dụng?

Với quỹ chìm, bạn có thể tiết kiệm cho bất cứ thứ gì bạn muốn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tiết kiệm cho một kỳ nghỉ đẹp, một chiếc xe mới, một đám cưới, quà tặng sinh nhật và thậm chí để nâng cấp ngôi nhà của bạn.

Thay vì quẹt thẻ tín dụng một cách hoảng hốt, rồi tìm cách thanh toán sau, bạn sẽ sử dụng tiền mặt mà bạn đã dành ra mỗi tháng để trang trải mọi chi phí liên quan đến các dịp này.

Quỹ chìm là gì và hoạt động như thế nào?

Quỹ chìm có nghĩa là bạn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ mỗi tháng trong một khoảng thời gian nhất định để chi tiêu cho những vấn đề phát sinh mà bạn có thể dự trù được.

Bạn cần tiết kiệm bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Ví dụ: bạn biết rằng bạn sẽ cần sửa chữa một số chỗ trong nhà trong năm tới, nhưng bạn không biết chính xác khi nào hoặc chi phí là bao nhiêu.

Tại sao bạn cần có quỹ chìm trong ngân sách của mình? - Ảnh 1.

Mỗi một khoản bạn có thể bỏ vào một con lợn đất, một phong bì nếu bạn không phải là người giỏi quản lý, hoặc gộp chung nếu bạn tự tin vào khả năng quản lý của mình. Ảnh minh họa

Nếu bạn biết khoảng chi phí sẽ tiêu tốn bao nhiêu, hãy lấy tổng số tiền phải chi và chia nó cho số tuần hoặc tháng bạn còn lại cho đến khi bạn cần phải tiêu tiền.

Ví dụ: nếu bạn muốn chi 10 triệu cho một kỳ nghỉ cách đó ba tháng, thì bạn sẽ cần tiết kiệm khoảng 3,3 triệu mỗi tháng cho đến ngày khởi hành của chuyến đi.

Tại sao bạn cần có quỹ chìm?

Mặc dù chúng ta luôn có ngân sách để trang trải chi phí hàng tháng hoặc theo kỳ lương. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có các khoản chi phí xảy ra hàng năm, không thường xuyên hoặc đôi khi không thể đoán trước được.

Tại sao bạn cần có quỹ chìm trong ngân sách của mình? - Ảnh 2.

Chỉ dành ra một chút tiền mỗi ngày cho quỹ chìm, bạn sẽ bớt lo lắng cho những chi phí bất ngờ đó - đó chính là lợi ích của quỹ chìm. Ảnh minh họa

Quỹ chìm là một lựa chọn tuyệt vời cho những người có ngân sách eo hẹp khi gần như không khả năng chi trả cho các khoản chi tiêu lớn hoặc bất ngờ và khiến bạn dễ mắc nợ.

Cách sử dụng quỹ chìm

Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể sử dụng quỹ chìm. Ví dụ: bạn có thể tạo một quỹ chìm cho chi phí đã lên kế hoạch (chuyến du lịch), chi phí hàng năm (học phí, bảo hiểm) hoặc chi phí ngoài kế hoạch (sửa chữa xe, máy tính).

Ngay cả khi bạn không biết chính xác chi phí, bạn vẫn nên tạo quỹ chìm cho các khoản chi lớn. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng bạn sẽ có tiền để trang trải phần lớn chi phí.

Một số quỹ chìm cần thiết khác mà bạn có thể muốn xem xét đưa vào ngân sách của mình có thể là: chi phí y tế, kỳ nghỉ, thú cưng, xe cộ, giải trí, sửa chữa nhà, bảo hiểm nhân thọ...

Sự khác biệt giữa quỹ chìm và quỹ khẩn cấp là gì?

Quỹ khẩn cấp là khoản tiền được dành cho các chi phí không có kế hoạch hoặc không rõ và nên có đủ 3-6 tháng chi phí sinh hoạt, thậm chí là 9-12 tháng.

Với quỹ chìm, bạn biết gần như chính xác số tiền này dùng để làm gì và khi nào bạn cần sử dụng số tiền đó. Hiểu nôm na, quỹ chìm dành cho các chi phí dự kiến và quỹ khẩn cấp dành cho các chi phí không xác định.

Sự khác biệt giữa tài khoản tiết kiệm và quỹ chìm

Một quỹ chìm và một tài khoản tiết kiệm rất giống nhau. Điểm khác biệt chính là quỹ chìm thường cụ thể hơn tài khoản tiết kiệm thông thường.

Một tài khoản tiết kiệm được sử dụng để giúp bạn xây dựng sự giàu có và tiết kiệm cho những trải nghiệm sống mà bạn muốn có. Trong khi quỹ chìm là dành cho những thứ trong thời gian ngắn và bạn đã có mục tiêu rõ ràng.

Bạn hoàn toàn có thể tách biệt 2 tài khoản hay kết hợp làm một - nhưng nếu kết hợp làm một, hãy chú ý tránh việc nhúng tay vào tài khoản tiết kiệm dài hạn của mình.

Thiết lập quỹ chìm không phải là khó khăn. Bằng cách tạo quỹ chìm ngay bây giờ có thể giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính nhanh hơn và giảm bớt căng thẳng về tiền bạc.

Theo: Mintnotion