Đi độc mộc ngắm “viên ngọc bích”của Tây nguyên
Đến với Biển Hồ mênh mông mà dịu êm giữa trập trùng núi rừng mới hiểu vì sao trái tim nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn vỡ tan vì nét duyên dáng của “viên ngọc bích”núi rừng Tây Nguyên. Con đường với hai hàng thông ba lá cổ thụ dẫn vào Biển Hồ (còn gọi là hồ T’Nưng) thơ mộng như một bức tranh.
Biển Hồ nguyên là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm với diện tích mặt nước khoảng 250 ha và độ sâu trung bình khoảng 18 - 20 m. Sở dĩ hồ T’Nưng được gọi là Biển Hồ vì mỗi khi có gió lớn, những cơn sóng lại nhấp nhô trên mặt hồ như sóng biển.
Biển Hồ - viên ngọc bích của Tây nguyên
Mặt hồ xanh trong màu ngọc bích, phẳng như một tấm gương. Biển Hồ đẹp vào mọi thời khắc trong ngày: Buổi sáng sớm với làn sương mờ ảo, mặt trời lên cao thì nước hồ chuyển trong xanh và khi hoàng hôn xuống, khung cảnh nhuốm màu vàng đỏ của nắng chiều tà. Tuy nhiên, theo những người dân bản địa, bạn nên cẩn thận khi tham quan gần bờ vì Biển Hồ có những đoạn nước sâu không thấy đáy.
Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông ven hồ là những thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ, in bóng lung linh xuống mặt nước. Trong khung cảnh thơ mộng ấy, bạn hãy trải nghiệm đi độc mộc giữa Biển Hồ và thu vào ống kính khoảnh khắc biển nước bao quanh trùng trùng núi cao.
Đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng, vừa nếm ngụm rượu cần ở làng Brel, vừa nghe già làng kể những truyền thuyết về Biển Hồ, bạn sẽ cảm thấy vùng đất này thật hấp dẫn và huyền bí.
Thám hiểm cầu treo huyền thoại và ngắm
Thủy điện Yaly Men theo con đường đất đỏ bazan, bạn sẽ đến Nhà máy Thủy điện Yaly, một công trình quan trọng trong hệ thống đập thủy điện trên sông Se San. Nhà máy Thủy điện Yaly là công trình lớn thứ 2 ở Việt Nam sau công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.
Nằm giữa Tây Nguyên hùng vĩ, Nhà máy Thủy điện Yaly là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi. Nếu trước đây Yaly đã từng là một thác nước đẹp nổi tiếng được nhiều người biết đến, thì ngày nay công trình Nhà máy Thủy điện Yaly giữa núi rừng Tây Nguyên cũng là một thắng cảnh mới, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên hoang dã và những thành quả đồ sộ từ bàn tay và khối óc con người như đập dâng, đập tràn xả lũ, cổng giữ nước, hồ chứa nước.
Thác Phú Cường
Sau khi thămNhà máy Thủy điện Yaly, một nơi được nhắc tới ở Pleiku là cây cầu treo huyền thoại làm bằng những sợi dây thừng vắt cheo leo từ vách núi này sang vách núi bên kia. Với du khách, đặc biệt là những người ưa cảm giác mạo hiểm thì đây sẽ là địa điểm vô cùng thích thú.
Đến Pleiku, cũng đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng thác Phú Cường - dải lụa trắng của cao nguyên có dòng chảy với độ cao 45 m trên con suối La Peet. Hai bên bờ suối là nơi định cư của dân tộc Ba Na và Gia Rai. Trò chuyện và hòa mình cùng văn hóa bản địa với những món ăn do chính họ nấu sẽ là những trải nghiệm thú vị.
Hãy thử món ngon được người dân bản địa giới thiệu: Cơm lam gà nướng. Đó là loại cơm được nấu trong ống tre, có mùi thơm của gạo, quyện lẫn mùi ngai ngái của tre nứa như mang lại hương vị của núi rừng. Gà được ướp muối đậm đà cùng ớt, sả và một chút mật ong rồi kẹp vào thanh tre nướng trên bếp lửa hồng đến khi có màu vàng ruộm, mỡ màng. Vị ngọt của mật ong quyện với vị ngọt của thịt, vị cay của ớt kích thích vị giác, khiến bạn cứ tấm tắc mãi...
Thăm Quảng trường Đại đoàn kết
Tọa lạc giữa trung tâm TP Pleiku, gần QL14, quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong những công trình trọng điểm của TP Pleiku. Nổi bật giữa khuôn viên quảng trường là bức tượng Bác Hồ cao 10,8 m trên bệ đá cao 4,5 m. Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên. Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông như Quảng trường Ba Đình.
Đặc biệt, hai bên tượng đài Bác Hồ là dàn cồng chiêng khổng lồ - nét văn hóa đặc trưng cho các dân tộc anh em Tây Nguyên. Không chỉ là điểm đến cho du khách, quảng trường trung tâm thành phố còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của người dân TP Pleiku. Nhâm nhi tách cà phê bên quảng trường và ngắm nhìn nhịp sống yên bình của thành phố là lựa chọn thú vị cho buổi tối nơi phố núi…
Ở vùng đất đỏ bazan này còn có những đồi chè trải dài tít tắp thơ mộng không kém gì cao nguyên Mộc Châu hay những vườn cà phê trĩu quả mới cảm nhận được sự trù phú của vùng đất đỏ bazan này. Vào mùa thu hoạch cà phê, du khách có thể xin phép chủ vườn tham quan, trải nghiệm một ngày lao động với những người hái thuê cà phê tứ xứ và nhâm nhi ly cà phê đậm đặc nguyên chất vùng bazan này để cảm nhận lời ca “Em đẹp thế Pleiku ơi…” của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Từ TP HCM, bạn có thể đi xe khách ở Bến xe Miền Đông lên Pleiku với giá 200 - 300 nghìn đồng/vé. Bạn cũng có thể bay đến Pleiku từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. |