Ngày 2/1, trong bối cảnh lực lượng tìm kiếm Indonesia đang dốc toàn lực tìm kiếm và vớt các thi thể nạn nhân thảm họa hàng không QZ8501 trên biển Java, các chuyên gia phân tích dựa trên các mảnh vỡ của máy bay cho rằng phi công đã cố tìm cách hạ cánh khẩn cấp trên biển để cứu máy bay nhưng bất thành.

Chiếc Airbus A320 rời khỏi thành phố Surabaya của Indonesia vào sáng sớm Chủ nhật và đột ngột biến mất trên màn hình radar sau khi gặp phải một cơn bão trên biển Java, tuy nhiên thiết bị phát sóng định vị khẩn cấp ELT trên máy bay vốn được kích hoạt khi nó bị đâm hoặc chìm trong nước lại không hoạt động.

QZ8501: Nỗ lực cứu máy bay bất thành của phi công 1
Máy bay QZ8501 có thể đã tìm cách hạ cánh khẩn cấp xuống biển nhưng không thành công. Ảnh minh họa

Điều này khiến các chuyên gia hàng không tin rằng viên cơ trưởng giàu kinh nghiệm Iriyanto đã nỗ lực hết mình để đưa máy bay hạ cánh khẩn cấp trên biển nên máy bay không chịu một lực va đập quá lớn, dẫn tới thiết bị ELT không kích hoạt.

Ông Dudi Sudibyo, chuyên gia tại tạp chí hàng không Angkasa nói: “Thiết bị khẩn cấp ELT sẽ tự động kích hoạt một khi máy bay bị va chạm mạnh xuống đất, xuống biển hoặc đâm vào núi. Việc nó không hoạt động chứng tỏ máy bay đã không bị va chạm mạnh trong quá trình hạ cánh khẩn cấp”.

Thật không may, sau khi chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống mặt biển bằng nỗ lực của phi công, những cơn sóng cực lớn trong thời tiết giông bão đã ngay lập tức đánh vỡ tan thân máy bay và khiến nó chìm hẳn xuống đáy, tước đi cơ hội sống của mọi người trên máy bay.

Máy bay QZ8501 chở theo 162 người đang bay ở độ cao 9.700 mét khi phi công xin phép đổi hướng bay và tăng độ cao để tránh một cơn bão ở phía trước.

Tuy nhiên, phải vài phút sau, đài kiểm soát không lưu mới trả lời rằng họ được phép đổi hướng sang bên trái nhưng không được bay lên quá cao vì xung quanh còn nhiều máy bay khác hoạt động. Thế nhưng họ không nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía phi công, và máy bay biến mất ngay sau đó.

Một số chuyên gia hàng không khác thì cho rằng trong quá trình vọt lên quá nhanh, máy bay đã bị mất lực đẩy và bị khựng lại, sau đó rơi thẳng xuống biển như một khối kim loại, và có thể phi công đã cố gắng tìm cách hạ cánh khẩn cấp trong tình huống này.

QZ8501: Nỗ lực cứu máy bay bất thành của phi công 2
Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy trên biển

Hiện nhà chức trách Indonesia vẫn chưa hiểu được tại sao phi công không hề phát đi tín hiệu cầu cứu nào khi máy bay gặp nạn. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng trong tình huống khẩn cấp, ưu tiên hàng đầu của phi công là đưa máy bay về trạng thái ổn định, sau đó mới báo cáo với đài kiểm soát không lưu.

Hiện lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã vớt được tổng cộng 16 thi thể hành khách tại vùng biển cách nơi máy bay biến mất khoảng 10 km, trong đó có 6 thi thể được một tàu chiến Mỹ phát hiện và trục vớt.

Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Indonesia đã vạch ra một khu vực tìm kiếm khả quan nhất rộng khoảng 5.200 km vuông. Ba tàu tìm kiếm của họ mang theo lực lượng người nhái và các thiết bị tìm kiếm chuyên dụng đã bắt đầu dò tìm dưới nước trong khu vực này.

Một đội chuyên gia đa quốc gia mang theo thiết bị thủy âm chuyên dụng cũng đã tới khu vực này để dò theo tín hiệu của hộp đen máy bay, trong đó có các chuyên gia điều tra tai nạn của Pháp, Singapore và Indonesia.

Mặc dù trước đây lực lượng tìm kiếm đã thu được hình ảnh của xác chiếc máy bay bằng sóng thủy âm, tuy nhiên điều kiện thời tiết xấu cùng những đợt sóng lớn nhiều khả năng đã đẩy xác chiếc máy bay ra xa so với địa điểm ban đầu.