Trong quan niệm của người Việt, có hai ngày cúng rằm quan trọng nhất trong năm - đó là Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) và Rằm tháng Bảy (Tết Trung nguyên).
Nếu như lễ cúng Rằm tháng Giêng được tiến hành với mong muốn cầu một năm mạnh khỏe, làm ăn phát tài phát lộc thì Rằm tháng Bảy lại là lễ cúng mang nhiều ý nghĩa, nhằm tưởng nhớ công ơn, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất.
Ngày Rằm tháng Bảy cũng là ngày "Xá tội vong nhân" mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.
Vào ngày Tết Trung Nguyên này, người Việt thường làm mâm cơm để tưởng nhớ đến người thân và mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát.
Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người. Nhưng mâm cúng Rằm tháng 7 cần chuẩn bị những gì?
1. Mâm cúng ông bà, tổ tiên
Trong mâm cúng gia tiên thường có một mâm cỗ mặn gồm gà luộc, một đĩa xào, canh, chả giò, xôi... Tuy nhiên, cũng có gia đình lại chọn dâng cúng mâm chay lên tổ tiên.
Mâm cúng gia tiên ngày Rằm tháng Bảy (ảnh minh họa)
Ngoài ra, mâm cúng cũng kèm theo cả tiền vàng và những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng.
Nhiều người Việt quan niệm trần sao âm vậy. Thế nên không ít con cháu cúng các vật dụng bao gồm quần áo, giày dép, đồ trang sức, hay cả đồ dùng hiện đại như xe máy, điện thoại... để người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trên dương gian.
2. Mâm cúng chúng sinh
Cúng chúng sinh, hiểu đơn giản là mâm cúng dành cho các cô hồn bị thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước... chưa được siêu thoát.
Lễ cúng chúng sinh thường được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch). Bởi người ta quan niệm, đây là khoảng thời gian có ánh sáng yếu, cũng là lúc những vong linh trên đường trở về địa ngục. Tuy nhiên, mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.
Mâm cúng chúng sinh là mâm cúng chay, không cúng mặn.
Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có: một đĩa muối, gạo; 12 chén cháo loãng nhỏ; 5 loại hoa quả 5 màu; 12 cục đường thẻ; tiền vàng; quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lá, xanh lam, vàng, hồng...); bỏng ngô, bánh, kẹo; ngô, khoai luộc...
Cần lưu ý rằng, mâm cúng cần được bày biện cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà.
Và bạn đừng quên cúng cháo loãng bởi dân gian quan niệm rằng, những linh hồn bị đày đọa sở hữu một thực quản nhỏ hẹp nên khó có thể nuốt được thức ăn thông thường.
Sau khi cúng xong, đem hóa hết vàng mã, tiền vàng quần áo. Muối gạo, cháo trắng được vãi ra ngoài theo quy tắc nên rải từ nhà ra đầu ngõ rồi đến đường lớn. Điều này mang ý nghĩa là để tiễn sinh linh, cô hồn đi.
Khi chưa cúng xong mà lễ vật bị tranh cướp thì gia chủ thả tay không giành lại lễ vật vì nếu giật lại đồ lễ sẽ khiến gia chủ gặp nhiều điều không may.
Việc chưa cúng xong mà có người cướp lễ thì đó là tín hiệu tốt cho gia cát.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!