Trước đó, khoảng 22h, bé Ph. A. đi tiểu trong nhà tắm (nhà ở vùng quê) trong lúc trời đang mưa lớn, rồi bị té, người nhà chạy vào bồng bé dậy và phát hiện bàn chân trái của bé bị sưng bầm. Cứ nghĩ bé bị chấn thương phần mềm do té nên gia đình để bé A. ngủ tiếp đến sáng hôm sau mới đưa bé tới bệnh viện địa phương.
Tại bệnh viện địa phương, chẩn đoán ban đầu cho thấy bé bị viêm mô tế bào và được điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, do diễn tiến phức tạp, vết thương ở ngón giữa bàn chân trái sưng, thâm đen hoại tử và bầm máu lan rộng cả bàn chân, lên cẳng chân, đùi,… nên người nhà chuyển bé đến bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ trực ghi nhận bé sưng bầm cả chân trái, xét nghiệm thấy bé bị rối loạn đông máu nặng, trong khi không ghi nhận biểu hiện nhiễm trùng nên các bác sĩ nghi ngờ bé đã bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn. Vì Vậy các bác sĩ trực đã quyết định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho bé. Kết quả, tình trạng bé cải thiện đáng kể sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, xét nghiệm chức năng đông máu cải thiện dần và trở về bình thường.
Hiện bé Ph. A. được điều trị thêm oxy cao áp để phục hồi ngón giữa chân trái, không bị hoại tử tháo khớp.
Trước đó, ngày 16/10, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị cho bé Tr.H.Th. (nam, 13 tháng tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM). Đang ngủ trên giường, trong lúc trời mua lớn, người nhà nghe tiếng bé khóc thét lên, chạy vào xem thì phát hiện bé bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, máu chảy đầm đìa.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khuyến cáo, rắn lục xanh đuôi đỏ khi cắn sẽ gây rối loạn đông máu, rất nguy hiểm.